(GLO)- Từ thị trấn Kbang, chúng tôi theo con đường len lỏi dưới tán rừng già chạy thẳng một mạch 45 cây số đến trung tâm xã Krong, vùng căn cứ cách mạng của tỉnh Gia Lai. Tại đây, chúng tôi được gặp gỡ những thầy-cô giáo thương yêu học trò tha thiết, chưa bao giờ nề hà với khó khổ, trong đó có cô Trần Thị Thúy Ngân-giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lê Văn Tám.
Vượt khó, gác lại niềm riêng
Ngôi trường vùng sâu dễ khiến nhiều người bất ngờ so với hình dung ban đầu. Là bởi, trường được đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, phòng học khang trang, bếp ăn bán trú gọn gàng, sạch sẽ, thư viện thân thiện ngoài trời đẹp mắt. Tiếng học trò ê a đọc bài càng làm cho không gian thân thương đến lạ.
Riêng cô giáo Trần Thị Thúy Ngân vẫn đúng với mường tượng của chúng tôi: một phụ nữ cứng rắn, gan lì của dân miền biển Bình Định. Nếu không thế, có lẽ cô đã bỏ cuộc ngay từ những ngày đầu được phân công về trường. Ở tuổi 39, cô Ngân đã có đến 18 năm gắn bó với bao thế hệ học trò vùng căn cứ.
Cô Ngân nhớ lại: Năm 2004, cô tốt nghiệp Khoa Sư phạm Tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Sau khi thi đỗ biên chế, cô được phân công về trường, khi đó còn là trường 3 bậc học: mẫu giáo, tiểu học và THCS với khoảng 900 học sinh. Cô chưa bao giờ quên cảm giác bỡ ngỡ ngày đầu: Đường từ thị trấn vào xã rất khó đi, nhiều đoạn bùn ngập quá gối vào mùa mưa; hai bên là rừng già, núi thẳm. Cuộc sống người dân thì hết sức khó khổ, 95% học sinh là người dân tộc Bahnar, 80% trong số đó chưa nói được tiếng Việt. Vậy mà, cô giáo trẻ vẫn không chùng lòng. “Mình đã chọn nghề thì phải quyết theo nghề với tinh thần trách nhiệm cao nhất”-cô Ngân giãi bày.
Suốt 18 năm qua, cô giáo Trần Thị Thúy Ngân luôn tận tâm với học sinh vùng sâu. Ảnh: Phương Duyên |
Thời điểm đó, nhà trường có 8 điểm trường lẻ, trong đó, điểm trường làng Tung Gút xa nhất, cách trung tâm đến 10 km. Cũng như các đồng nghiệp, cô Ngân dần làm quen với việc đội cặp sách, giáo án trên đầu để lội sông mang cái chữ đến cho học trò. Có điểm trường, người dân phải làm cầu phao kéo thầy cô qua sông mùa mưa lũ. Nhớ nhất là lần dây kéo cầu phao bị rơi chìm xuống sông, một cô bé học trò lớp 2 đã lập tức nhảy ùm xuống lặn tìm. Tình thương ấy của các em đã níu chân cô ở mãi với ngôi trường từ bấy đến nay.
Đáng nói là dù hoàn cảnh riêng có những nỗi niềm nhưng cô Ngân đều gác lại. Cô Ngân chia sẻ: Sau khi lập gia đình được vài năm, chồng cô bỗng bị mất ngủ kéo dài dẫn đến trầm cảm, phải liên tục điều trị. Chưa kể, bản thân cô sau đó cũng phát hiện bị u tuyến thượng thận, buộc phải phẫu thuật nhiều lần. Kinh tế gia đình rơi vào khủng hoảng. Vậy nên, sau giờ dạy, cô Ngân về mở cửa hàng bán tạp hóa kiêm phụ trách “công ty 2 sọt” rong ruổi bán mua đến khoảng 21 giờ mới về tới nhà. Đến nay, hai vợ chồng mong chờ mãi nhưng vẫn chưa được nghe tiếng khóc con trẻ.
Hạnh phúc với nghề
Hoàn cảnh ấy khiến chúng tôi không khỏi cảm phục trước thành tích dày dặn của cô Ngân. Liên tục từ năm 2017 đến 2022, cô Ngân được Ban Giám hiệu nhà trường đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Chủ tịch UBND huyện Kbang tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”. Năm học 2018-2019, cô được Huyện ủy Kbang tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được Bộ Giáo dục và Đào tạo mời tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” tại Hà Nội. Cũng trong năm học này, cô lần lượt nhận 3 bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam vì thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục học sinh dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.
Không đơn giản để một giáo viên nữ trụ lại vùng khó và có những nỗ lực xứng đáng được ghi nhận. Với quyết tâm bám trụ, ngay từ đầu, cô Ngân đã nhận ra mấu chốt nằm ở sự bất đồng ngôn ngữ. Do vậy, cô miệt mài học tiếng Bahnar để giao tiếp với học sinh và phụ huynh. Cũng không ít lần, cô Ngân “cháy giáo án” vì tranh thủ dạy tiếng Việt cho học sinh trước khi dạy môn chính khóa. Song nhờ đó mà cô tạo được một không khí gần gũi, thương yêu các em, sau đó áp dụng những sáng kiến kinh nghiệm hữu ích như: Một vài biện pháp, kinh nghiệm trong việc rèn kỹ năng viết chính tả đúng, đẹp cho học sinh; Một vài kinh nghiệm trong việc rèn luyện tính mạnh dạn, tự tin cho học sinh dân tộc Bahnar; Một vài biện pháp, kinh nghiệm trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh dân tộc Bahnar cá biệt lớp 4-5 làng Đak Trâu…
Những buổi lên lớp của cô Ngân luôn được học trò chờ đón. Ảnh: Phương Duyên |
Học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp cùng trường, trong cặp của cô Ngân bao giờ cũng có cả ký kẹo, dây buộc tóc, viên bi, bút màu… để khích lệ, động viên học sinh. Em Đinh Thị Sna (lớp 3A) hạnh phúc kể: “Cô Ngân không la mắng học sinh bao giờ. Lúc nào cô cũng vui vẻ, cô còn hay có phần thưởng cho em và các bạn”.
Thêm vào đó, cô Ngân luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến học sinh khuyết tật. Năm 2018, nhà trường đón một em học sinh bị liệt 2 chân là Đinh Bắc. Vừa dạy chữ, cô Ngân vừa chăm lo cho Bắc vấn đề vệ sinh, giúp em hòa nhập tốt nhất. Chỉ tiếc là khi học hết bậc tiểu học, do mặc cảm nên Bắc đã nghỉ ngang.
Cô Phạm Thị Mận-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Cô Trần Thị Thúy Ngân là một trong những người giao tiếp bằng tiếng Bahnar rất tốt với học sinh. Do đó, cô thường được giao phụ trách khối 1, giúp các em nhanh chóng làm quen với môi trường mới. Cô Ngân cũng rất biết cách khích lệ học sinh viết chữ đẹp. Mỗi khi trường tổ chức cuộc thi “Vở sạch chữ đẹp” thì các em thuộc khối lớp cô phụ trách luôn đạt nhiều giải nhất trường.
Năm 2014, các thầy-cô giáo đỡ vất vả hơn khi trường được tổ chức thành trường bán trú. Học sinh 8 điểm trường tập trung về trung tâm, được thầy cô nuôi dạy, dìu dắt tốt hơn. Cùng với đó, sự góp sức của cô Ngân và các đồng nghiệp đã mang đến những kết quả tích cực. Hiện nay, nhà trường duy trì sĩ số ở mức bình quân 95-97%; học sinh bỏ học rất hiếm.
Nói về những khó khăn dần ở lại phía sau, cô Ngân chia sẻ thật giản dị: “Không yêu học trò, không có lòng nhiệt tình thì tôi không thể theo nghề lâu dài”.
PHƯƠNG DUYÊN