Thời sự - Sự kiện

Chuẩn bị nhiều việc hệ trọng cho Đại hội XIV của Đảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ Chính trị phân công Đại tướng Lương Cường giữ chức Thường trực Ban Bí thư; ông Lê Minh Hưng giữ chức Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Sáng 16-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XIII (Hội nghị Trung ương 9). Hội nghị sẽ bàn về đề cương các văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng (Đại hội XIV của Đảng); chuẩn bị cho việc chỉ đạo tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và một số nội dung quan trọng khác.

Chuẩn bị chu đáo văn kiện Đại hội XIV của Đảng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết theo kế hoạch, Đại hội XIV của Đảng sẽ được tổ chức vào đầu năm 2026. Đây là sự kiện chính trị trọng đại, là dấu mốc rất quan trọng trên con đường phát triển cường thịnh, trường tồn của đất nước ta, dân tộc ta. Đồng thời, khích lệ, cổ vũ, động viên, định hướng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tự hào và tự tin dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, tiếp tục kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8, Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội và Tiểu ban Điều lệ Đảng đã khẩn trương, nghiêm túc chuẩn bị dự thảo các đề cương Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế - xã hội, Báo cáo xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng; xin ý kiến Bộ Chính trị tiếp tục hoàn thiện để trình Trung ương xem xét, cho ý kiến tại hội nghị này. Đây là bước khởi đầu rất quan trọng, định hướng cho việc chuẩn bị có chất lượng các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng. Tổng Bí thư đề nghị Trung ương dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng các tài liệu, thảo luận, cho ý kiến đối với các đề xuất cụ thể nêu trong các tờ trình và dự thảo đề cương báo cáo.

Tổng Bí thư nhấn mạnh Báo cáo chính trị là văn kiện trung tâm của đại hội, có nhiệm vụ tiếp tục cụ thể hóa Cương lĩnh của Đảng để lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong nhiệm kỳ mới. Nội dung của Báo cáo chính trị phải mang tầm khái quát cao những vấn đề thuộc về quan điểm, tư tưởng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trên các lĩnh vực.

Báo cáo kinh tế - xã hội, Báo cáo xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng là những báo cáo chuyên đề, chuyên sâu về việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng, chỉnh đốn Đảng; cụ thể hóa những định hướng lớn về chủ trương, chính sách, giải pháp được khái quát trong Báo cáo chính trị. Do đó, các báo cáo này cần có sự phù hợp, nhất quán với quan điểm, định hướng lớn nêu trong Báo cáo chính trị nhưng không trùng lắp. Đặc biệt, Báo cáo xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng cần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của việc bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng (nếu có) và xây dựng dự thảo Điều lệ mới của Đảng trình Đại hội XIV của Đảng xem xét, quyết định.

Theo Tổng Bí thư, dự thảo Đề cương các văn kiện trình hội nghị lần này mới chỉ nêu định hướng, có tính chất mở với nhiều phương án khác nhau để Trung ương cho ý kiến chỉ đạo, lựa chọn một bước, sau đó tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị theo quy trình. Riêng kết cấu của các báo cáo cần được quyết định sớm ngay tại hội nghị này. Về cách viết, nên có sự đổi mới sao cho sinh động, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ kiểm tra.

Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII khai mạc vào sáng 16-5 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII khai mạc vào sáng 16-5 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Cho ý kiến tuổi tái cử

Về định hướng chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư gợi mở để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo, Bộ Chính trị cần ban hành chỉ thị về vấn đề này. Thời gian qua, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 35/2019 của Bộ Chính trị về vấn đề này; khẳng định những kết quả, bài học kinh nghiệm cần được kế thừa, phát huy; chỉ rõ những hạn chế, khiếm khuyết cần rút kinh nghiệm và kịp thời điều chỉnh. Trên cơ sở đó, xây dựng dự thảo chỉ thị mới trình BCH Trung ương Đảng cho ý kiến để hoàn chỉnh trước khi ban hành.

Tổng Bí thư đề nghị thảo luận thật cụ thể về tờ trình và dự thảo chỉ thị. Trong đó, cho ý kiến về cơ cấu, số lượng cấp ủy của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số của cấp ủy tỉnh, thành phố; tiêu chuẩn, độ tuổi tham gia cấp ủy tỉnh, thành phố (về tuổi tái cử và lần đầu tham gia cấp ủy khi đã nâng tuổi nghỉ hưu lên 60 đối với nữ và 62 đối với nam); về bầu cử cấp ủy và bầu đại biểu đi dự đại hội Đảng bộ cấp trên...

Theo người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, nội dung chương trình Hội nghị Trung ương 9 tuy không nhiều đầu việc nhưng có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của BCH Trung ương khóa XIII. Từ đó, Tổng Bí thư đề nghị Trung ương và các đại biểu tham dự hội nghị phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, đề án và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu dự Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu dự Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII Ảnh: TTXVN

Bầu bổ sung 4 ủy viên Bộ Chính trị

Trước khi tiến hành chương trình hội nghị, Bộ Chính trị đã báo cáo BCH Trung ương Đảng về việc Bộ Chính trị quyết định phân công Đại tướng Lương Cường - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - tham gia Ban Bí thư và giữ chức vụ Thường trực Ban Bí thư; ông Lê Minh Hưng - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng - giữ chức vụ Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Trung ương cũng cho ý kiến về công tác nhân sự và xem xét, kỷ luật cán bộ. Cụ thể, Trung ương xem xét cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa XIII. Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, bà Trương Thị Mai đã có một số vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương Đảng; ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và cá nhân. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, bà Trương Thị Mai đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác.

Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của bà Trương Thị Mai, BCH Trung ương Đảng đồng ý để bà thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa XIII.

Đáng chú ý, BCH Trung ương Đảng bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, gồm các ông, bà: Lê Minh Hưng - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

BCH Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các nội dung trên theo quy định.

Quyết định thi hành kỷ luật 3 lãnh đạo, cựu lãnh đạo

Theo thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 9, BCH Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật một số lãnh đạo, cựu lãnh đạo.

Cụ thể, ông Lê Thanh Hải - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM - đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, quy chế làm việc. Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm tại Đảng bộ, chính quyền TP HCM, gây hậu quả rất nghiêm trọng, nguy cơ thiệt hại, thất thoát, lãng phí rất lớn. Để xảy ra nhiều vụ án hình sự, trong đó có vụ án rất nghiêm trọng, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị kỷ luật, xử lý hình sự, gây dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và chính quyền thành phố.

Ông Dương Văn Thái - Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang và ông Mai Tiến Dũng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước.

BCH Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Thanh Hải bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng; thi hành kỷ luật các ông Dương Văn Thái và Mai Tiến Dũng bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.

* Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định giới thiệu nhân sự để Quốc hội (QH) khóa XV bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 và Chủ tịch QH khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026.

* Chiều 16-5, Văn phòng QH thông tin chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH đã họp để xem xét, quyết định về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu QH khóa XV đối với bà Trương Thị Mai (Đoàn Đại biểu QH tỉnh Hòa Bình). Ủy ban Thường vụ QH đã thảo luận, bỏ phiếu kín thông qua và ban hành Nghị quyết của QH về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu QH khóa XV đối với bà Trương Thị Mai.

Theo M.Chiến (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm