Giáo dục

Chuyện trường, chuyện lớp

Cô giáo bị học sinh ném dép: Lỗi lớn nhất thuộc về hiệu trưởng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, khẳng định trong sự việc cô giáo bị học sinh ném dép ở Tuyên Quang, lỗi lớn nhất thuộc về hiệu trưởng.

Tại tọa đàm "Khi giáo viên là nạn nhân của bạo lực học đường: Tại sao tinh thần tôn sư trọng đạo bị phai nhạt?" do báo Lao động tổ chức ngày 8-12, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, khẳng định trong sự việc cô giáo bị học sinh ném dép ở Tuyên Quang, lỗi lớn nhất thuộc về hiệu trưởng.

Cô giáo H. bị học sinh dồn vào góc lớp. Ảnh cắt từ clip

Cô giáo H. bị học sinh dồn vào góc lớp. Ảnh cắt từ clip

"Người đứng đầu có trách nhiệm cao nhất trước pháp luật về tất cả sự việc diễn ra trong nhà trường" - TS Tài nói.

TS Thái Văn Tài khẳng định, việc học sinh có lời lẽ, hành động xúc phạm giáo viên ở Tuyên Quang cho thấy học sinh đã vi phạm nghiêm trọng quy định những điều không được làm trong trường học.

Trong trường hợp học sinh ở Tuyên Quang thường xuyên đưa điện thoại ra quay, ghi âm khi cô giáo đang giảng bài trong lớp. Đây là điều vốn phải cấm.

"Một câu hỏi đặt ra là nhà trường có phổ biến điều này cho học sinh không, giáo viên chủ nhiệm có nhắc nhở học sinh về điều này không mà học sinh lại liên tục vi phạm như vậy?

Thậm chí, có những học sinh có hành vi, lời nói,... không đúng chuẩn mực nhưng các em vẫn nghiễm nhiên xem đó là việc bình thường. Trong khi đó, những điều cấm đã được quy định rất rõ ràng, cụ thể. Người lớn, giáo viên, nhà quản lí lại không kiên quyết với những học sinh vi phạm những điều luật này" - Vụ trưởng Vụ Tiểu học đặt câu hỏi.

Cũng theo ông Thái Văn Tài, giáo viên khi lên lớp phải đối mặt với rất nhiều tình huống sư phạm khác nhau. Không thể tránh khỏi những lúc học sinh chưa ngoan, bướng bỉnh, chưa nghe lời. Những lúc như vậy, giáo viên cần xử lí ra sao để vừa răn đe, uốn nắn học sinh, lại tránh gây phản cảm trong giáo dục.

Với giáo viên bộ môn, thời gian tiếp xúc với các em rất ngắn. Ví dụ THCS, giáo viên âm nhạc 1 tuần chỉ 1 lần tiếp xúc với học sinh. Cơ hội để các em hiểu mình ít hơn so với giáo viên chủ nhiệm.

Do đó, các giáo viên bộ môn nên tìm hiểu qua giáo viên chủ nhiệm đặc tính của lớp đó. Nghệ thuật sư phạm không cho phép mang tiết dạy của 1 lớp sang y hệt lớp khác, hay cư xử giống nhau giữa các đối tượng học sinh.

"Mong giáo viên bộ môn, đặc biệt người ít tiết và nhiều lớp, hãy trân trọng, tìm những điều chuẩn mực, tốt nhất, để luôn là hình ảnh tốt đẹp trước mặt học sinh, cố gắng thấu hiểu các em trước khi bước vào lớp" - TS Tài bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm