Thời điểm này, khi dịch bệnh đã lắng xuống, cuộc sống người dân trở lại bình thường nhiều người đã bị mắc Covid-19 nên có tâm lý ngại tiêm các mũi vắc-xin phòng Covid-19 nhắc lại và mũi tăng cường.
Sau khi nhiều địa phương từ chối hoặc đề nghị điều chuyển số lượng lớn vắc-xin Covid-19, Bộ Y tế tiếp tục có công điện số 771/CĐ-BYT ngày 10-6 gửi Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường tiếp nhận và triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 .
Trước đó, ngày 26-5, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương tiếp nhận và triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân bổ đợt 146, 147 (vắc-xin có hạn sử dụng 30-6-2022), tuy nhiên, một số địa phương vẫn chưa tiếp nhận số vắc-xin được phân bổ hoặc có văn bản đề nghị không nhận vắc-xin hoặc điều chuyển vắc-xin đã được phân bổ.
Tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân |
Theo Bộ Y tế, có 9 địa phương chưa tiếp nhận hết số vắc-xin được phân bổ gồm: Điện Biên, Hà Nam, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Cần Thơ, Bến Tre, Kiên Giang, Bạc Liêu; 1 địa phương chưa tiếp nhận vắc-xin phân bổ là Thanh Hóa.
Ngoài ra, 4 địa phương đề nghị điều chuyển vắc-xin với số lượng lớn gồm: Thanh Hóa, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Cà Mau.
Mới đây. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế rà soát, làm rõ vắc-xin phòng Covid-19 thuộc diện tiêm tự nguyện hay tiêm bắt buộc.
Về rà soát các quy định tiêm vắc-xin bắt buộc hay tự nguyện, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định tại các khoản 1, 2, 3 điều 29 về sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc, người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc-xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh. Trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng; cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em và mọi người dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ sở y tế có thẩm quyền trong việc sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng cho biết: "Căn cứ vào những quy định của luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, ngày 17-10-2017, Bộ Y tế đã ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc".
Theo bà Liên Hương, với Covid-19, ngày 1-4-2020, Thủ tướng đã ký Quyết định 447 về việc công bố dịch Covid-19, và là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A có nguy cơ đại dịch toàn cầu trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, hiện nay Covid-19 chưa được cập nhật vào danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc (danh mục).
Độ tuổi trẻ em thuộc đối tượng của chương trình tiêm chủng mở rộng chưa có quy định phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc-xin và sinh phẩm y tế bắt buộc theo tình hình dịch. Với quy định hiện hành, tại thời điểm hiện nay, việc tiêm vắc-xin cho trẻ 5 - 12 tuổi chưa có đủ cơ sở xác định là bắt buộc.
Tính đến sáng 11-6, toàn quốc đã tiêm được khoảng 223 triệu mũi vắc-xin Covid-19 trong đó gần như 100% người từ 12 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 2 liều cơ bản. Tỉ lệ tiêm nhắc lần mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt khoảng 63%.
Về lý do chưa cập nhật trong danh mục trên, lãnh đạo Bộ Y tế cho hay hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo nên triển khai tiêm vắc xin Covid-19 tự nguyện hơn là bắt buộc. Việc sử dụng vắc-xin Covid-19 trên thế giới hầu như là tự nguyện, chỉ có một số quốc gia bắt buộc tiêm vắc-xin này với một số đối tượng như công nhân, cảnh sát, quân đội... Ngoài ra, các vắc-xin Covid-19 được cấp phép nhưng vẫn đang trong quá trình tổng hợp theo dõi về hiệu quả sử dụng.
Như vậy, căn cứ vào quy định hiện hành và các lý do nêu trên tại thời điểm hiện nay, việc tiêm vắc-xin Covid-19 chưa có đủ cơ sở xác định là bắt buộc.
Tiêm vắc-xin giúp giảm tình trạng nặng và tử vong do Covid-19 |
Giải thích thêm về tiêm vắc-xin Covid-19, một chuyên gia cho rằng dù chưa có quy định về tiêm chủng bắt buộc với vắc-xin Covid-19, nhưng để duy trì miễn dịch bền vững cần tiêm các mũi nhắc lại, mũi bổ sung như khuyến cáo.
Theo chuyên gia này trước đây, các giám sát cho thấy virus này thường biến đổi, xuất hiện chủng mới sau khoảng 3 - 4 tháng. Với biến thể Omicron cũng đã có 2 biến thể phụ. Sự tiến hóa của virus này là không lường trước được. Nhiều ý kiến nhận định, có khả năng có thể xuất hiện những làn sóng với những biến chủng mới. Trong khi miễn dịch có thể giảm thấp theo thời gian. Thông thường sau khoảng 6 tháng miễn dịch sẽ suy giảm vì vậy, việc tiêm mũi 3, mũi 4 vắc-xin Covid-19 là cần thiết, để củng cố miễn dịch.
WHO từng dự đoán đại dịch Covid-19 có thể kết thúc trong năm 2022. Nhưng đánh giá mới nhất của WHO đến thời điểm hiện tại là "đại dịch chưa kết thúc". WHO vẫn có các báo cáo diễn biến dịch, sự biến đổi, tiến hóa của virus SARS-CoV-2 .
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế người cần tiêm mũi 4 (mũi tăng cường thứ 2) là người từ 50 tuổi trở lên, người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng, người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19: cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân các khu công nghiệp. Hiện nhiều nước trên thế giới đã triển khai mũi tiêm thứ 4 vắc-xin ngừa Covid-19 để tăng cường khả năng bảo vệ người dân trước nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới.
Trong văn bản mới đây nhất, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng nhấn mạnh ưu tiên tiêm mũi 4 cho đối tượng công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp, người làm dịch vụ du lịch có nguy cơ cao lây nhiễm.
Theo N.Dung (NLĐO)