Kinh tế

Nông nghiệp

Chương trình OCOP phát sinh nhiều khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 1 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), có 42 sản phẩm được công nhận đạt 3-4 sao cấp tỉnh. Kết quả này là tiền đề để các địa phương đăng ký sản phẩm mới tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2020. Tuy nhiên, quá trình triển khai chương trình này đang phát sinh những khó khăn cần tháo gỡ.

 

Nhiều sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh

Năm 2019, Gia Lai là một trong những tỉnh đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Sản phẩm tham gia chương trình chủ yếu có sẵn từ trước như: cà phê bột, hồ tiêu, thịt bò một nắng, mật ong, chanh dây, tinh bột nghệ, hạt mắc ca, gạo, măng le sấy khô… Kết quả, có 8 sản phẩm đạt 4 sao và 34 sản phẩm đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh.

Phát huy kết quả này, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp tục đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2020. Đến nay, 16/17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã phân bổ trên 17 tỷ đồng giúp các hộ kinh doanh, doanh nghiệp đầu tư khoảng 50 sản phẩm để đánh giá, phân hạng vào cuối năm nay. 

 Sản phẩm OCOP trưng bày tại một sự kiện thương mại. Ảnh: N.D
Sản phẩm OCOP trưng bày tại một sự kiện thương mại. Ảnh: N.D



Hợp tác xã Nông nghiệp Thảo Nguyên (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) là đơn vị có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2020. Ông Trịnh Quang Hải-Giám đốc Hợp tác xã-cho biết: “Năm 2019, sản phẩm cao đinh lăng của Hợp tác xã được UBND tỉnh công nhận đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh. Hiện nay, Hợp tác xã đang đầu tư nâng cấp dây chuyền chế biến cao đinh lăng để phấn đấu đạt 4 sao vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, Hợp tác xã đang tích cực chế biến hạt mắc ca sấy theo công nghệ mới để tiếp tục đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2020”.

Khó khăn cần tháo gỡ

Chương trình OCOP tuy mới được triển khai năm 2019 nhưng đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia, góp phần nâng tầm sản phẩm đặc trưng của địa phương. Dù đạt được những kết quả khá ấn tượng nhưng theo nhìn nhận của doanh nghiệp cũng như các địa phương, quá trình triển khai chương trình vẫn còn nhiều khó khăn nhất định. Ông Bùi Ngọc Thúc-Giám đốc Hợp tác xã Nông-Lâm nghiệp Quyết Tiến (xã Ayun, huyện Mang Yang) cho biết: Hiện nay, Hợp tác xã thiếu vốn đầu tư nâng tầm sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Bên cạnh đó, vừa rồi, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sản phẩm măng le sấy khô của Hợp tác xã tiêu thụ chậm hơn so với trước đây.

Sản phẩm OCOP trưng bày tại siêu thị. Ảnh: Nguyễn Diệp
Sản phẩm OCOP trưng bày tại siêu thị. Ảnh: Nguyễn Diệp



Về phía địa phương, ông Nguyễn Long Khánh-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh-cho hay: Năm 2020, huyện đăng ký hơn 10 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Hiện nay, định mức hỗ trợ các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP chưa rõ ràng nên việc áp dụng vào thực tế rất khó. Huyện đang tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh hoàn thiện hồ sơ, bao bì nhãn mác, chất lượng sản phẩm đảm bảo đúng các tiêu chí đánh giá, phân hạng. Tuy nhiên, huyện mong muốn các cấp sớm ban hành định mức để địa phương chủ động tuyên truyền và xây dựng những nội dung hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP đạt kết quả cao nhất.

Không chỉ khó khăn về định mức chi cụ thể, hiện nay, việc thực hiện Chương trình OCOP còn phát sinh một số khó khăn như xúc tiến thương mại, sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn chưa có địa phương đăng ký. Đặc biệt, đối với một số sản phẩm như tổ yến, các loại tinh dầu, dịch chuối, nước thảo dược đa năng và đông trùng hạ thảo, Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp tỉnh chưa biết xếp vào nhóm ngành nào trong 6 nhóm ngành gồm: thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm trang trí và dịch vụ du lịch nông thôn. Mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Công văn số 1079/SNNPTNT-CCPTNT về việc góp ý điều chỉnh tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và khung tài liệu đào tạo, tập huấn về OCOP gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đề nghị hướng dẫn cụ thể việc sắp xếp vào nhóm ngành hàng và cách đánh giá, phân hạng sản phẩm theo đúng quy định của Chương trình OCOP với 5 sản phẩm trên.

Trao đổi với P.V, ông Y Nguyên-Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn-cho biết: “Khó khăn hiện nay là định mức hỗ trợ các sản phẩm tham gia chương trình có nội dung chi nhưng không có định mức chi cụ thể. Bên cạnh đó, việc xúc tiến thương mại các sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP cấp tỉnh còn khó khăn do chưa có điểm trưng bày, quảng bá. Không những vậy, đa số sản phẩm được công nhận năm 2019 và sản phẩm đăng ký năm 2020 chủ yếu có sẵn từ trước, chưa có ý tưởng của người dân. Các huyện cũng chưa mạnh dạn đăng ký sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, vai trò và sự tham gia của chính quyền cấp xã không thể hiện rõ khi triển khai Chương trình OCOP của các địa phương”.

Cũng theo ông Nguyên, để Chương trình OCOP phát triển bền vững trong thời gian tới cần tập trung xây dựng các dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tổ chức tuyên truyền, tập huấn tới cộng đồng về OCOP, hội thảo các chuyên đề về OCOP; đánh giá, phân hạng kịp thời nhằm quảng bá chất lượng sản phẩm OCOP của tỉnh đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.

 NGUYỄN DIỆP



 

Có thể bạn quan tâm