Thời sự - Bình luận

Chu toàn để trọn lòng thương

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Rạng sáng 23-7, hơn 400 người dân Quảng Nam được chính quyền tỉnh này đưa về quê hương. Họ là những người đang sinh sống tại TP HCM, những ngày qua gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Những người dân trên nằm trong số hơn 6.000 người từ TP HCM đã đăng ký trở về quê. UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức toàn bộ công tác này và đây cũng là một trong những địa phương đầu tiên đề nghị được đón người dân trở về quê.

Trước đó một ngày, TP Đà Nẵng cũng tổ chức các chuyến bay đón người dân về. Hoạt động này vẫn đang tiếp tục, song hành cùng các chương trình tổ chức khu cách ly, sẵn sàng đội ngũ chăm sóc y tế, cung ứng lương thực và chăm sóc sức khỏe. Kế tiếp là Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế… đã có kế hoạch sẵn sàng đón những người đồng hương về quê nhà.

Có quê để về, có nhà để nhớ. Câu nói này luôn nằm lòng của mỗi người khi phải tha hương. Được trở về quê trong lúc này quả là ấm áp và yên tâm. Chưa bao giờ câu chuyện trở về quê lại cấp thiết và nặng lòng như những ngày qua. Chính quyền địa phương một số nơi cũng nhanh nhạy nắm bắt tâm tư của người dân quê nhà để đưa ra đề nghị rất hợp tình và hợp lý. Kế hoạch này lại phù hợp với chủ trương chống dịch của Chính phủ cho TP HCM: giãn cách trên diện rộng, giảm áp lực cho ngành y tế, bớt gánh nặng cho công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu, tạo thông thoáng cho môi trường kinh tế…

Một vấn đề khác cực kỳ quan trọng là việc đưa người trở về quê còn giảm được căng thẳng xã hội. Trong lo lắng về mưu sinh, e dè về dịch bệnh, không phải ai cũng giữ được sự trầm tĩnh và nhường nhịn đúng mực. Điều này là bình thường nên thỉnh thoảng lại xảy ra một số vụ việc với các cách ứng xử nóng nảy, vượt quá giới hạn cho phép kể cả về phương diện luật pháp lẫn tình cảm. Ở góc độ cá nhân có thể là cự cãi với nhân viên công lực, xúc phạm người thừa hành công vụ, nhân viên công lực có thái độ ứng xử chưa đúng mực với người dân… Còn ở cấp độ quản lý địa phương là sự cứng nhắc, cục bộ khi thực thi quy định về giãn cách xã hội, tổ chức lưu thông kinh tế.

Trong các cuộc họp với lãnh đạo các địa phương, Thủ tướng Chính phủ luôn nhắc nhở thực hiện kế hoạch chống dịch triệt để, kiên quyết các biện pháp đã đề ra nhưng phải hết sức bình tĩnh. Bình tĩnh mới có cái nhìn thấu đáo với tình hình tại địa phương. Bình tĩnh mới thấy được kế hoạch chống dịch tổng thể của Chính phủ trong sự liên kết với từng địa phương, từng ngành, với từng cá nhân và cộng đồng xã hội.

Giữ được sự bình tĩnh chung đó mới có thể đưa ra những biện pháp chu toàn về tổ chức, điều phối nhân lực y tế cho từng địa phương thích hợp trong từng thời điểm; điều phối hàng hóa liên vùng khi giãn cách xã hội; tổ chức phân phối vắc-xin hợp lý. Ở góc độ tình cảm, thật sự bình tĩnh mới thấy được những phận đời khó khăn như những người phải đi bộ hàng trăm cây số trở về quê, bà cụ bán rổ rau ven đường trong mưa gió, em bé lẫm chẫm chờ mẹ đang chăm sóc người bệnh ở khu cách ly…, để có những sự hỗ trợ kịp thời.

Thương nhau bình thường đã quý, thương nhau trong sự lo lắng, mong cho nhau an lành lại càng quý.

Theo HỒ PHI (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm