Văn hóa

Chuyện “xuất ngoại” của cây nêu cột trâu làng Mơ Hra

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây 20 năm, đại diện Trung tâm Hợp tác báo chí và truyền thông quốc tế (Bộ Văn hóa-Thông tin) có kế hoạch đưa đoàn khách Nhật Bản đến Gia Lai.

Mục đích của đoàn là ghi những thước phim về một lễ hội có hiến sinh trâu. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Văn hóa-Thông tin là cơ quan đầu mối đảm bảo mọi hoạt động của đoàn. Tôi cùng chuyên viên của Phòng Ngoại vụ tỉnh và một số cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ tháp tùng đoàn.

Trên thực tế, để có tư liệu phục vụ ghi hình về một lễ hội có hiến sinh trâu của người Tây Nguyên thì phía Gia Lai phải chuẩn bị trước đó nhiều tháng. Bởi lẽ, những thước phim ghi được cùng cây nêu cột trâu (gơng kơpô) trong lễ hội này và trống đồng của Việt Nam được mang sang trưng bày tại Phòng Đông Nam Á (Bảo tàng Quốc tế Kyushu, Nhật Bản, khai trương vào tháng 11-2005).

Sau khi trao đổi, bàn bạc với các địa phương, tỉnh quyết định chọn phục dựng lễ hội mừng chiến thắng (có hiến sinh trâu) của người Bahnar ở huyện Kbang để phục vụ đoàn quay phim Nhật Bản. Địa điểm được chọn là làng Mơ Hra, xã Kông Lơng Khơng. Sở dĩ chọn làng Mơ Hra là bởi nơi này cũng từng được chọn làm bối cảnh ghi hình khi tiến hành làm hồ sơ Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

1-ddmh-trau-6949.jpg
Minh họa: Huyền Trang

Thời điểm đó, làng Mơ Hra có gần 70 hộ, cách thị trấn Kbang khoảng 12 km về phía Tây. Đây là vùng căn cứ cách mạng, phong tục tập quán nói chung, lễ hội và âm nhạc nói riêng về cơ bản vẫn giữ được những yếu tố truyền thống.

Cùng với đó, về không gian, làng Mơ Hra có một nhà rông điển hình của người Bahnar Kon Kđeh. Mái nhà rông được lợp bằng cỏ tranh. Phần mái, nóc nhà và đầu hồi được trang trí bằng những tấm đan lồ ô có hoa văn đặc sắc. Nổi bật trên nóc nhà rông này là 2 cặp hoa văn mặt trời cách điệu ở 2 đầu hồi.

Còn một yếu tố đặc biệt thích hợp cho việc tổ chức các lễ hội lớn của cộng đồng là ngôi nhà rông này tọa lạc ở giữa làng, trên một mảnh đất khá bằng phẳng, khoảng sân rộng và thoáng. Góc nhà rông có 1 cây pơ lang cổ thụ làm cho khung cảnh lễ hội thêm hoàn hảo.

Ngày 25-11-2004, khách đến Pleiku. Thành phần chính của đoàn gồm: nhóm các thành viên của Bảo tàng Kyushu và Đại học Tổng hợp Tokyo (10 người); nhóm các thành viên thuộc Đài Truyền hình phía Tây Nhật Bản (3 người); nhóm phiên dịch (3 người). Trưởng đoàn là ông Akashi Yoshihiko-Đảng viên Đảng Cộng sản Nhật Bản.

Đầu giờ chiều 25-11, đoàn đến trụ sở UBND tỉnh chào xã giao rồi di chuyển xuống Kbang. Đoàn được huyện bố trí nghỉ tại nhà khách. Do cả đoàn chỉ có 1 phụ nữ là Giáo sư Tamura Fumiko, khá lớn tuổi, người của Đại học Tổng hợp Tokyo, nên tôi và bà được bố trí ở chung phòng.

Ngày 26-11, đoàn lên đường vào làng Mơ Hra. Do ảnh hưởng bởi cơn bão số 4 nên những ngày này, Kbang mưa nhiều, nước sông suối dâng cao, đoàn phải đi vòng ra thị trấn An Khê, lên ngã ba xã Nam để vào Kông Lơng Khơng (thay vì đi đường tắt qua sông Ba). Mỗi lần di chuyển từ huyện đến làng và ngược lại, mất gần 3 giờ đồng hồ.

Đến làng Mơ Hra, đoàn bắt tay ngay vào việc quay cảnh dân làng chuẩn bị cho lễ hội, gồm các công việc: dựng gơng ăn trâu, gơng cột rượu; trang trí nhà rông, làm các giàn cúng (chơ đang)... Đây là những việc đã được anh Nguyễn Phương Châu-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kbang cùng dân làng Mơ Hra vất vả chuẩn bị từ nhiều ngày trước đó.

Trung tâm của lễ hội là gơng kơpô sặc sỡ sắc màu, được làm hết sức công phu. Vật liệu để làm gơng gồm: l khúc cây pơ lang (cây gòn) chôn vào hố đã đổ rượu và huyết cúng; 4 khúc cây rừng bằng bắp chân, dài khoảng l,6 m, trang trí sẵn hoa văn… được đóng chắc xuống 4 góc quanh cây pơ lang, tạo thành hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng l m, thế “thượng thách hạ thu’’; cột vào 4 cột này là 4 cây lồ ô cao vút đều nhau, vẽ, khắc, kết... tua và trang trí nhiều hình cá, chim, mặt trời... được đan rất khéo, hướng về 4 phía. Gơng kơpô được làm rất chắc chắn để cột con trâu khỏe mà dân làng dâng lên thần linh.

Đêm 26 và cả ngày 27-11, trời vẫn mưa tầm tã, đường vào làng lầy lội, nhiều đoạn, cả chủ và khách phải xuống đẩy xe. Nhưng cả các bạn Nhật và cán bộ của Gia Lai đều vui, vì công việc vẫn chạy, dân làng nhiệt tình, bất chấp thời tiết không chiều lòng người. Tất cả hoạt động từ khâu chuẩn bị đến quá trình tiến hành nghi lễ, đặc biệt là phần nghi thức “ăn trâu” với sự tham gia của cả cộng đồng Mơ Hra (người đánh trống chiêng, người nhảy múa, các già làng cầu khấn, thể hiện sự biết ơn thần linh…) đều được đoàn làm phim ghi hình, ghi tiếng, chụp ảnh…

Sau lễ hội, cây nêu ăn trâu cùng những thước phim, hình ảnh quý về một lễ hội điển hình của người Bahnar đã được đóng gói, vượt đại dương, trở thành hiện vật quý, đại diện cho di sản văn hóa của khu vực Đông Nam Á, trưng bày tại Bảo tàng Quốc tế Kyushu.

Có thể bạn quan tâm