(GLO)- Trước khi được làm học trò của thầy-nhà thơ Kim Tuấn, tôi đã thích và hay nghêu ngao ca khúc “Anh cho em mùa xuân”. Ca khúc này do nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ nhạc từ bài thơ “Nụ hoa vàng ngày xuân” của thầy. Ngày ấy, tôi đâu biết rằng xung quanh hình tượng “nụ hoa vàng” trong bài thơ này có rất nhiều điều thú vị.
Nhà thơ Kim Tuấn từng gắn bó với Pleiku trong một thời gian dài dạy học tại đây. Năm 1969, khi tôi học lớp đệ tứ (lớp 9 bây giờ) tại Trường Trung học Bồ Đề (nay là Trường THCS Nguyễn Huệ) thì ông là giáo viên Anh văn. Không chỉ “gõ đầu trẻ”, ông còn là một nhà thơ được nhiều người mến mộ.
Thiếu nữ và hoa dã quỳ. Ảnh: THẾ DŨNG |
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền kể lại: “Hôm đó là mùng 5 Tết Nguyên đán năm 1962, tôi đi làm trong một không gian vẫn còn dư âm ngày Tết. Đến nơi, trên bàn làm việc của tôi có một tập thơ còn thơm mùi giấy mới. Tập thơ mỏng, có tựa là “Ngàn thương”, gồm khoảng 40 bài của các nhà thơ Vương Đức Lệ, Định Giang, Kim Tuấn và một người nữa tôi quên tên. Tôi lần giở, đọc lướt qua từng bài và dừng lại ở bài thơ “Nụ hoa vàng ngày xuân”, một bài thơ 5 chữ đầy ắp hình tượng và rất giàu cảm xúc của Kim Tuấn: “Anh cho em mùa xuân/Mùa xuân này tất cả/Lộc non vừa trẩy lá/Thơ còn thương cõi đời/Con chim mừng ríu rít/Vui khói chiều chơi vơi/Đất mẹ gầy có lúa/Đồng ta xanh mấy mùa/Con trâu từ đồng cỏ/Khua mõ về rộn khua/Ngoài đê diều thẳng cánh/Trong xóm vang chuông chùa/Chiều in vào bóng núi/Câu hát hò vẳng đưa/Tóc mẹ già mây bạc/Trăng chờ trong liếp dừa/Con sông dài mấy nhánh/Cát trắng bờ quê xưa...”. Vậy là, chỉ trong buổi sáng hôm đó tôi đã phổ nhạc xong bài thơ”.
Từ cảm nhận thật sâu sắc qua lời thơ cùng thủ pháp âm nhạc, ca khúc sau khi ra đời đã được giọng hát Lệ Thanh giới thiệu qua đĩa nhựa của hãng Asia, và gần như trở thành kinh điển mỗi độ xuân về. Thanh âm “Anh cho em mùa xuân” vang lên rộn ràng, không chỉ vào dịp Tết, người ta hát bất kỳ lúc nào để tạo không khí vui vẻ. Bài hát viết theo nhịp 2/4, lời nhạc trong sáng, yêu đời.
Với một ca khúc gần như bất tử với mùa xuân như thế, chắc sẽ thừa đi nếu tôi lại giới thiệu, phân tích và ca ngợi. Xin chỉ được nói về chi tiết “nụ hoa vàng” trong 2 câu đầu. Nghe và đọc xong chắc ai cũng liên tưởng đến nụ mai vàng khi bài thơ viết trong bối cảnh mùa xuân. Ngày còn là học trò của thầy Kim Tuấn, tôi có lần cắc cớ hỏi thầy sao không đặt tên cho bài ấy là “Nụ mai vàng ngày xuân” cho đậm chất Tết. Dí dỏm và hiền lành, thầy nói hoa vàng đó là hoa dã quỳ. Tôi cãi: Đến Tết Nguyên đán thì dã quỳ đã tàn cả rồi, sao gắn vào những ngày xuân được! Thầy giải thích, thầy sáng tác bài thơ này trong thời gian đầu sống ở Pleiku, vào một ngày đầu đông, thành phố đang rợp sắc vàng dã quỳ, mùa xuân chỉ là cái đang đến. “Nụ hoa vàng mới nở/Chiều đông nào nhung nhớ...”. Rất rõ nhé.
Dã quỳ là một phần hình ảnh của thành phố này trong tâm trí thầy. Không chỉ “Nụ hoa vàng ngày xuân” mà một số bài thơ hay của thầy cũng ghi dấu loài hoa biểu tượng Tây Nguyên này.
Sau này khi thầy giã từ cõi tạm, tôi may mắn được gặp một người bạn thơ và cũng là bạn thân của thầy. Chuyện “nụ hoa vàng” lại một lần được nhắc lại. Người bạn này khẳng định dã quỳ là thật ý của tác giả. Ông kể lại nguyên văn câu trả lời của thầy tôi: “Đúng! Dùng hai chữ “hoa quỳ” mới đúng ý. Nhưng khi viết bài thơ đó tôi chỉ chọn màu vàng tiêu biểu mà không dùng chữ “hoa quỳ”, vì sợ nhiều người không biết đến hoa quỳ, có thể họ càng không biết tới màu vàng vương giả của nó”.
Đây là một chi tiết khá lý thú và hiếm người biết, một ẩn dụ chủ ý của tác giả để được cả đôi đường. Nghĩ là mai vẫn hợp lý trong suy đoán của độc giả, thính giả, nghĩ là quỳ thì quá hợp ý với một tác giả nặng tình với Phố núi Pleiku.
NGUYỄN SƠN