Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Chuyện trong tuần: Bài học quản trị nhìn từ vụ án Ngân hàng Đại Dương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vụ án Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) đang được xét xử với con số thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng, số người hầu tòa cũng đạt kỷ lục với 727 người. Nhiều vụ án tương tự như Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Xây Dựng... đã được xét xử và sắp tới là vụ án gây thất thoát tại GP Bank, Sacombank cho thấy đang có những lỗ hổng lớn trong vấn đề quản trị ngân hàng.
 

 

Nếu như trước năm 2005, Việt Nam chỉ có 5 ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước thì đến năm 2010, cả nước đã có hơn 40 ngân hàng và tổ chức tín dụng. Ngân hàng được cấp phép ồ ạt, kể cả không đủ vốn tối thiểu theo quy định, sinh ra những ngân hàng yếu kém, đua tranh quyết liệt để giành giật khách hàng, mà dễ thấy nhất là tình trạng đua nhau tăng lãi suất huy động. Không tăng chính thức thì lách luật “chi lãi ngoài” để giữ khách hàng. Hậu quả là nền kinh tế phải gánh một giá vốn cao ngất ngưởng.  

Lần giở lại những vụ đại án ngân hàng, có thể thấy mánh khóe của các “đại gia” đều na ná nhau. Đó là lợi dụng chủ trương tái cơ cấu ngân hàng, thành lập các công ty sân sau, phù phép rút tiền ngân hàng nhà nước; các chủ doanh nghiệp góp vốn thành lập ngân hàng thương mại tư nhân, gọi là vốn mồi và chính các ông chủ này lãnh đạo ngân hàng. Khi có pháp nhân và vốn mồi thì tăng lãi suất huy động vốn trong dân cư, tạo ra lượng vốn lớn. Các ông chủ lại nhờ người đứng tên thành lập nhiều doanh nghiệp sân sau, chiếm đoạt cổ phần, rút vốn của chính mình và vốn huy động mang đi kinh doanh; cho vay vượt xa tài sản đảm bảo hoặc mua lại chính tài sản của mình với giá cao gấp nhiều lần kiểu mà Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn trong vụ Ngân hàng Xây Dựng đã làm; hoặc rút tiền sử dụng vào mục đích cá nhân. Kết quả là ngân hàng mất vốn, nợ xấu tăng cao, mất khả năng thanh toán.

Tại phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và đồng bọn, mấy ngày qua, dư luận đã “sốc” khi nghe Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Dương) khai đã nhận tiền “chi lãi ngoài” đến 200 tỷ đồng làm quà biếu cho lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (nơi có nguồn tiền gửi ở Ngân hành Đại Dương đến 25.000 tỷ đồng) và nhiều cá nhân, tổ chức khác mỗi dịp lễ, Tết. Ai là người đã nhận tiền của Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm, cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm điều tra làm rõ. Tuy nhiên, có thể thấy, các bị cáo đã bất chấp các quy định của pháp luật, thao túng toàn bộ hoạt động, rút ruột ngân hàng, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.

Người dân giờ đây gần như đã quá quen với suy nghĩ đã là án ngân hàng thì vụ nào thiệt hại nào cũng lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Từ vụ án Nguyễn Đức Kiên gây thất thoát 1.700 tỷ đồng, đến đại án Ngân hàng Xây Dựng là 9.000 tỷ đồng, Ngân hàng Dầu Khí hơn 5.500 tỷ đồng, rồi bây giờ là Ngân hàng Đại Dương với số thiệt hại xấp xỉ 2.000 tỷ đồng. Những con số gây nhức nhối không chỉ đối với những nhà quản lý tài sản quốc gia mà còn cả với mỗi người dân đang ngày đêm cần mẫn lao động sản xuất, chắt chiu từng đồng tiền nộp thuế xây dựng đất nước.      

Nguyễn Đức Kiên, Phạm Công Danh đã lĩnh án. Giờ là lúc các “đại gia” Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn và đồng bọn phải đối diện với pháp luật vì hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gây hậu quả nghiêm trọng. Bọn chúng chắc chắn phải trả giá đắt cho hành vi phạm tội của mình. Nhưng trách nhiệm thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước ở đâu? Thiết nghĩ cũng cần được làm rõ và có người chịu trách nhiệm về những thiệt hại do công tác thanh tra, giám sát trong giai đoạn 2010-2015 thiếu hiệu quả gây ra như kiến nghị của Thanh tra Chính phủ ngày 1-9 vừa qua.

Đất không được chuyên cần vun xới, cỏ dại sẽ mọc lan. Sự lỏng lẻo trong các quy định pháp luật sẽ là mảnh đất màu mỡ cho tội phạm và lòng tham trỗi dậy. Bài học lớn nhất ở đây là “bài học về quản trị ngân hàng”. Các vụ án đều giống nhau ở chỗ bắt nguồn từ những nguyên tắc quản trị ngân hàng bị phá vỡ hoặc không có điều kiện bảo đảm thực thi. Chỉ cần một vài quy trình bị bẻ gãy, chỉ cần một cá nhân nắm hoàn toàn quyền chi phối hoạt động của ngân hàng và không đếm xỉa gì đến rủi ro pháp lý, hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước sẽ dễ dàng bị bốc hơi.

Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm