(GLO)- Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em luôn được quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025, các chỉ tiêu bảo đảm quyền trẻ em tiếp tục được đưa vào, xem đó là một trong những mục tiêu quan trọng để đảm bảo phát triển bền vững.
Toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 446.000 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 29,4% dân số. Trong đó, có 210.660 trẻ em người dân tộc thiểu số (chiếm 47,2% số trẻ em toàn tỉnh), gần 186.300 trẻ em dưới 6 tuổi. Qua khảo sát, có gần 4.800 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (chiếm 1,1% số trẻ em toàn tỉnh); 86.700 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (chiếm 19,4% tổng số trẻ em) gồm: trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em bỏ học kiếm sống, trẻ em sống trong gia đình có vấn đề xã hội...
Tập huấn hướng dẫn viên chương trình “Làm cha mẹ vì sự phát triển toàn diện trẻ thơ Việt Nam” ở huyện Krông Pa. Ảnh: H.D |
Theo ông Phạm Công Thành-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện tỉnh: “Luật Trẻ em năm 2016 cũng đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và các chính sách xã hội liên quan đến trẻ em. Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020 đã đưa ra khung chương trình, chính sách đầu tư cho trẻ em hướng tới một khung chính sách toàn diện. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh luôn đề cao công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và xem đó là một trong những mục tiêu quan trọng để phát triển bền vững”.
Những năm qua, được sự hỗ trợ từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh vận động lồng ghép các chỉ tiêu liên quan đến phát triển trẻ thơ toàn diện trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội liên quan tới từng đơn vị. Cụ thể, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì 8 chỉ tiêu (số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; tổng số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng trợ cấp tại cộng đồng; số vụ bạo hành, xâm hại trẻ em được phát hiện...); Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì 11 chỉ tiêu (tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học đúng độ tuổi; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học có hạ tầng nước sạch-vệ sinh đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ trẻ em khuyết tật hòa nhập trong các cơ sở giáo dục các cấp...); Sở Y tế chủ trì xây dựng, tổng hợp 17 chỉ tiêu (tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đủ liều; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng; tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh; tỷ suất tử vong sơ sinh...).
Ông Lê Trọng Phúc-Phó Trưởng phòng Tổng hợp (Sở Kế hoạch và Đầu tư) thông tin: “Sự lồng ghép đó đã đem lại một số kết quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Mạng lưới cơ sở hạ tầng về giáo dục, y tế được củng cố và nâng cấp hàng năm. Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo ngày càng tăng, năm 2019 đạt 88,5%, dự kiến năm 2020 đạt 89%. Tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở cấp THCS đạt 91,5% vào năm 2020. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ước đạt 50% vào năm 2020. Các trẻ em khuyết tật được khám-chữa bệnh, phục hồi chức năng hòa nhập cộng đồng; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nghèo được chăm sóc ngày một tốt hơn”.
Tuy nhiên, một số vấn đề về bạo lực, xâm hại tình dục, xâm hại trên môi trường mạng, tử vong do tai nạn thương tích, suy dinh dưỡng trẻ em thể thấp còi, trẻ em bỏ học... vẫn còn tồn tại. Nguyên nhân được xác định là do một số sở, ngành và địa phương chưa thực sự quan tâm, coi trọng đúng mức công tác này. Việc áp dụng chế tài xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quyền trẻ em chưa nghiêm, chưa kịp thời. Công tác phối hợp giữa cơ quan, tổ chức, nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, hiệu quả.
Giám đốc Ban Quản lý Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện tỉnh cho biết thêm: “Để các quyền trẻ em được bảo đảm thực hiện, đáp ứng một cách tích cực, bền vững, trong năm 2020 và giai đoạn 2021-2025, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh và phối hợp với các sở, ngành đưa các mục tiêu, chỉ tiêu bảo đảm quyền trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế về bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, ưu tiên lĩnh vực bảo vệ trẻ em và thiết lập môi trường sống an toàn cho trẻ em, củng cố chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”.
HÀ DUY