Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

'Cơ đồ đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày hôm nay'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Những điểm sáng ấn tượng trong bức tranh KTXH mà Báo cáo tóm tắt tình hình KTXH năm 2019 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 của Chính phủ do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình trình bày tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương sáng 30/12 nêu ra cho thấy cơ đồ tươi sáng của dân tộc cũng như niềm tin vào những vận hội mới sẽ đến trong năm 2020.
 
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
2 năm liên tiếp đất nước đạt và vượt 12 chỉ tiêu KT-XH cơ bản
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, chúng ta thực hiện nhiệm vụ năm 2019 trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi. Kinh tế thế giới, thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại; cạnh tranh chiến lược và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn gia tăng; nhiều quốc gia nới lỏng chính sách tài chính, tiền tệ; rủi ro trên thị trường quốc tế tăng lên... Tình hình khu vực, Biển Đông diễn biến phức tạp. Trong khi đó, những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế và thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh (nhất là dịch tả lợn châu Phi) ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống.
Thực hiện Kết luận của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 01, 02 và quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đề ra ngay từ đầu năm với mục tiêu trọng tâm là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
“Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung rà soát, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật gắn với cắt giảm thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đưa ra định hướng, giải pháp tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Đồng thời, Chính phủ cũng triển khai quyết liệt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị và đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Chủ động phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Tiếp tục củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, xử lý linh hoạt, kịp thời, phù hợp những sự việc phát sinh; tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển KTXH năm 2019, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cơ đồ đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày hôm nay” như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu.
Một số kết quả nổi bật của năm 2019 cụ thể như sau: Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời với nâng cao chất lượng tăng trưởng. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Tốc độ tăng GDP cả năm đạt 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới. Năng suất lao động tăng 6,2%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 46,11%. Mô hình tăng trưởng chuyển dịch tích cực, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng; đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng tăng.
Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt, CPI bình quân năm 2019 tăng 2,79%, thấp hơn mục tiêu đề ra (là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 3 năm qua). Thị trường tài chính, tiền tệ và tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt và duy trì ổn định phù hợp; dự trữ ngoại hối khoảng 79 tỷ USD (năm 2019, NHNN đã mua vào 20 tỷ USD). Hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng hạng từ BB- lên BB với triển vọng “tích cực”. Tổng thu NSNN ước tính đạt trên 1.400 nghìn tỷ đồng; tỉ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt 26,6%; bội chi NSNN khoảng 3,44% GDP; nợ công giảm còn 56,1% GDP (năm 2016 là 64,6% GDP).
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 33,9% GDP; tỉ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng lên 46%. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 38 tỷ USD, tăng 7,2%; vốn FDI thực hiện đạt mức kỷ lục 20,4 tỷ USD. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất nhập khẩu vẫn tăng và đạt mức kỷ lục 517 tỷ USD; xuất khẩu tăng 8,1%, trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh; xuất siêu năm thứ tư liên tiếp và đạt 9,9 tỷ USD.
Cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn; các ngành, lĩnh vực chủ yếu vẫn phát triển ổn định, tích cực trong bối cảnh khó khăn. Sản xuất công nghiệp tăng mạnh; bảo đảm an ninh năng lượng; phát triển mạnh nguồn điện năng lượng tái tạo. Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc, đến nay có 8 tỉnh, thành phố có 100% xã đạt chuẩn; 54% số xã và 111 huyện đạt chuẩn, hoàn thành mục tiêu trước thời hạn gần 2 năm. Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá cao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 5 triệu tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2%). Khách quốc tế ước đạt trên 18 triệu lượt, tăng 16,2%. Năm thứ hai liên tiếp nhận giải thưởng “Điểm đến hàng đầu châu Á”. Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực; tỷ lệ nợ xấu nội bảng còn 1,91%; bảo đảm an toàn hệ thống.
Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện.Tập trung đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, tiết giảm chi phí, hỗ trợ tiếp cận thị trường và các nguồn lực. Xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá tăng 10 bậc và 3,5 điểm so với năm 2018 - mức tăng mạnh nhất thế giới. Phát huy tinh thần khởi nghiệp; doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng, vốn đăng ký và số lao động so với năm 2018. Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới năm nay đạt mức kỷ lục trên 138 nghìn doanh nghiệp, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 12,5 tỷ đồng. Tổng số vốn đăng ký mới đạt khoảng 1,7 triệu tỷ đồng.
Khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh.Triển khai nhiều giải pháp phát triển, ứng dụng công nghệ hiện đại. Các quỹ phát triển khoa học công nghệphát huy hiệu quả; có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp và một số quỹ đầu tư mạo hiểm. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam tăng 3 bậc, xếp thứ 42/129 quốc gia, vùng lãnh thổ;đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và thứ 3 trong ASEAN.
Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị và thúc đẩy liên kết vùng. Tỉ lệ lao động qua đào tạo cả năm khoảng 61-62%, trong đó tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24%. Tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư tư nhân và thúc đẩy triển khai các dự án trọng điểm; nhiều công trình hạ tầng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Hệ thống đô thị phát triển nhanh, tỉ lệ đô thị hóa ước đạt 39,2%. Chú trọng thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế-xã hội các vùng, đặc biệt là kết nối hạ tầng, thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; kết quả giảm nghèo tích cực; đời sống nhân dân nâng lên
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; chất lượng cuộc sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt. Các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo và thực hiện hiệu quả. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5% (còn khoảng 3,73-4,23%); trong đó các huyện nghèo giảm trên 4%. Thành tích giảm nghèo của Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch tích cực; tạo thêm 1,62 triệu việc làm; mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội lên 32,5%.
Chất lượng dịch vụ y tế tiếp tục được nâng lên; đạt 8,6 bác sĩ, 27,5 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỉ lệ tham gia BHYT đạt 89,3%, vượt mục tiêu đề ra. Làm tốt công tác y tế dự phòng; chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm. Chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề được nâng lên; xếp hạng giáo dục đại học nước ta tăng 12 bậc, từ hạng 80 lên 68. Tổ chức nghiêm túc kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng; điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh gian lận thi cử. Quan tâm thực hiện công tác giáo dục, đào tạo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Tổ chức trang trọng, ý nghĩa các hoạt động kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chú trọng các cuộc vận động, phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và đời sống văn hoá. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuậtđược tổ chức sôi nổi và rộng khắp; làm tốt công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển dịch vụ, du lịch. Thể dục, thể thao được chú trọng; thể thao thành tích cao đạt nhiều kết quả tích cực, ấn tượng (đứng thứ 2 toàn đoàn tại SEA Games 30 với 98 Huy chương Vàng).
Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, góp phần thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Thực hiện tốt các chính sách tôn giáo, tín ngưỡng; tổ chức thành công Đại lễ Phật đản VESAK Liên hợp quốc năm 2019 và Hội nghị gặp mặt các chức sắc tôn giáo tiêu biểu toàn quốc. Chú trọng công tác chăm sóc người cao tuổi và bảo vệ trẻ em; xử lý nghiêm các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em. Tăng cườngcông tác phòng, chống tệ nạn xã hội, nhất là cai nghiện ma túy.
Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó BĐKH được chú trọng
Nhận thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên có những chuyển biến mạnh mẽ, độ che phủ rừng đạt 41,85%. Toàn xã hội vào cuộc hưởng ứng các phong trào giảm thiểu rác nhựa, nói không với độ nhựa dùng một lần. Tích cực triển khai công tác phòng chống và khắc phục thiên tai, bão lũ. Thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ đạt kết quả tích cực, tiếp tục ưu tiên bố trí vốn ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội, trong đó cơ bản bảo đảm nguồn vốn triển khai các công trình sạt lở cấp bách, tích cực chuẩn bị đầu tư một số công trình quan trọng khác kết nối vùng.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và đề cao trách nhiệm, nêu gương của người đứng đầu. Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo được tập trung thực hiện. Làm tốt công tác kiểm tra, kiểm toán, ban hành kết luận thanh tra nhiều vụ việc phức tạp, nghiêm trọng; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, bổ trợ tư pháp. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, tập trung phòng chống và xử lý nghiêm các vụ việc liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả…
Quốc phòng, an ninh được tăng cường; công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, hiệu quả, thực chất hơn
Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Chú trọng xây dựng khu vực phòng thủ, tăng cường tiềm lực quốc phòng, củng cố nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Bảo đảmgiữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; ngăn chặn kịp thời các hoạt động, âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Quyết liệt đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; triệt phá nhiều vụ án ma túy, đánh bạc lớn. Tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí.
Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhiều hội nghị, sự kiện quốc tế lớn. Tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn hoà bình của LHQ. Đặc biệt, đã ký Hiệp ước, Nghị định thư với Campuchia về phân giới, cắm mốc đạt 84% biên giới đất liền. Triển khai thực hiện Hiệp định CPTPP, ký Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Liên minh châu Âu.
Công tác thông tin đối ngoại, bảo hộ công dân được triển khai tích cực. Vị thế và uy tín của Việt Nam tiếp tục được khẳng định và giành được sự ủng hộ, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, đã trúng cử Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ với số phiếu gần như tuyệt đối, tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Công tác thông tin truyền thông được đẩy mạnh, góp phần tạo đồng thuận xã hội. triển khai quyết liệt Đề án quy hoạch báo chí toàn quốc. Xây dựng, triển khai đề án chuyển đổi số quốc gia, tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng. Chỉ số xếp hạng về an toàn thông tin mạng của Việt Nam tang 50 bậc, xếp 50/175 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Bên cạnh những kết quả to lớn đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần sớm được khắc phục.
Đó là, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng một số yếu tố chưa thực sự vững chắc. Tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chậm. Khu vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Chất lượng dịch vụ cải thiện chậm. Phát triển kết cấu hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu. Cổ phần hóa, thoái vốn DNNN còn chậm.
Đời sống của một bộ phận dân cư còn khó khan, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Khắc phục quá tải bệnh viện còn chậm; chất lượng y tế cơ sở chưa cao; tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình… còn xảy ra ở một số địa phương; ô nhiễm môi trường ở một số địa phương còn diễn biến phức tạp, nhất là ô nhiễm không khí tại một số thành phố; thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề trong khi nguồn lực có hạn.
Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật còn bất cập, thực thi pháp luật nhiều nơi chưa nghiêm. Cải cách thủ tục hành chính một số lĩnh vực chưa thực chất. Khiếu kiện về đất đai vẫn là vấn đề bức xúc ở một số địa phương. Tình hình trật an toàn xã hội, tội phạm trên một số địa bàn diễn biến phức tạp.
Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với đất nước ta
Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, 75 năm thành lập Nước, 45 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tăng trưởng kinh tế, thương mại quốc tế tiếp tục xu hướng giảm; bảo hộ gia tăng; cạnh tranh giữa các nước lớn và xung đột ở nhiều nơi gay gắt.Các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an toàn thông tin, an ninh mạng và tội phạm ngày càng gia tăng.
Ở trong nước, chúng ta được kế thừa thành tựu của hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của ta ngày càng lớn mạnh; tình hình chính trị, xã hội ổn định; niềm tin của nhân dân được củng cố; tuy nhiên nền kinh tế vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bối cảnh đó đòi hỏi các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, vượt qua khó khăn, thách thức, bám sát thực tiễn, hành động quyết liệt trên các lĩnh vực.
 
Ảnh: VGP
Đề cập đến nhiệm vụ trọng tâm năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh: Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế đất nước. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm, phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, đô thị lớn.
Phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, phát triển hài hoà văn hoá, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và thực thi pháp luật. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và phòng chống tham nhũng, lãng phí. Làm tốt công tác thông tin và truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN và Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo quốc gia và môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển kinh tế, nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chú trọng giải quyết những vấn đề mang tính trung và dài hạn; tạo cơ sở vững chắc cho việc tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bầu cử Hội đồng dân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Quốc hội khóa XV, tạo tiền đề thuận lợi cho đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới. “Nhiệm vụ của năm 2020 là rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Phát huy kết quả đạt được của năm 2019, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập, chung sức đồng lòng, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, phấn đấu hoàn thành thắng lợi, toàn diện kế hoạch phát triển KTXH năm 2020”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh. 
Lê Sơn (Chinhphu.vn)

Có thể bạn quan tâm