Sức khỏe

Cơ thể sẽ thay đổi thế nào nếu kiêng đồ ngọt trong 30 ngày?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đường nếu nạp quá nhiều sẽ rất có hại cho cơ thể. Tiêu thụ nhiều đường trong thời gian dài không chỉ dễ gây viêm nhiễm mà còn tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm, trong đó có tiểu đường. Do đó, kiêng đồ ngọt sẽ rất có lợi cho sức khỏe.

Các chuyên gia sức khỏe từ lâu đã cảnh báo ăn quá nhiều các món có đường sẽ gây những tác hại không thể phục hồi cho cơ thể. Những món có nhiều đường phổ biến là kẹo, bánh ngọt, soda, trà sữa và một số món khác, theo chuyên trang Eating Well (Mỹ).

Kiêng ăn đường trong 30 ngày sẽ giúp sức khỏe được cải thiện tích cực. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Kiêng ăn đường trong 30 ngày sẽ giúp sức khỏe được cải thiện tích cực. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Nghiên cứu cho thấy hơn 70% thực phẩm chế biến trên toàn thế giới có thêm đường. Hậu quả dễ thấy nhất của chế độ ăn nhiều đường là khiến cơ thể thặng dư calo. Lượng calo thặng dư này tích tụ thành mỡ thừa. Tình trạng này kéo dài qua nhiều năm sẽ dẫn đến thừa cân, béo phì.

Ngoài thừa cân, béo phì thì chế độ ăn nhiều đường còn làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ, tiểu đường loại 2, tim mạch và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Vì vậy, việc cắt giảm đường khỏi chế độ ăn uống hằng ngày là rất quan trọng.

Các loại thực phẩm tự nhiên như ngũ cốc nguyên hạt, rau củ, trái cây khi vào cơ thể cũng sẽ được chuyển hóa thành đường glucose. Đây là đường tự nhiên, không phải thực phẩm chế biến nên hoàn toàn có thể ăn và là thành phần quan trọng trong chế độ ăn lành mạnh.

Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo nam giới trưởng thành không nên ăn quá 9 muỗng cà phê đường trong 1 ngày, tương đương 150 calo. Trong khi đó phụ nữ mỗi ngày không ăn quá 6 muỗng cà phê đường, khoảng 100 calo. Nhưng trên thực tế, nhiều người đang tiêu thụ vượt ngưỡng này, thậm chí gấp 2-3 lần.

Vì vậy, loại bỏ các thực phẩm chế biến có đường trong 30 ngày có thể tác động mạnh mẽ đến cơ thể. Sức khỏe sẽ cải thiện ở những điều sau:

Điều hòa đường huyết

Giảm ăn đường là cách tốt nhất để giảm đường huyết. Những người thường xuyên ăn nhiều đường sẽ có nguy cơ cao mắc tiểu đường loại 2. Do đó, giảm ăn đường cũng sẽ giảm nguy cơ mắc căn bệnh mạn tính này.

Kiểm soát cân nặng

Loại bỏ các món ăn có đường chắc chắn sẽ giúp giảm cân hoặc ít nhất là duy trì cân nặng ở mức ổn định. Điều này đặc biệt dễ xảy ra khi ăn theo chế độ lành mạnh với rau củ, trái cây và thực phẩm giàu protein.

Không ăn đường trong 1 tháng cũng làm giảm nguy cơ tích tụ mỡ nội tạng. Mỡ nội tạng quá nhiều sẽ gây ra hàng loạt vấn đề sức khỏe, trong đó có bệnh về gan.

Cải thiện sức khỏe răng miệng

Thực phẩm và đồ uống có đường sẽ làm tăng nguy cơ sâu răng và bệnh nướu răng. Vì khi ăn đường, vi khuẩn trong miệng sẽ phân hủy đường và tiết ra a xít phá hủy men răng. Nếu bỏ ăn đường trong 1 tháng thì chắc chắn sức khỏe răng miệng sẽ cải thiện.

Sức khỏe tim mạch

Chế độ ăn nhiều đường gây hại cho tim mạch vì làm tăng nguy cơ bị huyết áp cao, tăng nồng độ cholesterol trong máu và đau tim. Bỏ ăn đường cũng giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe này, theo Eating Well.

Có thể bạn quan tâm