(GLO)- Ở Quảng Ngãi việc truyền sử Hoàng Sa được kết hợp giữa tham quan các di tích lịch sử, dự lễ khao lề thế lính Hoàng Sa bên những bài giảng sinh động trên lớp học đã diễn ra trong nhiều năm qua. Qua đó, người dân hiểu hơn về cội nguồn của Hoàng Sa nước ta.
Di tích đội Hoàng Sa
Hàng năm, mỗi độ xuân về không chỉ người dân trong đất liền ở Quảng Ngãi tìm về huyện đảo Lý Sơn mà lượng khách ở các tỉnh, thành phố trong nước và cả người nước ngoài cũng tìm về huyện đảo Lý Sơn-nơi có di tích của Đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa ngày càng đông. Khi đặt chân trên đảo, nơi đầu tiên du khách tìm đến là thăm Nhà trưng bày di tích đội Hoàng Sa ở gần trụ sở UBND huyện.
Ở đây, có nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật về đội Hoàng Sa. Du khách xem qua các tư liệu, họ hiểu rõ hơn về đội Hoàng Sa, các di tích trên đảo Lý Sơn gắn với các hùng binh. Đó là lời chỉ dấu để sau đó họ đi thăm những di tích kế tiếp.
Thông qua lễ khao lề thế lính Hoàng Sa người dân hiểu rõ hơn cội nguồn về Hoàng Sa của nước Việt Nam. Ảnh: Trường An |
Nhiều người thường chụp ảnh dưới chân tượng đài các hùng binh Hoàng Sa tại Nhà trưng bày, chụp mô hình chiếc thuyền mà những người lính của đội Hoàng Sa đi làm nhiệm vụ. Sau đó, họ tìm về đình làng An Vĩnh nơi thường chọn làm lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, thăm nhà thờ của các cai đội Hoàng Sa: Phạm Quang Ảnh, Võ Văn Khiết… Nhiều người còn đến thăm các mộ gió của các cai đội Hoàng Sa trong sắc trời chiều mà xúc động. Bởi họ đi làm nhiệm vụ rồi thác trên biển: "Hoàng Sa lắm bể nhiều cồn/ Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây vuông" hay: "Hoàng Sa đi có về không/ Lệnh vua ban phải quyết lòng ra đi".
Đặc biệt, trong dịp lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (thường do các tộc họ trên đảo Lý Sơn tổ chức vào ngày 16-3 âm lịch). Tại buổi lễ khao lề thế lính có lễ rước hương hồn các hùng binh Hoàng Sa từ các tộc họ về đình An Vĩnh để dự lễ. Bên cạnh những mâm cổ đầy, còn có mô hình thuyền của lính Hoàng Sa, bài vị thờ lính Hoàng Sa. Tại lễ khao lề có tổ chức thả thuyền, thả hoa đăng trên biển tưởng nhớ các hùng binh Hoàng Sa. Nhiều người đến huyện đảo Lý Sơn dự lễ khao lề thế (hoặc tế) lính Hoàng Sa cứ phân vân. Thế nào là "thế" lính, thế nào là "tế" lính?
Theo lý giải của ngành văn hóa thì "để có chút hy vọng người ra đi còn may mắn trở về, người dân làm lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Còn nếu để tưởng nhớ đến những người lính Hoàng Sa không may xấu số thì làm lễ khao lề để tế lính Hoàng Sa. Và thường cho cả hai, thế người còn sống và tế người đã chết". Nhiều du khách sau khi dự lễ khao lề thế lính Hoàng Sa càng kính yêu tiền nhân-những người con quả cảm vâng mệnh vua ban đi làm nhiệm vụ ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Qua đó, họ hiểu dự lễ khao lề hay tham quan những di tích lịch sử văn hóa trên đảo là hiểu về lịch sử của đất nước mình. Việc truyền sử qua những di tích cứ thế thấm dần vào nhiều thế hệ người Quảng Ngãi và cả nước.
