Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Chủ tịch Quốc hội: 'Nhiều bộ đã có trụ sở mới nhưng không trả trụ sở cũ'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hà Nội xin hưởng 50% tiền sử dụng đất khi bán trụ sở cũ của các bộ, ngành. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo lắng khi tới nay nhiều bộ, ngành đã có trụ sở mới nhưng không chịu trả trụ sở cũ.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. ẢNH GIA HÂN
Theo tờ trình Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình ra phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 1.6, Chính phủ xin Quốc hội cho Hà Nội cơ chế đặc thù, trong đó cho phép thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất (sau khi đã trừ chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới) do các cơ quan T.Ư quản lý trên địa bàn.
Thẩm tra đề nghị này, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, cho rằng khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn liền với đất sau khi trừ đi chi phí di dời, xây dựng trụ sở mới của các cơ quan T.Ư đóng trên địa bàn thành phố thì số còn lại (khoảng 30%) là nguồn thu của ngân sách T.Ư. Nên nay Chính phủ xin cho phép thành phố được hưởng 50% khoản thu này, nghĩa là tương ứng khoảng 15% số thu tiền sử dụng đất và bán tài sản công còn lại.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng tình với đề xuất này vì cho rằng, quy định này tương thích với cơ chế thí điểm đối với TP.HCM
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải, thực tế cho thấy việc bán tài sản công có nhiều khó khăn, quy trình và thủ tục phức tạp, kéo dài. Vì vậy, để đảm bảo quy định này có tính khả thi, đề nghị UBND thành phố Hà Nội cần chủ động có đề án tổng thể và đánh giá đầy đủ nguồn thu, lộ trình và kế hoạch, tổ chức thu từ lĩnh vực này trên địa bàn thành phố, để trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị chỉ cho thành phố hưởng 40% thay vì 50% như đề xuất để giảm áp lực mất cân đối nguồn thu thuộc ngân sách T.Ư.
Quy định trụ sở cũ phải làm công trình công cộng khiến thành phố thiếu động lực
Cho ý kiến sau đó, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu thực tế, nhiều cơ quan, bộ, ngành đã có trụ sở mới, bán trụ sở cũ nhưng đến khi phải chuyển đi thì nêu khó khăn này kia để chưa đi ngay.
“Tôi nghĩ vấn đề này, Chính phủ, các ngành phải giám sát. Công bố ra đi hoành tráng thế nhưng đã thu được ngay đâu. Họ đã đi đâu mà thu. Tức là bán rồi mà họ không trả lại cơ quan cũ”, bà Phóng nêu và đề nghị đã xây trụ sở mới rồi thì phải bàn giao ngay để tạo điều kiện cho Hà Nội sử dụng theo nghị quyết của Quốc hội.
“Sau này có thể Quốc hội cũng phải giám sát việc này, hoặc Uỷ ban Tài chính ngân sách, hoặc Ủy ban Kinh tế phải giám sát”, bà Phóng nói.
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình tại phiên họp. ẢNH GIA HÂN
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định, các bộ đã “đi” hết nhưng không bàn giao lại trụ sở cho thành phố nên không biết nếu nghị quyết này giao cho thành phố Hà Nội xử lý thanh lý đất đai thì sẽ được bao nhiêu và lộ trình thực hiện như thế nào.
“Chính phủ phải có biện pháp nếu không cứ như thế này thì dù Quốc hội có cho cơ chế nhưng không hiểu là thành phố Hà Nội đã có tiền để thực hiện chủ trương quyết sách của Quốc hội hay chưa”, ông Thanh nói.
Cùng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, nhiều cơ quan đề nghị xin xây trụ sở mới và sẽ bán trụ sở cũ hoặc là giao trụ sở cũ về cho nhà nước nhưng “không ai giao trụ sở cũ cả”.
“Nói là cho tôi xây trụ sở mới rồi tôi trả trụ sở cũ để cho nhà nước bán nhưng xây xong rồi vẫn không trả”, bà Ngân nhấn mạnh và đề nghị nếu Quốc hội thông qua nghị quyết về cơ chế này cho Hà Nội thì việc giao lại trụ sở phải được thực hiện thật nghiêm.
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận tình trạng các bộ, ngành đã có trụ sở mới song chưa chuyển khỏi trụ sở cũ. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, theo luật Thủ đô quy định đất và trụ sở cũ phải được dùng làm công trình công cộng.
“Chỗ này làm thiếu động lực cho thành phố tham gia”, ông Dũng nói và giải thích, cơ chế này là Chính phủ muốn tạo điều kiện cho Hà Nội giống như TP.HCM để tạo thêm nguồn vốn cho thành phố.
Lê Hiệp (Thanh niên)

Có thể bạn quan tâm