Khoa học - Công nghệ

Chuyển đổi số mạnh mẽ và hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long-Trưởng ban Chỉ đạo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trên địa bàn tỉnh tại hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm triển khai Đề án tổ chức chiều 9-1.

Trung tá Ksor HBơ Khắp-Phó Giám đốc Công an tỉnh đồng chủ trì hội nghị. Hội nghị được kết nối đến 17 điểm cầu cấp huyện và 220 điểm cầu cấp xã trong tỉnh.

Nhiều kết quả nổi bật

Thay mặt Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh báo cáo tại hội nghị, Trung tá Ksor HBơ Khắp thông tin: Năm 2022, tỉnh đã hoàn thành 4/13 nhiệm vụ của Đề án, đang tiếp tục triển khai 9 nhiệm vụ thường xuyên. Tỉnh đang tiếp tục phối hợp các bộ, ngành Trung ương thực hiện các nhiệm vụ để triển khai 5 nhóm tiện ích gồm: Hoàn thiện các chính sách, pháp luật về phát triển, cung cấp ứng dụng, dịch vụ số liên quan đến thông tin dân cư; phát triển công dân số; phục vụ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu; phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh. Gia Lai cũng đã hoàn thành và đang triển khai 52 nhiệm vụ; hiện còn 36 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh giao chưa triển khai, chưa hoàn thành do phụ thuộc vào tiến độ triển khai của Trung ương.

 Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy
Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy


Việc thực hiện các DVCTT theo lộ trình Đề án được các sở, ngành, địa phương triển khai theo hướng dẫn của Trung ương. Nổi bật là vai trò của Công an tỉnh trong triển khai các dịch vụ công thiết yếu thuộc Đề án 06. Trung tá Ksor HBơ Khắp cho biết: Hiện toàn tỉnh đã triển khai 24/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06. Trong đó, Công an tỉnh đã hoàn thành 11/11 dịch vụ công mức độ 3, 4; các sở, ngành đã hoàn thành và triển khai 13/14 dịch vụ công (còn 1 thủ tục liên thông là đăng ký khai tử-xóa đăng ký thường trú-trợ cấp mai táng phí chưa triển khai). Cùng với đó, Công an tỉnh đã hướng dẫn các sở, ngành, địa phương sử dụng 7 phương thức thay thế sổ hộ khẩu khi thực hiện các TTHC; triển khai chiến dịch “90 ngày đêm” về cấp căn cước công dân (CCCD), tài khoản định danh xác thực điện tử. Đến nay, số công dân đã có thẻ CCCD sử dụng đạt tỷ lệ 95% trong tổng số 1.247.580 công dân từ đủ 14 tuổi trở lên; cấp hơn 133.000 tài khoản định danh điện tử mức 2.

Các sở, ngành, địa phương cũng tập trung thực hiện số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC có liên quan đến thông tin, giấy tờ cá nhân trong tiếp nhận, giải quyết. Cụ thể, Sở Tư pháp đã số hóa 396.645 dữ liệu hộ tịch; Sở Tài nguyên và Môi trường số hóa 62.346 hồ sơ trao đổi thông tin địa chính với cơ quan Thuế và 154.476 hồ sơ phục vụ công tác in giấy chứng nhận; các sở, ngành số hóa 100% hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả TTHC…

Ngoài ra, việc cập nhật, bổ sung, làm giàu các dữ liệu để kết nối, chia sẻ và sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết TTHC được các sở, ngành địa phương tiếp tục quan tâm, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” khi kết nối, chia sẻ. Một số dữ liệu đã kết nối, xác thực với CSDL quốc gia về dân cư như dữ liệu bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giáo dục đào tạo, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp… Số dữ liệu đã cập nhật điển hình như: 1.682.035 dữ liệu thông tin dân cư; 1.181.804 dữ liệu CCCD; 1.299.765 dữ liệu bảo hiểm y tế (BHYT); 382.150 dữ liệu cán bộ, giáo viên, nhân viên...    

