Phóng sự - Ký sự

Chuyện vô cùng thương tâm về một cựu binh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là câu chuyện của người bạn “nối khố”, một câu chuyện vô cùng thương tâm mà tôi được nghe chính anh kể lại sau hơn 10 năm xa cách.
Anh là Trương Nhật Thanh, sinh năm 1946. Anh và tôi cùng xóm ở thị trấn Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) và cùng chung một lớp thời còn học phổ thông.
Nhà anh nghèo lắm! Gia đình có 5 người sống trong một túp lều mái lợp tranh, vách nứa, cha anh và người em trai bị chết trong một chuyến đi đánh cá ngoài khơi trong cơn bão. Từ ngày mất chồng, mất con, mẹ anh sinh ra sầu não, ốm đau triền miên.
Cũng thời điểm này, đế quốc Mỹ bịa ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ để lấy cớ ném bom đánh phá miền Bắc hòng ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường miền Nam. Máy bay Mỹ không kích vào TP. Vinh vào ngày 5-8-1964 thì ngày 13-8-1964 tôi lên đường nhập ngũ, còn anh ở lại do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Mãi đến năm 1966 anh mới trúng tuyển vào bộ đội. Trước khi lên đường nhập ngũ, gia đình tổ chức cưới vợ cho anh. Vợ anh là cô Ngân ở xóm trên. Cô không đẹp lắm nhưng nết na, dịu dàng, thuần hậu và đặc biệt rất yêu quý mẹ chồng. Điều ấy làm anh tạm yên lòng khi lên đường làm nhiệm vụ.
 Xe tăng Quân Giải phóng trên đường xuất kích tham gia tiến công căn cứ Tân Cảnh (Ảnh tư liệu).
Xe tăng Quân Giải phóng trên đường xuất kích tham gia tiến công căn cứ Tân Cảnh (Ảnh tư liệu).
Mới vào đơn vị thì anh nghe tin mẹ mất. Vậy là gia đình 5 người giờ đây chỉ còn lại anh và người em gái đang học lớp 10, rồi đây không biết em sẽ ăn học ra sao? Cũng may anh còn có người vợ là nguồn động viên, an ủi. Cố nén đau thương để học tập, rèn luyện, nhưng sau mỗi buổi tập anh lại vào đắp chăn nằm, không muốn tiếp xúc với ai, có hôm bỏ cả cơm. Đơn vị biết cảnh ngộ đã cho anh về tranh thủ 5 ngày.
Ngày 10-5-1969, anh cùng đơn vị chiến đấu trận A Sầu (Thừa Thiên-Huế) trên cao điểm 937 với gần 2.000 quân Mỹ. Sau trận đánh, đơn vị chuyển vào Tây Nguyên tham gia một số trận đánh ở Đak Tô, Tân Cảnh. Trong một trận đánh với quân ngụy ở vùng thung lũng Đak Tô, đơn vị anh bị 2 quả mìn định hướng làm thương vong rất nhiều. Anh cũng bị thương nặng, cánh tay trái bị cắt đứt, mắt phải bị một mảnh đạn đập mạnh khiến anh mê man bất tỉnh. Khi tỉnh lại, anh thấy mình nằm trên một chiếc giường bằng những cây lồ ô ghép lại trong căn nhà lá đơn sơ ngoài bìa rừng, một phần cánh tay trái còn lại và mắt phải của anh đã được ai đó băng bó. Lúc này, anh  mới cảm thấy đau đớn, toàn thân như có hàng trăm, hàng ngàn mũi kim đâm vào đau nhói. Vừa đói, vừa mệt, anh cố gượng dậy đi tìm nước uống. Vừa trườn người xuống đất thì thấy ngay một ca nước và một bát cháo ai đó đã để sẵn. Anh ăn hết bát cháo, uống hết nửa ca nước. Ăn uống xong, anh thấy trong người dễ chịu tựa như có một vị thuốc thần tiên nào đó đang thấm dần đến từng thớ thịt trong cơ thể. Chờ mãi chưa thấy ai về, anh lại lăn ra ngủ. Đang thiu thiu, anh chợt nghe có tiếng động bên ngoài nên bật dậy. Anh nghe tiếng một người đàn ông: “Ồ, anh Việt cộng đã tỉnh rồi!”. Thì ra người đàn ông này đã cứu anh, đi sau ông là một cô gái chừng 16 tuổi. “Dạ thưa bác…”. “Thôi anh cứ nằm xuống nghỉ đi, tôi biết anh muốn nói gì rồi. Bao giờ anh khỏi thì nói chuyện sau. Từ bây giờ, anh cứ yên tâm nằm đây, bố con tôi sẽ chạy chữa vết thương cho anh”.
