(GLO)- Ủy ban nhân dân phường Hội Thương (TP. Pleiku) vừa phát động thí điểm phân loại rác thải. Trên tuyến đường Hùng Vương, phường cho đặt 70 thùng rác được sơn 2 màu (màu xanh-rác thải không tái chế; màu vàng-rác thải tái chế) để người dân nhận biết và thực hiện. Đây là động thái tích cực của TP. Pleiku nhằm hưởng ứng phong trào “Nói không với rác thải nhựa”, đồng thời nâng cao ý thức của người dân trong việc chủ động phân loại rác thải trong sinh hoạt hàng ngày.
Quang cảnh lễ phát động phân loại rác thải tại nguồn. Ảnh: P.L |
Việc phân loại rác thải tại nguồn thực ra không khó. Tại nhiều địa phương, người dân đã có ý thức phân loại rác thải ngay tại nhà. Rác thải nhựa để vào một bao riêng, rác có thể làm thức ăn cho gia súc, gia cầm sẽ được tái sử dụng; lá, cành, cây khô, giấy… có thể đem đốt tại vườn để làm phân bón. Tại nhiều nơi, điều này được quy định cụ thể trong quy chế, hương ước của địa phương. Nhờ đó mà các gia đình đều chấp hành nghiêm chỉnh.
Phân loại rác thải tại nguồn sao cho hiệu quả phụ thuộc phần lớn vào ý thức của người dân. Thay vì cho tất cả các loại rác vào túi và đợi xe rác đến lấy đi như thói quen, người dân phải tự phân loại rác ra và để đúng nơi quy định. Cần ý thức rằng, với khối lượng rác khổng lồ thải ra môi trường mỗi ngày, việc phân loại rác sẽ giúp giảm tải cho công tác thu gom, xử lý và hạn chế lượng rác thải ra môi trường. Sẽ không tốn nhiều thời gian nếu gia đình nào cũng đặt sẵn ít nhất 2 thùng rác để phân loại.
Việc phân loại rác thải tại nguồn cần nhanh chóng được triển khai thực hiện trong mỗi gia đình dù ở nông thôn hay thành thị. Không chỉ bằng việc kêu gọi, khuyến khích, vận động cam kết trên giấy mà cơ quan chức năng, tổ dân phố hay thôn, làng cần có biện pháp cụ thể, chặt chẽ. Có như vậy mới nhanh chóng phát huy hiệu quả, góp phần làm cho môi trường xanh-sạch-đẹp hơn.
KHÔI NGUYÊN