Cô gái 25 tuổi đã từ bỏ sự nghiệp giảng dạy để theo đuổi đam mê lái những “chú chim sắt” khổng lồ.
Ước mơ lớn nhất trong những năm tháng học trò của Nguyễn Mai Tuyết Dung (25 tuổi, TP. HCM) là được đứng trên bục giảng. Nhưng ở tuổi 23, khi đã hiện thực hóa ước mơ, cô gái Sài thành lại đột ngột rẽ hướng, theo đuổi niềm đam mê mà ngay cả các “đấng mày râu” cũng phải rụt rè: nghề lái máy bay.
Tuyết Dung - một trong hai nữ phi công 9X đầu tiên của Việt Nam. |
25 tuổi, Tuyết Dung trở thành một trong hai nữ phi công 9X đầu tiên của hàng không Việt Nam. Ngồi trong khoang lái, điều khiển những “chú chim sắt” khổng lồ trên bầu trời – Tuyết Dung đã làm được việc mà nhiều người trẻ ao ước.
Cùng nghe cô gái Sài thành kể về hành trình học tập, rèn luyện để trở thành một nữ phi công:
- Trở thành một trong hai nữ phi công 9X đầu tiên của hàng không Việt Nam, cảm xúc của bạn thế nào?
Tuyết Dung hiện đang là cơ phó của một hãng hàng không Việt Nam. |
Mình sẽ cố gắng để mọi người không nghĩ đến mình như một trong những phi công 9X đầu tiên, mà là một trong những phi công giỏi nhất.
- Đang là một giáo viên giảng dạy tiếng Anh, tại sao bạn lại theo đuổi nghề lái máy bay?
Tốt nghiệp trường Sư phạm, mình xin vào làm giáo viên tiếng Anh của một trường đào tạo phi công. Lúc đầu, mình chỉ hy vọng được dạy tiếng cho học viên phi công cơ bản nhưng trung tâm này nói, họ không cần giáo viên tiếng Anh đơn thuần mà cần một giáo viên dạy lý thuyết bay.
Thế là mình đồng ý đi theo chương trình huấn luyện lý thuyết bay 6 tháng của trung tâm này. Đó là khoảng thời gian khiến mình nhận ra, bản thân thực sự yêu thích và có khả năng trở thành một phi công dân dụng. Được sự khuyến khích của trường, mình đã chuyển sang con đường phi công chuyên nghiệp.
Cô gái Sài thành phải trải qua quá trình rèn luyện đầy gian nan. |
- Bạn đã từng bước thực hiện đam mê trở thành nữ phi công như thế nào?
Ban đầu mình rất ngần ngại, không biết một đứa “bánh bèo” có lái máy bay được không.
Nhưng qua 6 tháng học lý thuyết tại trường, thành tích học tập cũng như nhận xét của thầy cô cho thấy, mình hoàn toàn có khả năng. Lúc này, mình mới hỏi ý kiến gia đình, chẳng ai đồng ý cả vì học phí cao lại là ngành chỉ dành cho đàn ông. Về sau, nhờ các bác và thầy cô nói giúp, mình mới được ba mẹ chấp thuận.
Rồi mình sang Mỹ học, trường chỉ có hai học viên nữ thôi, khó khăn và tủi thân lắm. Nhưng nghĩ đến gia đình, mình có thêm động lực phấn đấu.
- Quá trình rèn luyện cả thể lực lẫn trí lực chắc hẳn vô cùng vất vả?
Mình phải học 6 tháng lý thuyết phi công vận tải dân dụng ở Việt Nam, 13 tháng phi công cơ bản ở Mỹ và 2 tháng chuyển loại ở châu Âu.
Mỗi ngày mình đều phải tập cardio (bài tập nhịp tim) để rèn luyện sức khỏe, chỉ trừ những ngày quá đuối sức thì mới được nghỉ. Ngoài ra, mình phải đọc nhiều sách tiếng Anh. Dù ngôn ngữ này là thế mạnh của mình nhưng tiếng Anh hàng không lại là lĩnh vực hoàn toàn khác.
Và còn nhiều thứ phải học lắm như cách giải quyết các tình huống bất ngờ, cách đưa ra quyết định chính xác, cách giao tiếp với các thành viên khác trong tổ bay và tổ lái…
- Trong quá trình học lái máy bay, giai đoạn nào gian nan và khó khăn nhất?
Sau khi hoàn thành 13 tháng học phi công cơ bản ở Mỹ, mình về lại Việt Nam và chuẩn bị hồ sơ đi châu Âu học chuyển loại lên Airbus 320 - 321. Chuyển loại là bước học căng thẳng và khó khăn nhất vì chỉ trong hai tháng mà lượng chữ phải nạp nhiều gấp đôi 13 tháng học ở Mỹ.
Lần đầu đi châu Âu, mình chỉ có một mình, lại đúng vào ngày sinh nhật. Khi quá cảnh ở Ma Cao, do trục trặc vé nên mình phải dời lại chuyến sau, ngủ bụi ở sân bay 8 tiếng liền. 8 tiếng với một cô gái chưa bao giờ thấy tuyết, ngủ trong cái lạnh âm 18 độ C, không chăn, không lò sưởi… thật khinh khủng.
Từng là giáo viên dạy Tiếng Anh, nay Dung đã trở thành một nữ phi công. |
Vào trường học, mình lại càng bỡ ngỡ. Có quá nhiều thứ phải học mà thời gian thì ít, một ngày, mình chỉ ngủ 3 đến 4 tiếng mà vẫn không học hết bài. Học được một tháng, mình bị “tẩu hỏa nhập ma”, đến nỗi khóc nức nở khi gọi điện về cho ba mẹ.
Ba mình nói: “Ba thương con bôn xa xứ người, học cái thứ mà chỉ có đàn ông học. Nếu thấy khổ quá, ba sẽ đặt vé về cho con. Nhưng trước khi quyết định hãy nghĩ đến lý do con bắt đầu”. Đêm đó, mình khóc đến lả đi. Khi tỉnh dậy, mình quyết định thay đổi cách học và cuối cùng cũng hoàn thành khóa học đúng hạn.
- Lần đầu lái máy bay, cảm xúc của bạn thế nào?
Chuyến bay đơn đầu tiên của mình vào đúng ngày sinh nhật. Hôm ấy, mình không dám nghĩ nhiều, chỉ tập trung lái, khi đáp xuống rồi mới thở hắt ra: “Không biết mình đang mơ hay tỉnh”.
Hai nữ phi công 9X đầu tiên của Việt Nam. |
Sau đó, mình chỉ nghĩ đến việc làm sao để chuyến bay ngày mai không phạm phải lỗi ngày hôm nay. Mình chẳng cần giỏi hơn ai, chỉ cần bản thân ngày càng tốt lên là được.
- Trước mỗi chuyến bay, bạn có bị áp lực? Bạn thường làm gì để có tinh thần tốt nhất lái máy bay?
Lúc mới vào học, trước khi bay mình không bao giờ ngủ tròn giấc. Nhưng rồi mình phát hiện ra, ngủ không đủ sẽ ảnh hưởng đến phản xạ tay chân cũng như khả năng phân tích các tình huống nên mình phải tìm mọi cách để có tâm lý tốt.
Trước mỗi chuyến bay, mình đều mở sổ ghi chép xem chuyến bay hôm qua sai chỗ nào, cần rút kinh nghiệm gì. Ngoài ra, mình còn đọc trước tài liệu liên quan đến sân bay sắp đặt chân tới. Điều đó giúp mình tự tin: “Ờ mình làm hết sức rồi, nếu có sai thì đó sẽ là bài học mới chứ không phải là “lỗi lặp đi lặp lại”.
- Để trúng tuyển vị trí cơ phó của hãng hàng không Việt Nam, bạn phải đáp ứng được những tiêu chí nào?
Thể lực và trí lực. Thể lực ở đây là mắt tốt, tiền đình tốt, tâm lý vững. Trí lực thì cũng chẳng phải quá cao siêu gì, chỉ cần chăm chỉ học và đọc hiểu sách hàng không bằng tiếng Anh là được. Nếu biết chơi thể thao nữa thì tay lái càng “lụa” hơn (cười).
- Con gái làm phi công, có lẽ sẽ khó có thể chu toàn với gia đình, bạn có lo lắng điều đó?
Lịch bay của mình là cứ 2 - 3 ngày bay thì sẽ có 1 - 2 ngày nghỉ. Những ngày nghỉ này mình sẽ dành cho gia đình. Mình quan niệm, chỉ cần thực sự quan tâm thì sẽ luôn có cách nào đó để sắp xếp thời gian.
- Cảm ơn những chia sẻ của bạn!
Theo danviet