Thời sự - Bình luận

Chuyện cái toilet miễn phí và phong trào xã hội hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
“Thoải mái như ở nhà – Comfort as home” - slogan gắn quanh biểu tượng mặt cười - là logo, chỉ dấu của toilet miễn phí, phục vụ công cộng tại các hàng quán, khách sạn, nhà dân... ở Đà Nẵng. Người dân thành phố này đã cùng nhau mở cửa toilet nhà mình phục vụ miễn phí cho du khách trong cao điểm du lịch hè 2023 và dịp lễ hội pháo hoa quốc tế bằng cách dán logo đó ngay mặt tiền nhà.
Logo "Thoải mái như ở nhà – comfort as home" được dán trước mặt tiền cơ sở kinh doanh ở Đà Nẵng. Ảnh: Mai Hương

Logo "Thoải mái như ở nhà – comfort as home" được dán trước mặt tiền cơ sở kinh doanh ở Đà Nẵng. Ảnh: Mai Hương

Có một thống kê, dân số Singapore xấp xỉ 6 triệu người nhưng có trên 29.000 toilet công cộng được gắn sao. Tương đương 200 dân thì có 1 nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn. Trong khi đó, dân số Đà Nẵng chừng 1,5 triệu người, mà toàn TP chỉ có... 19 toilet công cộng. Nghĩa là khoảng 80.000 dân mới có 1 nhà vệ sinh công cộng. Chưa kể phần lớn trong số này xuống cấp, nhếch nhác và không đảm bảo vệ sinh. Cao điểm mùa du lịch, hoặc có sự kiện quốc tế diễn ra thì tỉ lệ này cao hơn rất nhiều.

Chính vì vậy, từ năm 2017, khi Việt Nam đăng cai tổ chức APEC tại Đà Nẵng, địa phương này đã phát động phong trào, kêu gọi nhà dân, hàng quán, khách sạn... tham gia mở cửa miễn phí toilet, phục vụ công cộng để đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách.

Bất ngờ là ngay thời điểm đó đã có 300 cơ sở lưu trú, 160 khách sạn từ 1 sao đến 5 sao và gần 1.200 nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng, nhà dân ở mặt phố… tham gia.

Cùng với định hướng đẩy mạnh phát triển du lịch dịch vụ, đến nay, Đà Nẵng đã đầu tư thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng, đặc biệt, khu vực ven biển, các điểm du lịch tập trung.

Tuy nhiên, vẫn còn quá thấp so nhu cầu thực tế và cũng chưa tiện dụng. Vì vậy, phong trào huy động nhà dân, cơ sở kinh doanh gắn logo: “Thoải mái như ở nhà – Comfort as home” để mở cửa toilet miễn phí cho du khách đã tiếp tục được khuấy động trở lại.

Lần này, người dân Đà Nẵng cũng sẵn lòng, vui vẻ hưởng ứng ngay đầu dịp hè 2023 và mùa lễ hội quốc tế pháo hoa với hàng ngàn cơ sở tham gia.

Công trình vệ sinh công cộng được ví như "thước đo văn hóa" ở các đô thị. Thế nhưng hạ tầng này rất kém tại nhiều thành phố ở Việt Nam, trong đó có Đà Nẵng. Nhà vệ sinh công cộng là một hạ tầng thiết yếu, hết sức cần thiết đối với các điểm du lịch, các đô thị. Đà Nẵng đã từng đầu tư có trọng điểm, nhưng việc quản lý, vận hành sau đó lại không phát huy hiệu quả. Chỉ thời gian ngắn, hầu hết các toilet công cộng đều xuống cấp, không đảm bảo vệ sinh, bỏ hoang, thậm chí gây mất mỹ quan nên phải tháo dỡ.

Khi kêu gọi xã hội hóa, người dân tham gia thì bài toán nhà vệ sinh công cộng từ nguồn lực của cộng đồng tại Đà Nẵng đã mang lại hiệu quả ngoài mong đợi.

Không chỉ giải bài toán cấp bách về nhà vệ sinh công cộng cùng chính quyền như dịp APEC-2017, mà còn thể hiện sự hiếu khách, thân thiện của người dân.

Không chỉ mở cửa toilet cho du khách dùng miễn phí, với thái độ niềm nở, vui vẻ, mà hiện nay, khi thành phố phát động phong trào liên gia phòng cháy chữa cháy, người dân Đà Nẵng cũng lập tức tham gia. Xã hội hóa công tác phòng cháy chữa cháy bằng cách tự trang bị các dụng cụ, bình chữa cháy, lập tổ nhóm tương trợ tại cơ sở, tổ dân phố để tuyên truyền, nhắc nhở nhau phòng và kịp thời xử lý ngay khi phát sinh sự cố cháy.

Điều này cũng tương tự phong trào hiến đất mở rộng kiệt, hẻm ở thành phố, nhường đất để làm đường, xây trường học, bệnh xá ở nông thôn... đang được người dân hưởng ứng một cách vui vẻ, tự nguyện, ở nhiều địa phương.

Kêu gọi sự góp sức chung tay của người dân chưa bao giờ khó. Lòng tốt luôn sẵn có trong mọi người, chỉ cần mục đích rõ ràng, trong sáng, không vụ lợi, vì quyền lợi của cộng đồng, vì môi trường thì ai cũng sẵn sàng. Điều đáng vui mừng nữa, là những hành động vì cộng đồng, vì lợi ích chung tương tự thế này đang lan tỏa rất nhanh, mạnh mẽ, khắp nhiều nơi.

Có thể bạn quan tâm