Xã hội

Gia đình

Chư Sê quyết liệt ngăn chặn tình trạng tảo hôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có đôi nam nữ đã định ngày cưới hỏi, chuẩn bị đặt tiệc nhưng trước sự kiên trì vận động của Hội Phụ nữ nên đã dừng lại, chờ đủ tuổi mới kết hôn. Từ năm 2021 đến nay, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) có đến 18 cặp tảo hôn đã được tuyên truyền, vận động thành công.

Khi cán bộ Hội sâu sát, quyết liệt

Bà Đào Ánh Hồng-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thị trấn Chư Sê nhớ mãi lần vận động một cặp tảo hôn ở làng Hăng Ring. Cuối năm 2021, nghe tin Kpă Linh (SN 2005) chuẩn bị “bắt chồng” là Kpă Keo (SN 2001), bà Hồng liền đến nhà tìm hiểu.

“Bố mẹ Linh bảo, không nói được nó đâu. Bố mẹ khuyên can thì nó cãi, nói ngày xưa bố mẹ cũng thế, có sao đâu”-bà Hồng kể. Lần gặp đó, Linh và Keo còn tiếp chuyện. Lần sau, khi thấy bóng cán bộ phụ nữ là cả 2 trốn biệt. Bà Hồng vẫn không nản. Tìm hiểu thêm, bà được biết Linh có chị gái học hết lớp 11 thì nghỉ, vào làm công nhân ở Bình Dương. Vậy là, bà Hồng xin số điện thoại để gọi điện trao đổi về câu chuyện trên. “Tôi nói với chị gái Linh: Mình là chị cả, ngoài trách nhiệm với bản thân còn trách nhiệm với gia đình. Chị gái Linh hiểu ra, hứa sẽ gọi điện về nhà khuyên bảo em”-bà Hồng kể.

Sau đó, bà Hồng tiếp tục đến nhà gặp Keo và tuyên truyền về quy định của pháp luật liên quan đến độ tuổi kết hôn, cùng với đó là hệ lụy nếu có con sớm. Nghe ra, cả 2 hứa dừng lại, đợi khi nào đủ tuổi mới cưới; “chú rể” Keo ngay sau đó xách đồ về lại nhà bố mẹ. Chưa hết, bà Hồng đến gặp chủ cơ sở nhận nấu đám tiệc-nơi gia đình đôi bên dự tính đặt tiệc để tuyên truyền, giải thích thêm.

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ “Nữ thanh niên đặc thù làng Greo Pết” ở xã Dun, huyện Chư Sê. Ảnh: Mai Ka

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ “Nữ thanh niên đặc thù làng Greo Pết” ở xã Dun, huyện Chư Sê. Ảnh: Mai Ka

Bà Hồng cũng đã đến vận động cặp Kpă Hâng (SN 2005) và Rmah Hyun (SN 2002, cùng ở làng Hăng Ring), khi cả 2 dự định tiến đến hôn nhân. Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Chư Sê nhớ lại: “Lúc tôi đến, bố Hyun rất đồng tình: “Ơ, Hồng nói đúng đó, cưới sớm chỉ khổ thôi”. Được bà Hồng khuyên bảo chân tình, rồi thấy cặp Kpă Linh-Kpă Keo dừng đám cưới, Hâng và Hyun cũng nghe ra. Năm 2023, cả 2 cặp mới làm lễ cưới khi đã đủ tuổi và hiện đều là công nhân tại tỉnh Bình Dương.

Nhắc về chuyện 2 lần vận động thành công, bà Hồng khẳng định: “Phải quyết liệt, theo đuổi đến cùng thì mới mong ngăn chặn tình trạng tảo hôn”.

Nhân rộng các mô hình hiệu quả

Từ ngày 1-1-2021 đến 30-6-2023, huyện Chư Sê có tổng số 2.537 cặp kết hôn, trong đó có 268 cặp tảo hôn (chiếm 10,6%), đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Trong đó, độ tuổi tảo hôn sớm hơn so với quy định của pháp luật về hôn nhân nhiều nhất là 15 tuổi.

Công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn đang được các cấp, ngành quan tâm và chung tay thực hiện. Hội LHPN huyện Chư Sê đã tổ chức khá nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà-Chủ tịch Hội LHPN huyện-cho biết: Thời gian qua, Câu lạc bộ (CLB) Phụ nữ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở các xã: Bờ Ngoong, Ia Hlốp, Al Bá, Bar Măih, Ia Pal, Ia Blang, Dun và thị trấn Chư Sê luôn được duy trì. Các cấp Hội cũng đã thành lập mới 3 CLB với 90 thành viên; nâng số CLB này từ 12 lên 15, thu hút 415 thành viên tham gia.

Đáng chú ý hơn cả là sự ra mắt của CLB Nữ thanh niên đặc thù làng Greo Pết (xã Dun) vào tháng 4-2023. Đây là CLB đầu tiên được thành lập nhằm giúp các nữ thanh niên Jrai tiếp cận với tổ chức Hội để được trang bị kiến thức cần thiết về hôn nhân và gia đình. Sinh hoạt thường kỳ mỗi tháng 1 lần, các hội viên đã phát huy vai trò, trách nhiệm của nữ thanh niên DTTS trong việc xóa bỏ những tập tục lạc hậu, nhất là tình trạng tảo hôn. Nhiều trường hợp tảo hôn nhờ đó đã được vận động thành công.

Chủ tịch Hội LHPN huyện thông tin: “Từ kết quả hoạt động của CLB này, Hội LHPN huyện có kế hoạch nhân rộng trong toàn huyện thời gian tới”.

Cùng với đó, từ năm 2021 đến nay, Hội LHPN huyện cũng đồng thời triển khai nhiều giải pháp khác nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn như: phối hợp với các phòng, ban, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng-chống bạo lực gia đình; kỹ năng chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình cho hơn 19 ngàn lượt phụ nữ. Tiếp tục duy trì và phát triển mô hình kết nghĩa giữa chi hội phụ nữ người Kinh với chi hội phụ nữ người DTTS, kết quả có tổng cộng 210 hộ kết nghĩa với nhau; nhân rộng hoạt động “1 cộng 1” (1 hội viên nòng cốt vận động 1 phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội).

Cũng theo bà Hà, các cấp Hội Phụ nữ đã tổ chức được 139 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân, phòng ngừa tảo hôn cho trên 14 ngàn lượt hội viên.

“Hy vọng sự chung tay của các cấp Hội Phụ nữ cùng các cấp, ngành, đơn vị liên quan sẽ giúp triển khai hiệu quả hơn nữa các hoạt động của Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2021-2025” và Tiểu dự án 2-Dự án 9 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025”-Chủ tịch Hội LHPN huyện kỳ vọng.

Có thể bạn quan tâm