Thực tế, di tích của đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa không chỉ có ở huyện đảo Lý Sơn mà có cả trong đất liền bao gồm Vườn Đồn-nơi đội Hoàng Sa đóng doanh trại, miếu Hoàng Sa-nơi đội Hoàng Sa làm lễ tế thần trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Đình An Vĩnh-nơi những phu binh Hoàng Sa tế tự trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Tất cả những di tích này đều ở xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh. Do vậy, việc tham quan về di tích của đội Hoàng Sa tất nhiên là phải ra huyện đảo Lý Sơn, nhưng du khách đừng quên di tích ở vùng biển Tịnh Kỳ.
Bài giảng Hoàng Sa
Theo Sở giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi thì hiện nay phần Lịch Sử, Văn Học và Địa Lý địa phương đang hoàn chỉnh, chuẩn bị in ấn phát hành để đưa vào chương trình giảng dạy cho học sinh khối THCS, THPT. Trong phần lịch sử địa phương có bài giảng “Nhân dân Quảng Ngãi bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa” của thầy giáo Trần Văn Vàng soạn giảng khá nhẹ nhàng nhưng sâu sắc.
Thầy Vàng là giáo viên dạy bộ môn Lịch Sử và môn Địa Lý của Trường THCS Nghĩa Chánh và là giáo viên nòng cốt của Phòng giáo dục huyện Mộ Đức. Năm học 2007-2008, trong phân phối của Bộ giáo dục có tiết giáo dục địa phương. Nhưng khi triển khai nhiều giáo viên đành bỏ trống tiết này hoặc cho các em đi tham quan một vài di tích trong huyện. Bức xúc trước vấn đề này, Phòng giáo dục đã triệu tập giáo viên nòng cốt để soạn tài liệu với hy vọng sẽ có một tài liệu chung cho giáo viên toàn huyện.
Thầy Vàng sau khi nhận trách nhiệm suy nghĩ: Quần đảo Hoàng Sa gắn liền với dân Quảng Ngãi từ lâu nên nhất định phải có bài giảng về Hoàng Sa. Thế là thầy tìm đến Bảo tàng tổng hợp tỉnh rồi nhờ các anh ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy giúp về tư liệu. Sau đó, một mình ra đảo Lý Sơn tìm đến các di tích của đội Hoàng Sa để sưu tầm tư liệu, chụp ảnh. Trở về, thầy bỏ công soạn bài. Mùa hè năm 2007 thầy hoàn chỉnh bài giảng trình Phòng Giáo dục huyện cùng một số bài giảng khác.
Ảnh: Trường An |
Đến tháng 1-2008, Phòng Giáo dục tiến hành nghiệm thu các bài giảng rồi tổ chức cho giáo viên dạy môn Lịch Sử ở 15 trường THCS trong huyện về Trường để nghe hướng dẫn bài giảng. Cũng từ đó, các học sinh của huyện Mộ Đức được học bài giảng về quần đảo Hoàng Sa.
Sau khi Sở Giáo dục chủ trương biên soạn tài liệu lịch sử địa phương, thầy Vàng được nằm trong tổ biên soạn môn Lịch Sử bên những tiến sĩ, thạc sĩ tham gia biên soạn.
Còn ở các trường THCS An Vĩnh, An Hải, huyện đảo Lý Sơn, từ lâu các thầy cô giáo dạy bộ môn Lịch Sử khi đến tiết Lịch Sử địa phương đã kể cho các em nghe về lịch sử đấu tranh của cha ông mình, mà trong đó, dành nhiều thời gian để kể về các hùng binh là con em đất đảo. Cứ thế Hoàng Sa thật gần gủi, thân quen. Nhiều thế hệ học sinh ở Quảng Ngãi lớn lên hiểu rõ hơn về quần đảo Hoàng Sa-nơi cha ông của họ từng vâng mệnh Vua ban đi đo đạc thủy trình, đặt cột mốc chủ quyền lãnh hải của tổ quốc. Họ tự hào về cha ông, càng có ý thức hơn về việc tiếp nối truyền thống của cha anh gìn giữ biển đảo quê hương.
Trường An