Kinh tế

Nông nghiệp

Chuyển đổi cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực hướng dẫn người dân chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa thường xuyên bị hạn và cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp người dân nâng cao thu nhập trên một diện tích.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm đến nay, người dân các địa phương đã chuyển đổi hơn 2.633 ha cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Trong đó, người dân chuyển đổi hơn 831 ha đất trồng lúa thường xuyên bị hạn sang trồng các loại rau màu, đậu đỗ, khoai lang, dưa hấu; chuyển nhiều diện tích mì, mía, cao su, hồ tiêu… kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Vườn sầu riêng được chuyển đổi trồng trên đất hồ tiêu chết của ông Trần Đình Trọng (thôn Thiên An, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) mang lại thu nhập khá. Ảnh: N.D

Vườn sầu riêng được chuyển đổi trồng trên đất hồ tiêu chết của ông Trần Đình Trọng (thôn Thiên An, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) mang lại thu nhập khá. Ảnh: N.D

Tại huyện Chư Pưh, giai đoạn 2014-2016, dịch bệnh đã làm khoảng 1.500 ha hồ tiêu bị chết, đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn. Trước tình hình đó, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển diện tích hồ tiêu bị chết sang trồng cây ăn quả. Ông Trần Đình Trọng (thôn Thiên An, xã Ia Blứ) cho biết: “Năm 2016, khi 1,5 ha hồ tiêu của gia đình bị chết, tôi chuyển sang trồng 230 cây sầu riêng và 50 cây bơ. Đến nay, 100 cây sầu riêng đang cho thu hoạch, ước đạt khoảng 6 tấn quả. Với giá 60 ngàn đồng/kg, gia đình có thể thu được hơn 300 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với năm ngoái. Đặc biệt, vườn sầu riêng của tôi đã làm mã số vùng trồng, liên kết đóng gói xuất khẩu nên không lo về đầu ra”.

Theo ông Nguyễn Long Khánh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh: Những năm trước, khi diện tích hồ tiêu bị chết nhiều, người dân đã chuyển sang trồng cây ăn quả. Đến nay, khoảng 1.500 ha đất trồng hồ tiêu đã được người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và nhu cầu thị trường. Đặc biệt, nhiều diện tích sầu riêng đã cho thu hoạch với giá thu mua cao giúp người dân yên tâm sản xuất.

“Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và PTNT khuyến khích người dân chủ động chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu thị trường. Đặc biệt, huyện tiếp tục giữ ổn định diện tích cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả; tuyên truyền, vận động người dân tham gia các hợp tác xã để liên kết sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Huyện cũng chú trọng xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc để nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho người dân”-ông Khánh thông tin thêm.

Người dân xã Ia Hla (huyện Chư Pưh) chuyển đổi hồ tiêu chết để liên kết trồng nhãn Hương Chi. Ảnh: Nguyễn Diệp

Người dân xã Ia Hla (huyện Chư Pưh) chuyển đổi hồ tiêu chết để liên kết trồng nhãn Hương Chi. Ảnh: Nguyễn Diệp

Còn ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện thì cho hay: Những năm gần đây, Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế. Đặc biệt, thực hiện Đề án phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Phú Thiện đã chuyển đổi được 3.388 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: mía, cây ăn quả, khoai lang, khoai môn. Ngoài ra, địa phương cũng hướng dẫn người dân sử dụng các giống lúa chất lượng cao như: ST24, ST25, TBR39… để sản xuất trên diện tích khoảng 2.000 ha, thay thế những giống lúa kém hiệu quả.

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-thông tin: Những năm gần đây, các mô hình chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất trồng lúa thường xuyên bị hạn và diện tích canh tác kém hiệu quả đã mang lại giá trị kinh tế tăng 2-4 lần so với trước khi chuyển đổi. Bên cạnh đó, người dân các địa phương đã thay đổi phương thức canh tác từ chọn giống tốt, ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ… Thời gian tới, Sở tiếp tục định hướng các địa phương tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa, mía, mì, cao su, hồ tiêu… kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Có thể bạn quan tâm