Thời sự - Sự kiện

Chư Sê phấn đấu trở thành vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Huyện Chư Sê được thành lập ngày 17-8-1981 theo Quyết định số 34-QĐ/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) trên cơ sở sáp nhập 7 xã của huyện Chư Prông và 5 xã của huyện Mang Yang cũ. Đến tháng 12-2009, huyện Chư Sê chia tách thành 2 huyện Chư Sê và Chư Pưh.

Trong những năm đầu thành lập, huyện Chư Sê tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội. Thực hiện định canh, định cư, cải tạo nông nghiệp, tập trung sản xuất lương thực, thực phẩm; đầu tư phát triển giao thông, mở rộng mạng lưới lưu thông phân phối; đẩy mạnh phát triển y tế, văn hóa, giáo dục; phát động quần chúng truy quét FULRO, xây dựng lực lượng vũ trang cơ sở, ổn định an ninh chính trị và xây dựng hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng với những nỗ lực trong việc phát động toàn dân bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Chư Sê đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống người dân, cơ bản đã giải quyết nạn đói kinh niên và dịch bệnh.

Huyện bắt tay vào quy hoạch và xác định đúng mục tiêu phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng sản xuất, thương mại và dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, y tế và giáo dục để khắc phục khó khăn, tạo nền tảng cho kinh tế phát triển đi lên.

Trên cơ sở triển khai thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn của Trung ương lúc bấy giờ (lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu), huyện tập trung phát triển thủy lợi để làm lúa nước 2 vụ, giảm diện tích lúa rẫy, chuyển diện tích bắp giống địa phương sang trồng bắp lai, mì giống mới, các dòng cà phê mới.

Thị trấn Chư Sê ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Q.T

Thị trấn Chư Sê ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Q.T

Những năm gần đây, huyện đã triển khai thực hiện các chủ trương, đề án có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế trong và ngoài huyện, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Tập trung đầu tư phát triển, nâng cấp chỉnh trang đô thị theo định hướng của tỉnh, đi đôi với thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Đến nay, huyện có 12/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn Chư Sê được công nhận đô thị loại IV. Huyện phấn đấu đến năm 2030 trở thành thị xã theo quyết định phê duyệt của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025.

Huyện chủ động, tích cực thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tạo tiền đề phát triển Khu Công nghiệp Nam Pleiku, Cụm Công nghiệp Chư Sê; phát triển năng lượng tái tạo với phát triển du lịch; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị Chư Sê.

Tính đến cuối năm 2023, tổng giá trị sản xuất đạt 14.759,03 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 70,82 triệu đồng/năm. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Tập trung chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế. Đến nay, toàn huyện có khoảng 2.095,26 ha cây trồng được ứng dụng công nghệ cao, chiếm 5,43% tổng diện tích gieo trồng.

Ngoài ra, huyện đã hình thành và phát triển vùng nguyên liệu mía tại xã Hbông với diện tích 1.057 ha. Toàn huyện có 28 trang trại nông nghiệp sản xuất các cây dược liệu, rau, nấm và các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; 15 sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP; 6 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được UBND tỉnh chấp nhận chủ trương đầu tư… Chương trình xây dựng nông thôn mới từng bước mang lại những kết quả tích cực, tạo nên diện mạo mới, sức sống mới trên quê hương Chư Sê.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có những chuyển biến tích cực gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Người đứng đầu cấp ủy thực hiện tốt việc tiếp dân, đối thoại, giải quyết những phản ánh, kiến nghị của người dân; kịp thời phát hiện, uốn nắn, chấn chỉnh, xử lý kịp thời đối với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ huyện đã kết nạp 889 đảng viên mới, đạt 88,9% chỉ tiêu nghị quyết. Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng được triển khai quyết liệt; công tác dân vận trong hệ thống chính trị có nhiều đổi mới và đạt nhiều kết quả tích cực.

Trải qua 43 năm xây dựng và phát triển với biết bao mồ hôi, công sức, các thế hệ cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc huyện Chư Sê đã bền gan, vững chí vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng huyện nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Các thế hệ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ huyện nguyện tiếp tục phát huy truyền thống, tập trung khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, kế hoạch về chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nông-lâm nghiệp, thương mại-dịch vụ; tập trung phát triển các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khơi dậy khát vọng vươn lên của người dân trong giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Tin tưởng rằng, với truyền thống đoàn kết, tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức và không ngừng đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Chư Sê sẽ hiện thực hóa khát vọng trở thành vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh.

Có thể bạn quan tâm