Thời sự - Sự kiện

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sáng 23-8, tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tổ chức hội thảo triển khai các chính sách liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính, Ban Dân tộc tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; lãnh đạo Chi cục PTNT các tỉnh: Quảng Ngãi, Phú Yên, Lâm Đồng, Bắc Giang, Lạng Sơn.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Mở đầu hội thảo, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và PTNT đã báo cáo kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2023 và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động trong giai đoạn 2023-2025. Theo đó, giai đoạn 2021-2023 đã thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp gồm: phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển sản xuất cộng đồng; phát triển sản xuất theo nhiệm vụ; phát triển sản xuất đặc thù. Kế hoạch phân bổ vốn thực hiện hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (Tiểu dự án 1-Dự án 3) giai đoạn 2021-2025 là 5.500 tỷ đồng (ngân sách trung ương 3.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1.000 tỷ đồng, nguồn vốn hợp pháp khác 1.500 tỷ đồng). Kết quả, chương trình đã hỗ trợ trên 693 dự án phát triển sản xuất nông-lâm-ngư-diêm nghiệp cho khoảng 37.520 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo; tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản và thí điểm, nhân rộng các giải pháp sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả cho khoảng 3.587 người. Kết quả giải ngân thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đạt thấp, trong đó, năm 2021 được hơn 49,63 tỷ đồng (đạt 44,58% kế hoạch); năm 2022 được hơn 62,1 tỷ đồng (đạt 18,21% kế hoạch); năm 2023 được hơn 29,83 tỷ đồng (đạt 3,43% kế hoạch).

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: L.N

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: L.N

Trong quá trình triển khai các chính sách liên quan đến Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Hệ thống văn bản hướng dẫn từ Trung ương chậm ban hành, trong khi các địa phương có quan điểm chờ hướng dẫn của Trung ương, dẫn đến công tác tham mưu, đề xuất ban hành văn bản của địa phương còn chậm. Hiện nay, cả nước mới có 43/56 tỉnh ban hành nghị quyết hướng dẫn, trong đó, đa số được ban hành vào đầu năm 2023. Bên cạnh đó, văn bản hướng dẫn còn thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất về nội dung, cơ chế và mức hỗ trợ giữa các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành với Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, Nghị định số 38/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, thực tế còn nhiều bất cập như: cơ chế lồng ghép nguồn lực các chương trình MTQG, cơ chế phân cấp, phân quyền, cơ chế quay vòng; cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, cộng đồng, giao nhiệm vụ, đặc thù; việc phân bổ vốn, giao kế hoạch vốn chậm; nguồn vốn dự án không được giao cho cả giai đoạn 2021-2025 mà chỉ giao từng năm, do vậy các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn, xác định nội dung và hoạt động để thực hiện các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị có thời gian thực hiện từ 2 đến 3 năm. Việc huy động nguồn lực từ xã hội còn khó khăn. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tiềm ẩn nhiều rủi ro, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nên sản phẩm nông nghiệp chưa tạo được sự kết nối giữa sản xuất và thị trường, chưa hình thành chuỗi liên kết, dẫn đến hiệu quả thoát nghèo gắn với hỗ trợ sinh kế phát triển sản xuất bền vững cho người nghèo còn thấp. Công tác thông tin, tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục nên nhận thức của một bộ phận hộ nghèo còn hạn chế, chưa thực sự nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tái nghèo và phát sinh nghèo vẫn còn diễn ra; kết quả giảm nghèo chưa bền vững.

Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục PTNT các tỉnh cũng nêu lên những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình triển khai. Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai-cho hay: Việc triển khai thực hiện các chính sách thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững của tỉnh vẫn còn một số khó khăn như: trình độ dân trí của một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp; cơ sở hạ tầng ở một số khu vực còn hạn chế; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, giá cả nhiều mặt hàng nông sản thấp làm giảm thu nhập của người dân. Đối với Tiểu dự án 1 (Dự án 3), việc thực hiện nội dung về tỷ lệ hỗ trợ và cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ bằng tiền để luân chuyển trong cộng đồng khi thực hiện dự án chưa hợp lý và chưa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Bởi lẽ, đối tượng triển khai là người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định), hộ nghèo dân tộc thiểu số, phụ nữ thuộc hộ nghèo nhưng thực tế hiện nay, đa số hộ nghèo trên địa bàn các huyện thuộc diện khó khăn, bệnh tật, thiếu đất sản xuất, không có lao động ổn định… nên việc thực hiện thu hồi, quay vòng vốn theo quy định từ 5% đến 40% (theo địa bàn thực hiện dự án) là không khả thi, các hộ dân không đồng thuận, từ chối tham gia dự án. Ngoài ra, các bộ, cơ quan Trung ương chậm ban hành các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG theo thẩm quyền và một số văn bản còn sửa đổi, bổ sung, kéo theo tiến độ xây dựng, trình ban hành và ban hành văn bản của tỉnh còn chậm.

