Chuyển biến tích cực trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở Nghĩa Hưng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 20 năm triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đời sống của người dân xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) ngày càng được nâng cao, kinh tế phát triển, bộ mặt nông thôn không ngừng được đổi mới.
Đoàn kết để phát triển 
7 sào chanh dây của ông Siu Hyuk (làng Bui) bị chia ra làm đôi do con đường có chiều rộng 3 m, chiều dài hơn 500 m chạy ngang. Nguyên nhân là bởi, để rút ngắn khoảng cách từ rẫy đến nhà các hộ trong làng, ông Siu Hyuk đã tự nguyện hiến đất làm con đường này.
Ông Hyuk chia sẻ: “Hồi chưa có đường, người trong làng muốn vận chuyển lúa, cà phê từ rẫy về phải đi đường vòng xa lắm, nhà ai không có xe chở thì gùi đi bộ về rất nặng. Tôi nghĩ, nếu mỗi người chịu thiệt một chút vì cái chung thì sẽ xây dựng thôn làng đẹp hơn, phát triển hơn”.
Gia đình ông Hyuk không phải là hộ duy nhất trong làng hiến đất làm đường. Trưởng thôn Rơ Chăm Pưnh cho biết: Làng Bui có 121 hộ với gần 760 khẩu. Trước kia, làng có khoảng 7 km đường nội làng, trong đó mới chỉ đổ nhựa khoảng 1 km, còn lại là đường đất nhỏ hẹp. Mùa mưa, đường lầy lội và trơn trượt.
Khi triển khai xây dựng làng nông thôn mới, xã đã huy động mọi nguồn lực triển khai làm hơn 1 km đường bê tông xi măng với kinh phí gần 800 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 440 triệu đồng, còn lại do các hộ dân đóng góp. Tiếp đó, dân làng cũng góp kinh phí để làm thêm 4 km đường cấp phối. Nhiều người cũng đã tự nguyện hiến đất, góp ngày công như hộ các ông, bà: Hyer, Bao, Grưnh, Phyết, Bum, Grek…
Cuối tháng 10-2019, làng Bui được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, làng đã có nhà văn hóa, sân thể thao; trong làng không còn nhà tạm, dột nát; đường giao thông đã được cứng hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,3%. Tại hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2000-2020” do UBND xã Nghĩa Hưng tổ chức mới đây, làng Bui là 1 trong 3 tập thể tiêu biểu được vinh danh.
3 tập thể được UBND xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Ảnh: Hà Duy
3 tập thể được UBND xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Ảnh: Hà Duy
Sôi nổi các phong trào
Xã Nghĩa Hưng có 13 thôn, làng với 2.427 hộ, gần 9.300 khẩu, trong đó, 20% là đồng bào dân tộc thiểu số. 20 năm qua, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” xã đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức.
Ông Huỳnh Trọng Quang-Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng-cho hay: “Ngoài việc tập trung triển khai 6 nội dung chủ yếu của Ban Chỉ đạo Trung ương đề ra thì xã còn tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tuyên truyền, vận động giải quyết dứt điểm hàng chục các vấn đề nổi cộm tại các thôn, làng trên các lĩnh vực trật tự xã hội, vệ sinh môi trường, dân số-kế hoạch hóa gia đình và các tệ nạn xã hội”.
Cũng theo ông Quang, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, năm 2010 toàn xã có 1.403 hộ được công nhận là gia đình văn hóa (đạt 68%) thì đến năm 2019 đã có trên 2.000 hộ được công nhận (đạt 83%); thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,35%. Toàn xã có 12/13 thôn, làng được công nhận là thôn, làng văn hóa. 
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng cho biết thêm: “Xã đặt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng trên 90% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm, 13/13 thôn, làng đạt danh hiệu thôn, làng văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 1%; trẻ em ra lớp trong độ tuổi đến trường đạt 100%. Để đạt mục tiêu đó, xã sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân, tiếp tục tạo chuyển biến cơ bản trong việc thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường văn hóa, tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh. Cùng với đó là thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh. Đặc biệt, sẽ giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, khôi phục văn hóa truyền thống ở các thôn, làng như cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm...”.
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm