Xã hội

Gia đình

Cơ hội hòa nhập cho nữ phạm nhân sau khi mãn hạn tù

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tạo động lực khởi sự kinh doanh cho nữ phạm nhân sau khi ra tù, giúp họ hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng là mục đích của diễn đàn “Cơ hội ngày trở về” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) tổ chức mới đây.
Với những người từng lầm lỡ, bên cạnh nghị lực vượt qua mặc cảm, họ rất cần sự chia sẻ, yêu thương của gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, họ cũng rất cần được hỗ trợ, tạo điều kiện để có việc làm nhằm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Vì lẽ đó, ngày 25-7, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Trại giam Gia Trung tổ chức diễn đàn “Cơ hội ngày trở về” với sự tham gia của gần 200 nữ phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại Trại giam và một số phụ nữ đã hoàn lương, trở về với gia đình.
 Các đại biểu và nữ phạm nhân tham gia diễn đàn “Cơ hội ngày trở về”. Ảnh: Đ.Y
Các đại biểu và nữ phạm nhân tham gia diễn đàn “Cơ hội ngày trở về”. Ảnh: Đ.Y
Tại diễn đàn, bà Hồ Thị Quý-Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (Hội LHPN Việt Nam) cho biết: Ai cũng hiểu, khởi sự kinh doanh là một hành trình dài đầy khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, nếu không có thử nghiệm sẽ khó có được thành công. Khi chị em trở về với cuộc sống đời thường, nhiều cánh cửa sẽ mở ra. Mở cánh cửa nào phụ thuộc vào bản lĩnh, lựa chọn và sự chuẩn bị của chị em. Nhưng một điều chắc chắn là nếu muốn có cuộc sống lương thiện, ai cũng phải có một công việc để sinh nhai, nuôi sống chính mình. “Do vậy, muốn vượt qua khó khăn trên bước đường trở về và vươn lên khởi nghiệp, ngoài nỗ lực, ý chí, lòng kiên trì của bản thân, sự giúp đỡ, ủng hộ của gia đình, cộng đồng thì chị em cũng đừng ngại tìm đến các cơ quan, tổ chức ở địa phương như: chính quyền xã, Hội Phụ nữ, các doanh nghiệp... để đề nghị giúp đỡ”-bà Quý nhấn mạnh.
Chị Nguyễn Thị Hồng Linh (SN 1974, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) mang đến diễn đàn câu chuyện khởi nghiệp của bản thân. Chị Linh tâm sự: “Năm 39 tuổi, tôi bị kết án 8 năm tù vì tội “Giết người”. Trong quá trình cải tạo, tôi chấp hành tốt nên được giảm thời gian thi hành án hơn 3 năm. Lúc mới ra trại, tôi vô cùng tự ti vì không có việc làm, cũng không còn trẻ trung gì nữa. Ngày trở về, con cái đã lớn, tôi hoang mang không biết bắt đầu công việc gì để nuôi sống bản thân và chăm sóc các con. Có nhiều lúc, tôi đã nghĩ quẩn. Nhưng tôi may mắn vượt qua vì được chính quyền xã, Hội Phụ nữ quan tâm, động viên, nhất là Hội LHPN xã đã cho mượn 2 triệu đồng không tính lãi để khởi nghiệp. Có vốn, tôi nghĩ ngay đến chuyện buôn bán. Hàng ngày, tôi dậy từ 4 giờ sáng lo cơm nước cho con, nấu rượu nuôi heo, rồi đi chợ buôn bán thịt bò, đi phụ hồ. Gia đình có 5 sào cà phê, nhờ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội 40 triệu đồng, tôi có điều kiện cải tạo lại sau nhiều năm không ai chăm sóc. Hiện nay, tôi có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm”.
Những ngày thụ án về tội “Buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy”, phạm nhân Hoàng Thị Thanh T. (SN 1996, TP. Pleiku) mới nhận ra mình đã đi sai đường, phụ lòng yêu thương của gia đình. “Mỗi lần người thân tới thăm nuôi, mặc dù chẳng ai trách móc nhưng tôi cảm thấy rất ân hận. Bởi vậy, dù rất khó khăn nhưng tôi luôn cố gắng phấn đấu để sớm trở về với gia đình và xã hội. Còn 1 tháng nữa là tôi chấp hành xong án phạt tù. Ngay sau diễn đàn này, tôi sẽ tìm một ý tưởng khởi nghiệp hiệu quả khi trở về”-phạm nhân T. gạt nước mắt chia sẻ. 
Để ý tưởng khởi nghiệp thành công, theo bà Phạm Thị Hoa-Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh: “Chị em cần tính toán, suy nghĩ thực tế. Việc phân tích kỹ càng ý tưởng và tự đánh giá năng lực bản thân là hai vấn đề mấu chốt của khởi nghiệp. Và để thành công thì những yếu tố không thể thiếu là kiên trì, tự tin, tập trung, quyết đoán và có sự trợ giúp. Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tư vấn hòa nhập cộng đồng, kết nối, hỗ trợ việc làm, dạy nghề, hỗ trợ vay vốn để chị em khởi nghiệp”.
Nhiều cơ hội việc làm cũng đã được giới thiệu cho nữ phạm nhân tại diễn đàn. Trong đó, Hợp tác xã May gia công An Phú (TP. Pleiku) sẽ dang rộng vòng tay đón các chị về làm việc. Được mời tham dự diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thuận-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã May gia công An Phú-cho biết: “Là phụ nữ, tôi đồng cảm với những lầm lỗi của các chị. Sau vấp ngã, khi trở về, các chị sẽ có thêm nghị lực, sống là người tử tế và có khả năng làm mọi việc. Hợp tác xã sẽ tạo việc làm ổn định cho các chị, miễn phí chỗ ở, hỗ trợ bữa ăn trưa”. Bên cạnh đó, đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho biết sẽ có cơ chế hỗ trợ vốn vay cho nữ phạm nhân sau khi ra tù nếu ý tưởng khởi nghiệp của các chị được đánh giá hiệu quả.
Đại tá Nguyễn Đình Ba-Bí thư Đảng ủy, giám thị Trại giam Gia Trung-khẳng định: Diễn đàn không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm khởi nghiệp mà còn là dịp để nữ phạm nhân trao đổi thêm những vấn đề về cơ chế, chính sách và ý tưởng khởi nghiệp. Chúng tôi mong muốn diễn đàn là cầu nối để các cơ quan chức năng cũng như gia đình và cộng đồng có sự phối hợp, chung tay hơn nữa trong việc giúp đỡ người lầm lỡ sớm trở về tái hòa nhập cộng đồng, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, hướng thiện trở thành người có ích cho xã hội.
 ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm