(GLO)- Hợp tác xã (HTX) Nông Lâm nghiệp Hoài Trương-Chư Sê (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đang đầu tư cho nhiều sản phẩm từ cây sa chi để xây dựng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đây là cơ hội để HTX từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường và hướng tới hình thành chuỗi liên kết, giúp người trồng sa chi trên địa bàn có thu nhập ổn định.
Hợp tác xã Nông Lâm nghiệp Hoài Trương-Chư Sê thành lập năm 2017, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nông sản, trồng rừng sản xuất và phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đầu năm 2018, HTX liên kết thu mua sản phẩm sa chi của người dân huyện Chư Sê thông qua hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp.
Bà Mai Thị Thủy-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc HTX-cho biết: “Thời điểm này, giá hạt sa chi dao động 150.000-180.000 đồng/kg. Chúng tôi nhận thấy việc liên kết sẽ giúp người dân an tâm sản xuất vì đã có đầu ra ổn định. Cuối năm 2018, dù giá sa chi đột ngột giảm sâu, còn 15.000 đồng/kg nhưng HTX vẫn thu mua với giá 20.000 đồng/kg để tránh thiệt hại cho người dân. Thời điểm đó, hạt sa chi thu mua được chất đầy kho HTX nhưng đầu ra vẫn bế tắc, dẫn đến nguy cơ vỡ nợ”.
Sản phẩm sa chi của HTX Nông Lâm nghiệp Hoài Trương-Chư Sê tham gia hội chợ triển lãm tại TP. Pleiku năm 2019. Ảnh: Ngọc Sang |
Trong lúc khó khăn, HTX đã quyết định chuyển hướng sang đầu tư máy móc, thiết bị để chế biến sâu hạt sa chi và tìm ra bộ quy trình chuẩn đối với hạt sa chi rang sấy. Sau gần 1 năm, HTX đã sản xuất được 20 sản phẩm chiết xuất từ hạt, thân cây sa chi.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế, đơn vị đã đầu tư vùng nguyên liệu với diện tích 6 ha tại 2 xã Chư Pơng và Ia Blang với tổng sản lượng khoảng 15 tấn hạt/năm; đồng thời liên kết với các hộ dân trên địa bàn mở rộng vùng nguyên liệu ổn định để cung cấp cho HTX. Thông qua nhiều hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh, các sản phẩm gồm: hạt sa chi rang sấy, nhân sa chi rang sấy phủ sô cô la, bột ngũ cốc sa chi, viên nang sa chi uống bổ dưỡng, dầu sa chi, trà túi lọc sa chi... bước đầu tiếp cận gần hơn với khách hàng, từ đó có thể nắm bắt thị hiếu tiêu dùng. Đặc biệt, bộ sản phẩm sa chi của HTX được UBND tỉnh công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020. Qua đó, HTX đã thiết lập được các kênh phân phối ở một số tỉnh, thành trong nước.
Sản phẩm sa chi của HTX Nông Lâm nghiệp Hoài Trương-Chư Sê trưng bày tại hội nghị gặp mặt và đối thoại với doanh nghiệp huyện Chư Sê tháng 10-2020. Ảnh: Ngọc Sang |
Đầu năm 2020, khi cơ quan chức năng thông báo về kế hoạch triển khai Chương trình OCOP, HTX đã đăng ký tham gia 4 sản phẩm, trong đó có 3 sản phẩm được chế biến từ cây sa chi gồm: hạt sa chi rang sấy, nhân sa chi và dầu sa chi. Tham gia Chương trình OCOP, HTX được Phòng Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục; được cơ quan chức năng hỗ trợ thêm về tuyên truyền, quảng bá sản phẩm và tạo điều kiện tham gia hội chợ để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Việc sản phẩm sa chi của HTX tham gia Chương trình OCOP không chỉ tạo nhiều cơ hội để nâng cao giá trị mà còn mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ.
“Về lâu dài, HTX sẽ mở rộng chuỗi giá trị khép kín từ trồng trọt đến chuyên sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng mang nhãn hiệu sa chi Chư Sê. Đây là sản phẩm hướng tới bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng nên thị trường tiêu thụ rất có tiềm năng”-bà Thủy kỳ vọng.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Bước đầu, các sản phẩm sa chi của HTX Nông Lâm nghiệp Hoài Trương-Chư Sê cơ bản đáp ứng yêu cầu về chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Phòng đã cử cán bộ chuyên môn trực tiếp tư vấn, hướng dẫn cơ sở đầu tư thêm về thiết kế bao bì, nhãn mác và làm các thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa, tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm, giúp HTX, thành viên và nông dân tăng thêm thu nhập.
NGỌC SANG