Không phải ngẫu nhiên mà mới đây, tuyển thủ Thái Lan Chanathip Songkrasin phát biểu rằng 2 tuyển thủ VN Hoàng Đức và Quang Hải nếu có lời mời ra nước ngoài thi đấu ở trình độ cao hơn V-League thì các câu lạc bộ chủ quản của 2 cầu thủ này nên tạo điều kiện cho họ được “hít thở” bầu không khí một môi trường đẳng cấp cao.
Từ đó, họ sẽ có cơ hội phát triển tài năng nhiều hơn. Chanathip cũng đưa ra ví dụ về bản thân mình từ khi sang Nhật Bản thi đấu thì cảm thấy có những biến chuyển tốt và đóng góp hiệu quả hơn cho đội tuyển Thái Lan.
Nên nhớ một nền bóng đá mạnh dựa trên thế đứng “kiềng 3 chân”: Đó là nền tảng đào tạo trẻ thật căn cơ với số lượng câu lạc bộ phát triển theo mô hình kim tự tháp; hệ thống các giải đấu quốc nội được tổ chức bài bản dựa trên nguồn tài chính xã hội hóa vững mạnh; và hội nhập trao đổi, mua bán cầu thủ, huấn luyện viên... phải trở thành một chính sách thực chất. Nó như ba cạnh của hình tam giác đều mà thiếu bất kỳ cạnh nào thì nền bóng đá nước nhà và đội tuyển quốc gia khó mà mạnh lên được.
Nhật Bản, Hàn Quốc cũng bằng cách làm đó đã giúp họ trở thành tượng đài ở châu Á. Những cầu thủ đẳng cấp cao đang chơi bóng tại châu Âu là những nhân tố chủ chốt giúp các đội tuyển của họ làm mưa làm gió tại châu lục nhiều thập kỷ qua. Thái Lan nhờ xây dựng nền móng căn cơ nên họ vẫn khẳng định vị thế bóng đá số 1 khu vực. Đặc biệt những năm gần đây, họ rất thành công với chính sách xuất khẩu cầu thủ sang các giải đấu có đẳng cấp cao hơn mà Chanathip hay Theerathon là những điển hình giúp đội tuyển “Voi chiến” trở lại là “Vua” khu vực nhờ trải nghiệm ở J.League.
Những nước còn lại như Indonesia, Singapore, Philippines..., việc mở cửa cho cầu thủ xuất ngoại trước mắt đã giúp đội tuyển của họ được nâng cấp về trình độ.
Chúng ta thì sao? Từ năm 2001 khi Lê Huỳnh Đức khăn gói sang Lifan Trùng Khánh thi đấu, đến nay đã ngần ấy năm chuyện xuất khẩu cầu thủ của ta chỉ dừng ở mức “học việc”. Những trường hợp như Nguyễn Việt Thắng, Lương Trung Tuấn, Lê Công Vinh ra nước ngoài là tự phát; còn Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường, Đoàn Văn Hậu xuất ngoại chỉ mang tính “thương mại”. Hiếm hoi có thủ thành Đặng Văn Lâm được chuyển sang Thai League, rồi bây giờ là J.League vì khát vọng chơi bóng mạnh mẽ giúp anh định vị bằng năng lực chuyên môn.
Nhưng “hữu xạ tự nhiên hương”, cứ sau một giải đấu quốc tế, cầu thủ VN lại nhận được sự quan tâm từ các giải đấu có chất lượng cao hơn V.League. Thế nhưng, hầu như đơn vị chủ quản nào cũng cự tuyệt với những cơ hội đó dù theo đánh giá thì Quang Hải, Hoàng Đức nổi lên như những nhân tố tiềm năng mà nếu ra nước ngoài có thể tạo nên sự khác biệt so với những trường hợp xuất ngoại trước đây. Rất tiếc đến giờ các ông chủ cứ giữ họ như là “cậu ấm”.
Ai cũng hiểu, các đội bóng Việt muốn níu chân tài năng của mình để thỏa mãn mục tiêu thành tích trước mắt. Nhưng về sâu xa điều đó sẽ tạo ra rào cản khiến mô hình “tam giác đều” phát triển bóng đá nước nhà bị xô lệch. Các ông chủ từng hô hào “vì bóng đá VN” nhưng trong trường hợp này sự cống hiến của họ chưa thật sự triệt để.
Thế “kiềng 3 chân” vốn chưa vững, nay nếu tiếp tục “bế quan” với xuất khẩu cầu thủ thì một ngày không xa, bóng đá Việt chắc chắn sẽ bị tụt hậu.
Theo Huỳnh Sang (TNO)