Dần dần hồi phục sức khỏe, anh được ông kể lại: Ông tên là Bảy Còn. Cha con ông trốn lên đây ở sau khi vợ ông bị bọn Mỹ, ngụy đánh chết. Chuyện là, hôm ấy, vợ ông đi rẫy về, trên lưng gùi mì và khoai. Thấy vậy, địch nghi bà đi tiếp tế cho Việt cộng nên đưa về đồn tra tấn nhưng bà biết gì mà khai. Cho là vợ ông ngoan cố, chúng hành hạ, đánh đập đến chết, sau đó quẳng xác ra ngoài ruộng với ý định phục kích Việt cộng đến lấy xác. Sau 4 ngày không thấy động tĩnh gì, chúng mới rút. Trong một đêm tối, lợi dụng lúc trời mưa, ông lẻn ra đưa xác vợ về chôn. Sau đó, cha con ông trốn lên Gia Lai-Kon Tum. “Bỗng một hôm, tôi nghe tiếng mìn nổ và biết chắc là mìn định hướng do quân Mỹ cài lại để giết Việt cộng”-ông kể tiếp. “Bác ơi! Việt cộng là cách bọn lính ngụy gọi bộ đội giải phóng đấy. Bác hãy gọi là Bộ đội Cụ Hồ hay Quân Giải phóng cũng được”-anh đề nghị. “Ờ thì cũng biết thế, chứ lâu nay có biết Việt cộng là ai đâu? Bây giờ mới biết anh là Việt cộng, à quên là Bộ đội Quân Giải phóng”. Ông kể tiếp: “Tôi đoán thế nào Quân Giải phóng cũng bị mìn định hướng của chúng nó rồi, mà đã dính vào mìn định hướng thì chắc chắn sẽ có nhiều người thương vong. Chờ trời tối, tôi bò ra hướng lúc chiều có tiếng mìn nổ thì thấy có rất nhiều người đã hy sinh. Đang ngó quanh, tôi bỗng nghe có tiếng người rên ở cạnh đâu đây. Tôi bò đến thì thấy có một người nằm sấp, cổ nghiêng về một bên, người bê bết máu, một cánh tay trái đã bị mìn cắt đứt đến tận gần nách, mắt nhắm nghiền, tôi biết anh vẫn còn sống nên cõng về”. Cô gái đứng phía sau lưng nghe ông kể liền bịt miệng cười, ông quay lại mắng yêu: “Cái con ranh này, cười cái gì? Có vào nấu cơm cho anh mày ăn không?”. Nghe vậy, cô đỏ mặt vội chạy vào trong bếp sửa soạn bữa ăn. Mãi đến hôm ấy, anh mới biết cô tên là Trương Thị Hiếu Thảo.
Ăn cơm xong, anh định ngủ một giấc nhưng vết thương ở cánh tay nhức nhối vô cùng. Anh thở dài não nuột! Hình ảnh quê hương, vợ và em gái hiện dần lên trong anh. Rồi đồng đội anh, đơn vị anh hiện đang chiến đấu ở đâu? Ai còn, ai mất?
*
*    *
Thế là anh đã ở với cha con ông Bảy Còn hơn 3 tháng. Vết thương ở tay được ông và cô con gái tận tình cứu chữa bằng những vị thuốc gia truyền. Còn con mắt phải của anh nhìn bên ngoài có vẻ như bình thường nhưng thực ra đã bị hỏng giác mạc. Ngoài cánh tay và con mắt, sức khỏe của anh khi đó đã hồi phục hoàn toàn. Với tuổi 27, anh làm nương, làm rẫy với cha con ông như đứa con thực thụ trong gia đình.
“Thế sao ông không về quê với vợ, với em gái?”-tôi hỏi. “Về làm sao được. Lúc ấy, tôi coi ông Bảy Còn như người cha thứ 2. Nếu không có ông thì đời tôi làm gì còn được đến ngày hôm nay. Còn về quê ư? Với thân hình tàn tạ như thế này thử hỏi ai dám nhận mình nữa không”. “Thế ông ở với cha con ông Bảy lâu như vậy sao không cưới cô Thảo đi?”. Anh liền kể: “Có một lần ông Bảy gợi ý nếu thương thì gả nhưng tôi từ chối vì đã có vợ và còn nói dối đã có con nên xin phép coi Thảo như em gái”.
Thực ra, anh đã có con thật. Sau chuyến về thăm quê, vợ anh có thai và sinh một cô con gái, mặt mũi giống anh như đúc. Vì không biết địa chỉ nên cô không báo tin vui cho anh được. Mãi đến năm 1970, gia đình nhận được giấy báo tử: Đồng chí Trương Nhật Thanh đã hy sinh tại mặt trận Quảng Trị ngày 15-5-1969. Đọc giấy báo tử, cô như chết lặng. Mẹ con cô ôm nhau khóc cho đến khi không còn nước mắt. Một tuần sau, xã làm lễ truy điệu cho anh.
