(GLO)- Đất đai luôn là chủ đề nóng mà cử tri và nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm nên Quốc hội dành cả ngày 27-5 thảo luận ở hội trường về nội dung trên.
Từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay, dư luận và diễn đàn Quốc hội đã có nhiều phát biểu thể hiện cơ chế, chính sách về đất đai chưa chặt chẽ, gặp nhiều bất cập khi áp dụng vào thực tế như việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn mang tính hình thức, chưa đạt hiệu quả như mong đợi; cách xác định giá đất chưa phù hợp, giá đất theo bảng giá trên lệch nhiều so với giá thị trường; việc cho thuê, chuyển nhượng đất vẫn diễn ra khó kiểm soát.
Đại biểu Đinh Duy Vượt, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đánh giá chất lượng quy hoạch đô thị còn thấp, vẫn hiện hữu tư duy quy hoạch nhiệm kỳ, dấu hiệu áp đặt ý chí cá nhân, thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm, bị nhà đầu tư chi phối, dẫn dắt làm thay đổi quy hoạch, làm nát quy hoạch ban đầu. Tỷ lệ quy hoạch chi tiết chỉ khoảng 37% diện tích đất xây dựng đô thị. Tuy nhiên, việc tự tiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết khá phổ biến. Cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 đến 6 lần. Quy hoạch được điều chỉnh luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tối đa các diện tích công cộng và lợi ích của người sử dụng như tăng số tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng rồi giảm diện tích cây xanh, đồng thời các khu tái định cư cho dân lại có chỉ tiêu hạ tầng, các tiện ích, chất lượng công trình là thấp nhất, đã gây tổn thất về kinh tế, bức xúc cho xã hội và người dân, thậm chí không thể khắc phục được như tình trạng ngày càng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa ngập, quá tải điện nước, hệ thống thải v.v... Những hệ lụy này đã thể hiện rõ ở thành phố lớn và sẽ là tất cả các đô thị trong tương lai. Suy cho cùng, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện thực chất cũng là làm nát quy hoạch, nát vốn, đội vốn, chậm tiến độ, lãng phí, thất thu ngân sách giảm hiệu quả đầu tư công và gây ra nhiều hệ lụy bức xúc khác.
ĐBQH tỉnh Gia Lai Đinh Duy Vượt. Ảnh: Vũ Định |
Doanh nghiệp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đã và đang phát huy lợi thế đất đai, làm giàu cho đất nước, địa phương, tạo ra đô thị văn minh, hiện đại, cùng nhà nước giải quyết vấn đề an cư để lập nghiệp đồng thời tạo sức lan tỏa, là động lực thúc đẩy sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân trong vùng. Song, vẫn tồn tại nhiều tỷ phú thâu tóm hàng ngàn hécta đất màu mỡ khác chờ thời, ôm nhiều đất vàng, đất kim cương tại các khu đất đô thị và tương lai là đô thị, các dự án này cũng là tài sản thế chấp ngân hàng mà thực chất giá trị từ đất là doanh nghiệp thuê đất trả tiền hàng năm, không được tính vào giá trị doanh nghiệp.
Việc giao đất, cho thuê đất, thuê lại đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất diễn ra rất phức tạp, khó kiểm soát, thậm chí không tuân thủ pháp luật, cử tri hoài nghi có hay không lợi ích nhóm, sân trước sân sau cùng cộng sinh với các quan chức có thẩm quyền theo đó lợi dụng cơ chế pháp luật chưa đồng bộ, chỉ thích chọn phương án chỉ định chủ đầu tư dự án có sử dụng đất thay cho đấu giá quyền sử dụng đất. Đồng thời, lợi dụng cơ chế vừa đá bóng vừa thổi còi trong định giá đất, quyết định giá đất thấp để cổ phần hóa doanh nghiệp cho thuê đất, giao đất, bồi thường thiệt hại về đất, ưu đãi về đất không chỉ doanh nghiêp mà cả các cơ sở sự nghiệp như giáo dục, y tế, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, làm thiệt hại lớn đến lợi ích nhà nước, nhân dân tác động tiêu cực không nhỏ đến các doanh nghiệp có tâm, có tầm, có tín.
Đại biểu đề nghị Chính phủ thắt chặt kỷ cương, quản lí trong quy hoạch, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, thu hẹp đối tượng được giao đất, mở rộng đối tượng cho thuê đất; thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá, có chế tài xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp sử dụng đất lãng phí, không đúng mục đích, phải thu hồi tài nguyên đặc biệt này để chọn mặt gửi vàng chứ không phải chọn trứng gửi cho ác, không ngoại trừ chuyển nhượng cho người nước ngoài, luồn lách mà doanh nghiệp vẫn đứng tên. Đồng thời, cử tri kỳ vọng các trụ sở cũ, các cơ quan đã di dời sẽ trở thành vườn hoa, công viên, các công trình công cộng, tiện ích chứ không phải nhìn thấy các tòa nhà chung cư cao chọc trời của đại gia A, đại gia B.
Đồng thời, báo cáo cần bổ sung thực trạng, nguyên nhân, dự báo, cảnh báo và những cơn sốt đất kinh ngạc từ cuối năm 2018 và nhất là trong năm nay, giá đất tăng vù vù tại các địa phương trong cả nước, vượt tầm kiểm soát dẫn tới lạm phát, nợ xấu, bong bóng bất động sản, việc thu hồi giải phóng mặt bằng của các dự án cũng cực kì khó khăn là nguyên nhân người dân có đất bị thu hồi không hợp tác, kích động, thành những điểm nóng khi bị thu hồi, cưỡng chế. Bổ sung trong nghị quyết việc tập trung loại bỏ quy hoạch treo, quy định người dân có quyền yêu cầu chính quyền bồi thường thiệt hại về quy hoạch treo đó và xem lại Điều 2, Khoản 2 về nhiệm vụ, quyền hạn đối với Kiểm toán nhà nước đối với hoạt động quy hoạch và quản lý quy hoạch.
ĐBQH tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Mai Phương. Ảnh: Vũ Định |
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương-Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã kiến nghị liên quan quy định pháp luật về giải phóng mặt bằng. Tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP và Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP quy định trường hợp Quỹ phát triển đất ứng vốn để giải phóng mặt bằng và người sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất hoặc được giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc được miễn toàn bộ/ một phần tiền thuê đất thì phải hoàn trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho Nhà nước. Tuy nhiên, các trường hợp giải phóng mặt bằng mà nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng được Nhà nước cấp nhưng không phải từ các Quỹ phát triển đất của địa phương (ví dụ nguồn kinh phí từ Ngân sách Trung ương) thì có phải hoàn trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho ngân sách Nhà nước hay không lại chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định. Ngoài ra, với quy định trên thì chỉ trong trường hợp người thuê đất mà được miễn, giảm tiền thuê đất mới phải hoàn trả bồi thường giải phóng mặt bằng, còn trường hợp được miễn giảm tiền thuê đất nhưng có nguyện vọng không nhận hưởng ưu đãi và nộp tiền thuê đất hàng năm thì sẽ không phải hoàn trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho nhà nước. Như vậy, Nhà nước sẽ không thu hồi được ngay chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng đã bỏ ra, mà chỉ thu hồi dần theo từng năm thông qua tiền thuê đất hàng năm, điều này là không hợp lý trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng hiện nay đang rất khó khăn.
Về phương pháp tính tiền bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn trả trong Khu Kinh tế, Khu Công nghệ cao được quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 6 Nghị định số 35/2017/NĐ-CP, trên thực tế, Khu Kinh tế, Khu Công nghệ cao có diện tích hàng nghìn hecta thì công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thường sẽ được thực hiện theo từng khu vực, phân khu chức năng hoặc toàn bộ Khu kinh tế, Khu công nghệ cao mà không thực hiện riêng lẻ cho từng lô đất, khu đất dự án cụ thể như đối với các dự án đơn lẻ ở bên ngoài địa phương. Vì vậy, các Khu Kinh tế, Khu Công nghệ cao sẽ áp dụng phương pháp tính bình quân trên một đơn vị diện tích để tính tiền bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn trả của người sử dụng đất. Tuy nhiên, công thức tính tiền bồi thường giải phóng mặt bằng phải hoàn trả theo phương thức nêu trên chỉ áp dụng được trong trường hợp Khu kinh tế, Khu công nghệ cao đã hoàn thành xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng mới xác định được tổng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng theo các phương án bồi thường đã được phê duyệt cho toàn bộ diện tích đất theo quy hoạch.
Vì vậy, nhằm đảm bảo Nhà nước (trung ương, địa phương) thu hồi ngay được khoản kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng đã cấp, tạo nguồn lực để tiếp tục đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội, cần quy định chặt chẽ và cụ thể hơn về việc xử lý tiền bồi thường giải phóng mặt bằng theo hướng tất cả người sử dụng đất đều phải hoàn trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho Nhà nước trong bất kể trường hợp nào. Đồng thời, bổ sung quy định về phương pháp tính tiền bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn trả trong trường hợp Khu kinh tế, Khu công nghệ cao đang thực hiện dở dang công tác bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc có quy định về việc Nhà nước chưa yêu cầu tính toán và thu hồi tiền bồi thường giải phóng mặt bằng khi chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của toàn bộ Khu Kinh tế, Khu Công nghệ cao. Đại biểu đề nghị Quốc hội bổ sung việc sửa đổi bổ sung Nghị định 46, năm 2014; Nghị định 35, năm 2017 của Chính phủ trong phụ lục các kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quy hoạch quản lý sử dụng đất đai tại đô thị, ban hành kèm theo dự thảo nghị quyết của Quốc hội.
Dự kiến, ngày 14-6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”.
Vũ Định