(GLO)- Diễn đàn Kết nối Tây Nguyên do Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức tại TP. Pleiku vào sáng 21-5 không chỉ làm nổi bật được tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp ở khu vực mà còn là nơi kết nối, sẻ chia những kinh nghiệm về phát triển chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi nhận ý kiến của một số doanh nghiệp xung quanh vấn đề này.
* Ông Đinh Gia Nghĩa-Phó Tổng Giám đốc Công ty, kiêm Giám đốc Chi nhánh DOVECO tại Gia Lai:
Chúng tôi nhận định rằng, chỉ trong vòng 3-5 năm tới, Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung sẽ trở thành một trong những trung tâm rau-củ-quả lớn của cả nước. Do đó, Công ty đang tập trung đầu tư không chỉ về công nghệ sản xuất, thiết bị mà còn về cả quy mô liên kết chuỗi giá trị; trong đó, chú trọng phát triển mạnh 2 chuỗi liên kết sản xuất dứa và chanh dây. Có thể nói, Diễn đàn Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên tại Gia Lai lần này khá ý nghĩa, là cơ hội để doanh nghiệp đánh giá, nhìn nhận và định hướng tốt hơn cho việc phát triển các chuỗi liên kết trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng.
* Ông Nguyễn Anh Đức-Tổng Giám đốc Sài Gòn Co.op, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội bán lẻ Việt Nam:
Hiện nay, các sản phẩm của vùng Tây Nguyên đang chiếm 1 thị phần nhất định trong số các sản phẩm của Sài Gòn Co.op; tuy nhiên chưa thật sự đồng bộ. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục kết hợp với các địa phương trong khu vực để việc hợp tác mang tính kế hoạch, đảm bảo quy chuẩn hàng hóa và có sự phân công hóa trong canh tác, sản xuất. Việc này sẽ tạo ra sự đồng bộ, nông dân và cộng đồng doanh nghiệp, HTX cũng có sự tập trung hơn đối với thế mạnh của mình để tham gia chuỗi cung ứng của Sài Gòn Co.op trong thời gian tới; qua đó, mang lại sự phát triển bền vững cho các HTX nói riêng và mô hình kinh tế tập thể nói chung ở Việt Nam.
Riêng tại Gia Lai, Sài Gòn Co.op đã tiến hành đầu tư từ tháng 2-2007. Qua 15 năm, các sản phẩm của tỉnh cung ứng cho chuỗi Co.op Mart chiếm tỷ trọng khoảng 27%, còn khá khiêm tốn. Các sản phẩm cung ứng chủ yếu là cà phê, chè, rau-củ-quả... nhưng theo chúng tôi được biết, tiềm lực của Gia Lai còn nhiều hơn thế. Để sản phẩm của tỉnh phát triển ở tất cả các hệ thống của Sài Gòn Co.op, thời gian tới, chúng tôi sẽ đầu tư đưa Gia Lai trở thành 1 điểm thu mua gắn với phân vùng nguyên liệu tại thị trường này để cung ứng sản phẩm trong phạm vi cả nước, kể cả xuất khẩu.
* Ông Nguyễn Quốc Vũ-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất Pure (TP. Hồ Chí Minh):
Theo tôi, việc kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ rất cần thiết cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ TP. Hồ Chí Minh như chúng tôi. Những diễn đàn như thế này sẽ giúp chúng tôi hiểu sâu hơn các chính sách hỗ trợ của các địa phương và tương tác được với nhiều cộng đồng sản xuất. Từ đó, từng bước hình thành các mắt xích liên kết để phát triển thị trường trong nước và thế giới.
MỘC TRÀ (thực hiện)