Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Coi chừng các đường dây "nhập khẩu" SARS-CoV-2 bằng đường biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việt Nam có 3.200 km bờ biển, có nhiều đảo, cửa sông, cảng biển... nối các nước, cho nên cần hết sức cảnh giác những đường dây "nhập khẩu" SARS-CoV-2.

 

Đối tượng đưa 38 người từ tàu cá vào đất liền tại cơ quan chức năng. Ảnh: Lê Khoa
Đối tượng đưa 38 người từ tàu cá vào đất liền tại cơ quan chức năng. Ảnh: Lê Khoa



Sau vụ phát hiện và đưa đi cách ly tập trung theo quy định 38 người nhập cảnh trái phép bằng đường biển về Cà Mau ăn Tết, cho thấy một mối nguy đến từ đường biển.

Tỉnh Cà Mau có đường bờ biển dài hơn 254km, với hơn 80 cửa sông thông ra biển, tàu cá hoạt động vào ra thường xuyên, rất khó để kiểm soát việc đưa người nhập cảnh. Nếu như người nhập cảnh trà trộn vào trong các đoàn ngư phủ của các tàu đánh cá, thì quả thật rất khó khăn cho lực lượng biên phòng.

Mới chỉ Cà Mau đã thấy mối nguy đó, còn các địa phương khác thì sao?

Đầu năm 2021, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang phát hiện 6 người nhập cảnh trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam bằng đường biển. Ở vùng biển này, có nhiều đảo, nếu các đường dây đưa người nhập cảnh trái phép xâm nhập vào ban đêm thì rất khó phát hiện. Cho nên, nói thẳng luôn, chúng ta chỉ biết số người nhập cảnh trái phép phát hiện được, còn không thể biết có bao nhiêu người đã "lọt lưới".

Và không chỉ Cà Mau, Kiên Giang, chúng ta có một chiều dài bờ biển, trong đó có nhiều địa phương rất dễ xảy ra nhập cảnh trái phép bằng đường biển. Vậy thì cần có nhiều cách để siết chặt kiểm soát.

Để phục vụ công tác phòng, chống COVID-19 và buôn lậu qua biên giới, thành phố Móng Cái và 2 huyện biên giới của tỉnh Quảng Ninh đã lắp đặt thêm các camera giám sát tại các điểm trọng yếu trên toàn tuyến biên giới.

Các địa phương cũng nên khai thác công nghệ để kiểm soát, một hệ thống camera đặt ở những điểm "nóng" sẽ hỗ trợ hiệu quả cho các lực lượng chức năng.

Nhưng có một lực lượng canh phòng, kiểm soát hiệu quả nhất chính là ngư phủ. Họ mới là những người làm việc trên các tàu cá, biết được các đường dây đưa người vào Việt Nam trái phép qua đường biển.

Cần phải tuyên truyền để cho các chủ tàu cá, tài công, ngư phủ biết được sự nguy hiểm của đại dịch COVID-19. Nếu họ không cho người nhập cảnh trái phép lên tàu, thì đó là tự bảo vệ mình trước, sau đó là bảo vệ gia đình họ và cộng đồng.

Nếu phát hiện tàu cá khác đưa người nhập cảnh trái phép, thì tố cáo với chính quyền. Ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết: “Tình hình nhập cảnh trái phép bằng đường biển về có chiều hướng phức tạp. Do địa bàn có đường bờ biển dài, khó quản lý hết nên địa phương rất cần sự chung tay phòng, chống dịch COVID-19 từ người dân. Khi phát hiện đối tượng nghi ngờ về địa phương, người dân cần báo ngay cho chính quyền cơ sở để kịp thời xử lý”.

Các địa phương cũng cần mạnh tay hơn, đó là đưa ra quy định, sẽ rút giấy phép hoạt động các tàu cá tham gia tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/coi-chung-cac-duong-day-nhap-khau-sars-cov-2-bang-duong-bien-873988.ldo

Theo Lê Thanh Phong (LĐO)

Có thể bạn quan tâm