Ông Y Suôn Byă- Chủ tịch huyện Krông Pắk đã được Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đồng ý giới thiệu giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội nông dân tỉnh. Hiện đang chờ quyết định cuối cùng từ UBND tỉnh.
Ông Y Suôn Byă |
Thông tin nói trên đã được một lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Lắk xác nhận với phóng viên Tiền Phong chiều nay (ngày 14/1): Tỉnh ủy đã có chủ trương. Theo quy trình điều động, do ông Y Suôn Byă là cán bộ Nhà nước, nên Sở Nội vụ sẽ trình UBND tỉnh về vấn đề này.
Như Tiền Phong cùng nhiều báo đài đã đăng, huyện Krông Pắk là nơi gây chấn động dư luận về vụ tuyển dư thừa hơn 500 giáo viên, do các đời lãnh đạo huyện này “vung bút” ký .
Trong đó, ông Y Suôn Byă ký thừa đến 197 (trong đó ký mới 176, ký lại 21) giáo viên, nhân viên trường học dù trước đó Thanh tra tỉnh đã đề nghị UBND huyện này phải khắc phục việc tuyển dụng dư thừa từ thời Chủ tịch huyện trước.
Sau đó, Tỉnh ủy Đắk Lắk có thông cáo báo chí về kết quả việc xem xét hình thức kỷ luật đối với ông Y Suôn Byă - Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk.
Ông Y Suôn Byă có khuyết điểm trong việc nhận xét, đánh giá cán bộ thuộc quyền không đảm bảo nguyên tắc, quy trình và thiếu căn cứ khách quan, vi phạm vào quy chế làm việc của UBND huyện Krông Pắk.
Ông Y Suôn Byă bị phê bình thiếu cương quyết trong việc kiện toàn chức danh trưởng phòng GD-ĐT huyện; cho chủ trương điều động, bổ nhiệm trưởng phòng Dân tộc và các phó trưởng phòng GD-ĐT huyện khi chưa tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các cá nhân này trong việc ký tuyển dụng thừa giáo viên, nhân viên trường học.
Trong vụ này còn có ông Nguyễn Sỹ Kỷ - Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (nhiệm kỳ 2010-2015) cũng ký hợp đồng thừa so với chỉ tiêu biên chế hàng trăm giáo viên. Sau đó, ông Kỷ lên làm Phó ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk, rồi nghỉ hưu. Gia đình ông Kỷ còn xây dựng “biệt phủ” trái phép trên đất nông nghiệp, tới nay vẫn được tồn tại khiến dư luận bất bình trước cảnh chính quyền "cưỡng chế, đập bỏ nhà dân mà né tránh nhà quan".
Vũ Long (TPO)