Thời sự - Bình luận

Còn bao nhiêu giám đốc CDC… không biết sợ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mới đây thôi, lại thêm 1 giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) cấp tỉnh bị bắt vì những sai phạm liên quan đến Công ty Việt Á. Liệu số lượng giám đốc CDC các địa phương “dính chàm” đã dừng lại?
 

Giám đốc CDC Hà Nội Trương Quang Việt bị cáo buộc có sai phạm trong vụ Việt Á. Ảnh: Phạm Đông
Giám đốc CDC Hà Nội Trương Quang Việt bị cáo buộc có sai phạm trong vụ Việt Á. Ảnh: Phạm Đông


Lãnh đạo CDC mới nhất bị bắt, khởi tố là Nguyễn Văn Sáu - nguyên Giám đốc CDC Bình Phước.

Cách đây vài ngày, giám đốc CDC TP.Đà Nẵng Tôn Thất Thạnh và giám đốc CDC Hà Nội (thời điểm đó đang là phó giám đốc phụ trách) Trương Quang Việt cũng bị khởi tố, bắt tạm giam.

Ngoài ra, các giám đốc và nguyên giám đốc CDC các tỉnh khác đã “dính chàm” gồm: Khánh Hòa, Đắk Lắk, Trà Vinh, Đồng Tháp, Hà Giang, Hậu Giang, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Bắc Giang, Nghệ An, Bình Dương, Hải Dương.

Một câu hỏi đặt ra là, tại sao lãnh đạo CDC các địa phương lại bị bắt, khởi tố một cách đồng loạt mà không phải cá biệt? Vì bản thân cá nhân những lãnh đạo trên không nắm luật, vì tham hay là vì hệ thống giám sát việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế còn rất nhiều sơ hở, diễn ra trong "bóng tối" nên phanh phui là có sai phạm.

Tham luận tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, tháng 4.2020, cơ quan chức năng đã xử lý Giám đốc CDC Hà Nội trục lợi nhưng sau đó vẫn xảy ra vụ Việt Á cho thấy một nhóm đối tượng vẫn không biết sợ.

Chính vì vậy, việc cần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật theo hướng đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả đóng vai trò rất quan trọng. Các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội nếu không được giám sát, kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu đều có nguy cơ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.

Cũng phải nhìn nhận công tâm rằng, những người vi phạm chỉ là những "con sâu làm rầu nồi canh" chứ không phải toàn bộ ngành y tế sai phạm, không phải toàn bộ hệ thống y tế "có vấn đề".

Vậy nên, không vì việc xử lý sai phạm mà làm ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động chung của ngành y tế, gây tâm lý hoang mang, chán nản cho ngành y tế, khiến công tác chăm sóc, khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân bị ảnh hưởng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh, mục đích cuối cùng của chống tham nhũng không phải là kỷ luật nhiều, bắt nhiều cán bộ, quan chức tham nhũng, chặt một cành sâu để cứu cả cái cây là giải pháp cuối cùng.

Để làm trong sạch bộ máy, theo đánh giá của Bộ Công an là đã chủ động nhận diện tội phạm, phát hiện, xử lý tạo sự lan tỏa theo đúng phương châm “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực; xử lý một người để cứu muôn người”.

Thời gian qua, với quyết tâm của Đảng và cả hệ thống chính trị, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được những kết quả rõ rệt, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Với việc hàng loạt lãnh đạo CDC bị bắt vì những sai phạm liên quan, những giao dịch trong… “bóng tối” sẽ dần được đưa ra ánh sáng; và cũng qua đó, những sai phạm mang tính hệ thống sẽ được phanh phui.

Người dân mong lắm những giải pháp hữu hiệu để cán bộ thực sự “không dám, không thể, không muốn” tham nhũng - Đó mới là điều quan trọng!


https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/con-bao-nhieu-giam-doc-cdc-khong-biet-so-1063308.ldo

Theo LÊ PHI LONG (LĐO)

 

Có thể bạn quan tâm