Còn theo ông Ngô Văn Hưng-Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Quảng Ngãi: Đây là chương trình mới nên khi triển khai ở địa phương còn nhiều lúng túng. “Những quy định tréo ngoe, bất cập khi thực hiện các thủ tục, hồ sơ xây dựng dự án và thanh quyết toán gây không ít khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện và giải ngân vốn. Cấp xã chỉ được phân bổ kinh phí thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất theo đề xuất cộng đồng nhưng người đại diện cộng đồng lại là trưởng thôn, các chi hội đoàn thể... nên khó trong việc đi xây dựng dự án trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Đối với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, việc thông báo tìm doanh nghiệp, hợp tác xã làm đơn vị chủ trì liên kết còn gặp nhiều khó khăn”-Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Quảng Ngãi dẫn chứng.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhiều địa phương trong tỉnh đã cấp phát lúa giống cho người dân để phát triển sản xuất. Ảnh: Đ.T

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhiều địa phương trong tỉnh đã cấp phát lúa giống cho người dân để phát triển sản xuất. Ảnh: Đ.T

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Luy-Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Bắc Giang thì cho rằng: Công tác triển khai chương trình chậm, còn gặp nhiều vướng mắc nhưng chưa được giải đáp, tháo gỡ kịp thời như: các nội dung về đấu thầu, mua sắm vật tư, con giống phục vụ dự án, phương án hỗ trợ; định mức chi cho từng đối tượng cụ thể như hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; dự án, phương án cần có thành viên làm kinh tế giỏi… trong khi các hộ làm kinh tế giỏi lại không nghèo. Tại một số địa phương có các dự án, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó đối tượng hỗ trợ là cây-con giống mới chưa có định mức kinh tế kỹ thuật dẫn đến khó khăn khi xây dựng phương án, dự án hỗ trợ…

Đề xuất giải pháp tháo gỡ

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai: Trong những năm tiếp theo cần khuyến khích, mở rộng hoạt động tạo việc làm công cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thông qua các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; áp dụng thống nhất các cơ chế, quy trình trong thực hiện chương trình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững.

Còn ông Đinh Văn Súy-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro thì cho hay: Năm nay là năm đầu triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, văn bản hướng dẫn thường xuyên sửa đổi, bổ sung nên việc triển khai gặp lúng túng, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Do đó, địa phương đề nghị cấp trên xem xét phân bổ kinh phí các chương trình MTQG ngay từ đầu năm để thuận lợi cho việc triển khai thực hiện.

Còn theo Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Quảng Ngãi: Hàng năm cần có kế hoạch cụ thể việc tổ chức kiểm tra, giám sát Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại các địa phương. Xác định, phân loại hộ nghèo để đầu tư, hỗ trợ cho những hộ có tư liệu sản xuất, có lao động nhằm mang lại hiệu quả. Cần ban hành sổ tay hướng dẫn thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 để các địa phương thực hiện.

Phát biểu kết luận hội thảo, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT Lê Đức Thịnh cho biết: “Tại hội thảo đã có 10 ý kiến nêu lên thực trạng, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ. Chúng tôi ghi nhận, tiếp thu những ý kiến của các địa phương. Chúng tôi sẽ giao cho Phòng Giảm nghèo nghiên cứu tất cả các ý kiến để có những giải pháp cụ thể. Những nội dung vượt thẩm quyền, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng Chương trình MTQG để tháo gỡ. Chúng tôi cũng lưu ý, không cái gì vượt qua quy định pháp luật được nên trước mắt, các địa phương vẫn phải tuân thủ”.

Ông Lê Đức Thịnh-Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT phát biểu kết luận Hội thảo. Ảnh: Lê Nam

Ông Lê Đức Thịnh-Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT phát biểu kết luận Hội thảo. Ảnh: Lê Nam

Cũng theo ông Thịnh, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT sẽ đề xuất, kiến nghị Chính phủ tiếp tục rà soát hệ thống cơ chế chính sách đã ban hành; hoàn thiện chính sách theo hướng thống nhất, đồng bộ; đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình, xét duyệt để triển khai thực hiện dự án; tăng cường phối hợp trong điều hành, quản lý, đề xuất lồng ghép các nguồn vốn; kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo; đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền; tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép chuyển nguồn vốn sự nghiệp thực hiện chương trình năm 2023 chưa giải ngân hết sang năm 2024. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính giao vốn Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 theo trung hạn để các tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện cho cả giai đoạn và xem xét phân kỳ vốn ngân sách trung ương theo kế hoạch hàng năm.

Có thể bạn quan tâm