Phó Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh: “Từ kết quả thông tin trên Hệ thống CSDL quốc gia về dân cư, Công an tỉnh phân tích các số liệu, tình hình dân cư, dân tộc, độ tuổi phục vụ công tác thống kê, tính toán các chỉ tiêu tổng hợp về kinh tế-xã hội, hoạch định chính sách và sắp xếp đơn vị hành chính của Sở Nội vụ, Cục Thống kê tỉnh; phân tích độ tuổi phục vụ công tác bầu cử HĐND các cấp, tuyển chọn công dân tham gia nghĩa vụ quân sự và phục vụ các yêu cầu của UBND tỉnh trong chỉ đạo, điều hành các nội dung có liên quan đến tình hình dân cư”.

Tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bên cạnh ghi nhận những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế trong triển khai các nội dung của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, một số nhiệm vụ còn chưa hoàn thành theo đúng tiến độ của Chính phủ giao như: tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn chậm; công tác làm giàu dữ liệu theo chức năng của các sở, ngành còn chưa đạt yêu cầu đề ra; một số DVCTT chưa phát sinh hồ sơ; hệ thống công nghệ thông tin của tỉnh vẫn chưa đảm bảo yêu cầu về an ninh, an toàn thông tin để kết nối với CSDL quốc gia về dân cư; hiệu quả công tác tuyên truyền Đề án 06 còn thấp, nhất là tại thôn, làng, tổ dân phố…

Trên tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong việc triển khai Đề án 06. Ở lĩnh vực y tế, mặc dù ghi nhận những kết quả khả quan, song việc triển khai khám-chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chip điện tử vẫn còn gặp một số khó khăn. Phó Giám đốc Sở Y tế Đinh Hà Nam cho hay: Để tiếp tục tăng cường mô hình này, ngành Y tế nghiêm túc tổ chức thực hiện theo đúng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, phấn đấu đến hết quý I-2023 có 100% cơ sở khám-chữa bệnh BHYT trong tỉnh triển khai khám-chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip điện tử; 20% dân cư khi đi khám-chữa bệnh BHYT có thực hiện tra cứu thông tin BHYT qua CCCD gắn chip hoặc qua ứng dụng VNeID.

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương cũng nêu một số nguyên nhân khách quan khiến việc triển khai Đề án 06 chưa hiệu quả là do người dân chưa có điều kiện tiếp cận internet, trang-thiết bị phục vụ triển khai DVCTT còn hạn chế; hệ thống DVCTT quốc gia thường xuyên bị lỗi, các thao tác phức tạp, tốn nhiều thời gian.

 Cán bộ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) cấp định danh điện tử mức 2 cho người dân. Ảnh: Thúy Trinh
Cán bộ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) cấp định danh điện tử mức 2 cho người dân. Ảnh: Thúy Trinh


Sau khi lắng nghe các ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long nhấn mạnh: Cùng với Chính phủ, chúng ta phải xác định năm 2023 là “Năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới” và phải thúc đẩy triển khai Đề án 06, chuyển đổi số mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa. Từ người đứng đầu đến cán bộ, công chức, viên chức, người dân không một ai đứng ngoài cuộc trong quá trình này, xem đây là điều kiện quyết định sự thành công của chuyển đổi số nói chung, Đề án 06 nói riêng.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao trong năm 2023; giao Công an tỉnh theo dõi tiến độ thực hiện Đề án 06 của các sở, ngành, địa phương, khẩn trương tham mưu Tỉnh ủy ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Người đứng đầu các cấp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tích cực hơn nữa và chịu trách nhiệm chính thực hiện Đề án 06. Các sở, ban, ngành tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát các văn bản thuộc thẩm quyền của tỉnh có yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy để tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung vì sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã hết giá trị sử dụng. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển công dân số và ứng dụng dữ liệu dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân sử dụng ứng dụng công dân số quốc gia VNeID, phối hợp đa dạng hóa các tiện ích để người dân tham gia sử dụng.

 

 PHƯƠNG LINH
 

Có thể bạn quan tâm