Thời sự - Bình luận

Cội nguồn sức mạnh dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong mỗi con người Việt Nam đều tiềm ẩn sức mạnh để tạo nên sức mạnh của dân tộc như từng chiến thắng nhiều kẻ thù trong quá khứ, vững vàng trong gian khó ở thời điểm hiện tại và kiên cường hướng đến những khát vọng trong tương lai.
 

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác chống dịch tại TP.HCM, xem các loại nhu yếu phẩm, thuốc men... trong túi an sinh sẽ được cung cấp cho người dân. Ảnh: Chinhphu.vn
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác chống dịch tại TP.HCM, xem các loại nhu yếu phẩm, thuốc men... trong túi an sinh sẽ được cung cấp cho người dân. Ảnh: Chinhphu.vn


Những ngày tháng 9 lịch sử này, không thể không nhắc lại câu chuyện từ những ngày đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cách đây tròn 76 năm.

Một ngày sau khi ra mắt toàn thể quốc dân tại quảng trường Ba Đình, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên sáu vấn đề cấp bách nhất mà Chính phủ cần giải quyết ngay.

Trong 6 vấn đề đó, ưu tiên số 1 là cứu đói.

Trong thư gửi đồng bào cả nước đăng trên Báo Cứu Quốc ngày 28.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hiện trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó để cứu dân nghèo”.

Trong thời gian đó, Người kêu gọi “Tuần lễ Vàng” từ các thương nhân. Chỉ 7 ngày, ngân khố quốc gia có 2.293kg vàng!

Nhưng để bền lâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi tăng gia sản xuất, cùng hỗ trợ lẫn nhau và chỉ chưa đầy 1 năm sau, giặc đói bị đẩy lùi hoàn toàn.

Điều gì làm nên sức mạnh ấy? Đại đoàn kết chính là cội nguồn sức mạnh của dân tộc.

Tuỳ từng giai đoạn của lịch sử mà sức mạnh ấy lúc dâng lên như sóng cao, lúc cuồn cuộn chảy ngầm. Càng lúc gian nan khó khăn thì sức mạnh ấy càng được thể hiện.

Những người dân Việt Nam đang chuẩn bị đón Tết Độc Lập. Sẽ lại là một Tết Độc Lập đặc biệt.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh thành vẫn phải áp dụng những nguyên tắc theo Chỉ thị 16: Ai ở đâu thì ở yên đó, người cách ly với người, nhà cách ly với nhà…

Trong bối cảnh hiện tại, khó khăn là rất lớn. Hàng chục triệu người lao động bị giãn việc, mất việc. Hàng triệu gia đình thiếu thốn. Sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ.

Nhưng cũng chính lúc này, người ta lại thấy rõ hơn sức mạnh tiềm tàng của dân tộc. Sức mạnh ấy được thể hiện từ những việc nhỏ. Có những công nhân lương chỉ 6 triệu đồng mỗi tháng nhưng sẵn sàng ủng hộ vô điều kiện 3 ngày lương, tương đương 500.000 đồng. Có những bác sĩ đã đến tuổi nghỉ hưu tình nguyện ở lại tuyến đầu chăm sóc bệnh nhân. Có những mớ rau, những cân gạo miễn phí được đặt ngay trước cửa nhà người đang điều trị FO… Hàng trăm, hàng ngàn những ví dụ như thế tạo ra nguồn năng lượng tích cực xua đi những lo lắng, hoảng hốt khi đối mặt với dịch bệnh.

“Không để bất kỳ người dân nào bị đứt bữa”, “100% người dân phải được chăm sóc và hỗ trợ y tế”, “người dân phải được tiếp cận vaccine”, “tháo bỏ những thủ tục để nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh”… Đó không chỉ là những khẩu hiệu mà thực sự là những chính sách đã được thực thi qua những gói hỗ trợ, qua những chính sách về y tế, những chính sách kinh tế phù hợp.

Những quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước thông qua những giải pháp cụ thể cùng sự đồng lòng của người dân trong bối cảnh khó khăn hiện nay là một minh chứng hùng hồn của sự đoàn kết toàn dân, của ý chí kiên cường và của cả niềm tin, sự lạc quan để vượt qua gian khó, chiến thắng dịch bệnh.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/coi-nguon-suc-manh-dan-toc-948462.ldo
 

Theo HOÀNG LÂM (LĐO)

Có thể bạn quan tâm