Anh vẫn tiếp tục ở với cha con ông Bảy Còn. Sau ngày giải phóng, cô được cha đưa về quê và sau đó đi lấy chồng. Anh và ông vẫn sống bên nhau. Một hôm, khi anh đi làm rẫy về vừa bước vào nhà thì hốt hoảng thấy ông nằm sóng soài trên nền nhà, cổ ông sưng vù và tím bầm, toàn thân lạnh toát. Anh đoán chắc ông đã bị rắn lục cắn vào cổ, dù ông cố gượng vào nhà để lấy thuốc bôi vào vết cắn nhưng không kịp, nọc độc đã ngấm vào máu, chạy vào tim khiến ông đã tắt thở. “Thế là ông Bảy đã đi một cách vội vã mà không kịp trăn trối một lời”-anh đau đớn kể.
Sau khi chôn cất ông Bảy xong, anh quyết định về quê cùng với chiếc ba lô con cóc, bên trong đựng một số đồ dùng thông thường. Đó là tài sản duy nhất của đời anh.
Người anh gặp đầu tiên khi về đến đầu làng là ông Hoàng-Phó Chủ tịch UBND xã. Quá bất ngờ, ông Hoàng la lên thật to: “Trời ơi! Anh Thanh! Anh Nhật Thanh còn sống bà con ơi!”. Cả làng ùa cả ra vây quanh anh. Chỉ một điều ngạc nhiên là sao không thấy vợ anh? Khi anh hỏi “Vợ tôi đâu?” thì không ai trả lời, không khí lắng xuống. Không để anh chờ lâu, ông Hoàng bảo anh vào nhà để kể về vợ con anh. “Tôi có con?”-anh ngạc nhiên. “Vâng, anh đã có người con gái, năm nay cháu đã học lớp 5 rồi, cháu đi học chưa về, còn cô Ngân vợ anh sau khi nhận giấy báo tử đã thờ anh hết 3 năm rồi đi lấy chồng ở xã bên”. Trong anh lúc ấy buồn, vui lẫn lộn: buồn vì vợ đi lấy chồng, vui vì biết mình có con. Nhìn lên bàn thờ, anh thấy tấm hình mình chụp chung ngày nào với vợ đã được cắt làm đôi. Do lúc ấy tay trái anh khuất sau lưng vợ nên khi cắt làm đôi tấm hình để làm hình thờ thì nhìn như anh chỉ có một cánh tay. Giống hệt anh bây giờ.
Ngày hôm sau, vợ anh mới biết tin. Trưa hôm đó, cô về, rón rén bước vào nhà thì thấy anh đang ngủ. Nhìn anh, cổ cô nghẹn lại! Cô không dám khóc to vì sợ anh thức giấc, cô muốn ôm lấy anh mà cũng không dám. Đứng nhìn anh hồi lâu, cô vào bếp. Không gạo, không thức ăn, cô vội về nhà đong ít gạo và nấu cho anh bữa cơm. Nấu xong, cô để thức ăn trên bếp rồi quay về.
Một con mèo vô tình đã đánh đổ bát canh làm anh tỉnh giấc. Ngửi thấy mùi thức ăn, anh đoán chắc vợ về. Anh vội gọi: “Ngân! Ngân à!”. Không thấy tiếng trả lời. Trên bếp là nồi cơm, đĩa rau muống xào với mực, món ăn mà anh vẫn ưa thích; còn bát canh đã bị con mèo làm rơi, chiếc bát vỡ đôi.
*
*     *
Vào một buổi sáng khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ, lại với chiếc ba lô con cóc, anh ra đi.
Nghe tin anh bỏ nhà đi, vợ anh vội vàng đi tìm. Trước khi đi, cô viết cho người chồng mấy chữ: “Em đi tìm anh Thanh, anh ở nhà giúp em mọi công việc trong gia đình. Em Ngân”.
Cô đón xe vào Vinh, vì đoán anh sẽ vào ga để đi tàu vào Nam. Vừa bước chân xuống xe, trông thấy anh vai khoác ba lô đang lững thững bước vào ga, cô gọi thất thanh: “Anh Thanh! Anh Thanh ơi!”. Vừa gọi, cô vừa chạy mà không chú ý phía trước có chiếc xe máy đang chạy ngược chiều. Cô bị chính chiếc xe đó tông ngã, đầu va vào cây cột điện gần đó, bất tỉnh.
Thấy mọi người đứng xúm quanh vụ tai nạn, anh quay lại và bất ngờ nhận ra Ngân! Anh vội ôm chầm lấy cô: Ngân ơi! Anh đây! Tỉnh lại đi, tỉnh lại đi em! Trời ơi! Anh giết em rồi!”. Vợ anh tỉnh lại, thều thào: “Anh Thanh! Em đi tìm anh để theo anh, theo anh đi cùng trời cuối đất. Nhưng giờ thì…”. Cô nấc lên: “Anh về đi, về với con anh nhé…”. Rồi cô trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay anh.  
Trịnh Xuân Cường

Có thể bạn quan tâm