Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Còn bao nhiêu cơn bão đổ bộ đất liền từ nay đến cuối năm 2019?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ đầu năm đến nay đã có 3 cơ bão “tấn công” nước ta, gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Dự báo từ nay đến cuối năm 2019, vẫn còn vài cơn bão nữa có thể đổ bộ đất liền.
Nhiều quy luật của bão đã bị phá vỡ
Từ đầu năm 2019 tới giờ đã có 3 cơn bão xuất hiện trên biển Đông là bão số 1 Pabuk, bão số 2 Mun và bão số 3 Wipha có đặc điểm chung là đều hình thành ngay trên Biển Đông.
Nếu như cơn bão số 1 hình thành ở vĩ độ rất thấp và đổ bộ vào Thái Lan thì bão số 2 và bão số 3 lại hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới, vị trí hình thành đều trên khu vực Bắc Biển Đông sau đó đổ bộ vào các tỉnh Bắc Bộ.
Quỹ đạo di chuyển của bão số 1 không đặc biệt nhưng bão số 2 và bão số 3 lại khá phức tạp. Nguyên nhân là do có sự chi phối của các hệ thống khí quyển quy mô lớn như gió mùa tây nam và áp cao cận nhiệt đới. 
Cơn bão số 2 và 3 trước khi đổ bộ còn đi qua khu vực Hải Nam và bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), sau đó đi vào Vịnh Bắc Bộ vì vậy có sự thay đổi về cấu trúc, cường độ và quỹ đạo của bão do sự tương tác với địa hình.
 
Bão số 3 gây ra cơn lũ dữ quét qua xã biên giới Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu, cụ thể là hiện tượng ấm lên toàn cầu có thể tác động đến các cơn bão bởi các yếu tố như: bề mặt nước biển ấm tích tụ nhiều năng lượng hơn, không khí ấm giữ được nhiều hơi ẩm. 
Số liệu thống kê cho thấy, trong vòng 20 năm qua, nhiều quy luật của bão ở nước ta đã bị phá vỡ, tổng số bão, số cơn bão cấp 12 trở lên và số cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta đều tăng lên.
Giai đoạn 1999-2008 tổng số cơn bão là 78, thì đến giai đoạn 2009-2018 là 93; giai đoạn 1999-2008 số cơn bão mạnh trên cấp 12 là 32, thì giai đoạn 2009-2018 là 36 và số cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta giai đoạn 1999-2008 là 28, giai đoạn 2009-2018 là 44.
Các kỷ lục về số lượng bão trên Biển Đông liên tục được thiết lập, đầu tiên là vào năm 2013, lần đầu tiên ghi nhận số lượng bão lên đến 14 cơn bão, cao hơn trung bình năm 4 cơn bão. Đến năm 2017, kỷ lục cũ đã bị xô đổ khi có tới 16 cơn bão hoạt động trên Biển Đông.
Nếu như trước đây bão vào Biển Đông thường không vượt quá cấp 15, thì từ năm 2016, cơ quan khí tượng đã phải bổ sung cấp siêu bão, tức là cấp 16 trở lên. Như vậy, thang đo cấp độ bão ở Việt Nam đã chia làm 4 cấp độ: bão thường có cường độ cấp 8-9; bão mạnh có cường độ cấp 10-11; bão rất mạnh có cường độ cấp 12-15 và từ cấp 16 trở lên được gọi là siêu bão.
Quy luật đổ bộ của bão trong 20 năm qua cũng ghi nhận nhiều hiện tượng dị thường, trái với quy luật. Cụ thể, hồi tháng 10/2016, cơn bão số 7 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, trong khi theo quy luật thời gian này bão phải xuống đến khu vực Trung Trung Bộ. Hay năm 2017, bão số 2 Talas và bão số 4 Sonca hoạt động trong khoảng nửa cuối tháng 7 lại đổ bộ vào khu vực miền Bắc và Trung Trung Bộ.
Cảnh giác với thời tiết bất thường những tháng cuối năm
Ngay trong 7 tháng đầu năm 2019, nhiều hiện tượng thời tiết trái quy luật đã xuất hiện, ảnh hưởng đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, hiện tượng El Nino bắt đầu từ tháng 11/2018 và duy trì đến khoảng tháng 8/2019, sau đó giảm dần.
Đơn vị này, dự báo mùa bão năm 2019 trên khu vực Biển Đông có xu hướng muộn hơn so trung bình nhiều năm. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2019 có khả năng ít hơn so trung bình nhiều năm. 
Ông Vũ Đức Long - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, từ nay đến cuối năm khả năng xuất hiện khoảng 9-11 cơn áp thấp nhiệt đới/bão hoạt động trên khu vực Biển Đông; trong đó có khoảng 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.  
Cụ thể, giai đoạn tháng 8, sau bão số 3 còn có khả năng xuất hiện thêm 1-2 xoáy thuận nhiệt đới (áp thấp nhiệt đới/bão) trên khu vực Bắc Biển Đông và ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc; từ tháng 9 đến tháng 10, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng chủ yếu đến khu vực Trung Bộ; tháng 11 và tháng 12 áp thấp nhiệt đới/bão dịch chuyển xuống phía Nam ảnh hưởng đến các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ.
“Nguy cơ xuất hiện nước dâng do bão chủ yếu tập trung tại ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong tháng 8-11/2019. Trong các tháng mùa hè, sóng lớn chủ yếu xuất hiện trên khu vực ảnh hưởng của bão/áp thấp nhiệt đới,  khu vực giữa và Nam Biển Biển Đông do hoạt động của gió mùa Tây Nam.
Trong các tháng 10-12, các đợt không khí lạnh mạnh, kéo dài có khả năng gây sóng lớn 2-3m cho dải ven biển từ Bắc Bộ tới Đông Nam Bộ, khu vực ngoài khơi độ cao sóng có thể lên tới 4m. Ven biển Trung Bộ sẽ xuất hiện các đợt triều cường cao vào các ngày 11-14/10, 9-13/11 và 13-16/12.
Tại ven biển Nam Bộ, nhiều đợt triều cường cao với mực nước tại trạm Vũng Tàu vượt 4,0m xuất hiện vào các ngày cuối tháng 10 và đầu tháng 11, các ngày giữa và cuối của tháng 11 và 12 năm 2019”. - Đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết thêm.
Vị này cũng đưa ra những cảnh báo và khuyến cáo đến người dân trong mùa mưa bão. Thứ nhất, các cấp chính quyền và người dân cần cập nhật thông tin thường xuyên về biến đổi khí hậu, bão lũ. Thứ hai, các cơ quan liên quan không được chủ quan trước các hiện tượng thiên tai xảy ra, không nên so sánh thiên tai nào là cần quan tâm và thiên tai nào là không cần quan tâm. Thứ ba, cần tự trạng bị cho mình những kiến thức cơ bản về thiên tai và ảnh hưởng của nó để có sự chủ động trong phòng tránh. Đặc biệt, người dân phải nắm vững địa hình nơi cư trú, kết hợp với thông tin thiên tai nhận được từ các cơ quan khí tượng thuỷ văn để có biện pháp đảm bảo an toàn cho chính mình và những người xung quanh. 
Lam Song (Diễn đàn doanh nghiệp)

Có thể bạn quan tâm