Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Chuyện khởi nghiệp của giới trẻ Lâm Đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những năm qua, chuyện khởi nghiệp của giới trẻ Lâm Đồng đã lan tỏa sâu rộng và ngày càng có nhiều thanh niên vươn lên thành tỉ phú với sản phẩm 'cây nhà lá vườn' của mình.

 
Hội LHTN VN tỉnh Lâm Đồng tổ chức cho đoàn viên tham quan, trải nghiệm thực tế ở những mô hình sản xuất nông nghiệp thành công
Hội LHTN VN tỉnh Lâm Đồng tổ chức cho đoàn viên tham quan, trải nghiệm thực tế ở những mô hình sản xuất nông nghiệp thành công




Xuất hiện nhiều mô hình thành công

Chị Trần Thị Chúc Quỳnh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch T.Ư Hội LHTN VN, Chủ tịch Hội LHTN VN tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ trong nhiệm kỳ qua, thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp là một trong những phong trào có dấu ấn đậm nhất. “Phong trào lan tỏa rộng và ngày càng đi vào chiều sâu ở khắp các khu vực thành thị và nông thôn, không chỉ phát triển trong thanh niên người Kinh mà còn cả thanh niên người dân tộc thiểu số. Những lĩnh vực thế mạnh được thanh niên lựa chọn chủ yếu liên quan đến nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, dịch vụ du lịch...”, chị Quỳnh cho hay.

Anh Phan Thanh Sang, Phó chủ tịch Hội LHTN VN tỉnh Lâm Đồng, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, cho biết phong trào khởi nghiệp ở Lâm Đồng thời gian qua có rất nhiều thuận lợi. Tỉnh thành lập Tổ hỗ trợ khởi nghiệp, Tỉnh đoàn - Ban Thư ký Ủy ban Hội LHTN VN tỉnh thành lập và ra mắt Vườn ươm khởi nghiệp và sáng tạo, Trường ĐH Đà Lạt cũng hình thành trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các sở ngành chú trọng hơn đến việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Hội LHTN VN tỉnh đã tổ chức cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp”, hội thảo chuyên đề liên quan đến khởi nghiệp, tuyên dương thanh niên làm kinh tế giỏi…

Từ đây đã xuất hiện nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên thành công tiêu biểu trên các lĩnh vực, tạo nhiều việc làm và đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Một số mô hình đã xuất khẩu sản phẩm sang các nước châu Âu như: giống công nghệ sinh học INVITRO của Công ty CNSH F1, hay mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trồng rau thủy canh của HTX Thủy Canh Việt, các mô hình trồng hoa cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, mô hình du lịch nông nghiệp đã góp phần tạo nên bức tranh khởi nghiệp đầy màu sắc đặc trưng của Lâm Đồng.

Phải hiểu biết lĩnh vực và xoay ra vốn mới khởi nghiệp

Chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp thành công của mình, anh Phan Thanh Sang (37 tuổi, TP.Đà Lạt), chủ trang trại hoa lan Sang còi (hay còn gọi YSA Orchid Farm), thổ lộ: “Trong khởi nghiệp, vấn đề đầu tiên ai cũng gặp phải là vốn. Tuy nhiên, mình phải có định hướng, kế hoạch rõ ràng và quan trọng hơn là phải tạo dựng niềm tin về mình với mọi người xung quanh, nhất là gia đình để mạnh dạn nhờ hỗ trợ ban đầu”. Từ việc mượn “sổ đỏ” của bố mẹ để đi vay 200 triệu đồng vào năm 2007 làm phòng thí nghiệm chủ động nguồn giống hoa, đến nay Phan Thanh Sang đã có 3 trang trại trồng lan công nghệ cao ở TP.Đà Lạt, H.Đơn Dương và tỉnh Ninh Thuận với diện tích lên đến 10 ha, doanh thu 60 tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 80 lao động. Sang là “thủ lĩnh” thanh niên khởi nghiệp của tỉnh Lâm Đồng, là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu tiểu toàn quốc 2015.

Không chỉ vậy, tại khu trưng bày sản phẩm rộng 3.000 m2 của mình ở TP.Đà Lạt, Sang dành một góc nhỏ để lập “vườn ươm khởi nghiệp” giúp thanh niên tại địa phương.

Hay như Nguyễn Vinh Phú (35 tuổi, TP.Đà Lạt) tốt nghiệp đại học chuyên ngành toán nhưng đã chọn trồng rau để khởi nghiệp và bước đầu mang lại thành công. Phú tâm sự: “Khởi nghiệp không bao giờ muộn cả, tuổi đôi mươi hay 30 cũng đều bắt đầu được. Ngành nghề nào cũng cần phải định hình được hướng đi, rồi xây dựng kế hoạch, lộ trình phù hợp, chuẩn bị nhiều thứ cần thiết khác trong điều kiện mình có thể có được. Cần có chút mạo hiểm nhưng cũng cần phải tìm hiểu kỹ thị trường tiêu thụ và nên chọn ngành nghề mà nơi mình sống có lợi thế cạnh tranh để bắt đầu làm”.


 

Việc lựa chọn mô hình kinh tế HTX để khởi nghiệp đối với tôi, cho tới thời điểm này, là một quyết định hoàn toàn chính xác. Các xã viên tham gia HTX đã có sự phát triển vượt bậc về trình độ sản xuất, nhận thức rõ quyền lợi và trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội khi tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản, có khả năng áp dụng những công nghệ mới vào thực tế sản xuất nông nghiệp.
 

Nguyễn Đức Huy (Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thủy Canh Việt - TP.Đà Lạt)


 

Việc xây dựng thương hiệu rất quan trọng, đó là cả một quá trình. Khi có thương hiệu thì mình phải nỗ lực hơn, quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm. Đặt tên thương hiệu cũng phải thật ấn tượng, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người mới dễ tiếp cận khách hàng hơn.
 

Phan Thanh Sang (Chủ trang trại hoa lan Sang còi - YSA Orchid Farm)


 

Khởi nghiệp là một quá trình phấn đấu, trên đường đi đó có nhiều chông gai nên phải có đam mê, yêu thích và tự tin mới thành công. Khởi nghiệp một phần nào đó giống như thám hiểm vậy, phải chịu nhọc nhằn mới đến đích. Trước khi khởi nghiệp cũng phải biết chọn lĩnh vực thế mạnh của địa phương, phải hiểu biết thị trường và phải tạo uy tín cho mình để xoay xở nguồn vốn ban đầu.
 

Mai Văn Dũng (Giám đốc Công ty TNHH Mai Hoàng Sang, H.Lâm Hà)
 

Gia Bình (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm