Xã hội

Gia đình

'Con phải lấy vợ Việt' và cái kết của thầy giáo người Séc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

'Năm 17 tuổi, tôi nhìn sang cô hàng xóm của nhà mình và nói với mẹ, con phải lấy vợ Việt', anh Ondrej Slowik thầy giáo người Cộng hòa Séc kể.

Gia đình hạnh phúc của thầy giáo người Séc- Ảnh NVCC
Gia đình hạnh phúc của thầy giáo người Séc- Ảnh NVCC



Còn bây giờ, Ondrej Slowik, thầy giáo người Séc 35 tuổi ngồi bế cô con gái 3 tuổi rưỡi của mình, nhìn vợ - một cô gái Việt Nam - cho con gái thứ 2 mới sinh bú sữa mẹ. “Những lúc cần, tôi sẵn sàng một mình dọn nhà, nấu nướng, đi chợ, cho con tắm, cho con ăn, dắt con đi công viên và chơi với con rất là vui vẻ. Tôi chỉ không có sữa thôi”, Ondrej Slowik, tên thường gọi là Nam, đang trú Q.8, TP.HCM tâm sự.

Thầy giáo biết 5 thứ tiếng

Ondrej Slowik học ngành ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Khoa học và xã hội nhân văn (Séc), và với tình yêu Việt Nam (bắt nguồn từ cô hàng xóm chăm sóc gia đình rất tuyệt vời), anh chọn tiếng Việt là ngoại ngữ thứ 2. “Năm 17 tuổi, tôi đã nói với mẹ là mình phải lấy vợ Việt Nam và sang đó sống. Nhưng mẹ tôi nói, trước khi chọn ở đâu đó lâu dài thì phải sang đó trước, xem nơi đó ra sao”, anh kể.

Năm 2010, lần đầu anh sang Việt Nam đi du lịch và sau đó một năm, cùng với bạn trẻ tới từ nhiều quốc gia khác, anh là sinh viên khoa tiếng Việt Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG Hà Nội.


 

Thầy Nam được nhiều sinh viên Việt Nam yêu mến - Ảnh Thúy Hằng
Thầy Nam được nhiều sinh viên Việt Nam yêu mến - Ảnh Thúy Hằng


Chàng trai ở ký túc xá của trường, đi dạy thêm tiếng Anh để có thể trang trải cuộc sống và khám phá thành phố Hà Nội. Đến bây giờ, anh vẫn còn nhớ nhiều tên đường phố trong các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng... Lý giải về cái tên Nam của mình, Ondrej Slowik kể đó là tên cô giáo ở Hà Nội đặt cho các sinh viên nước ngoài để dễ nhớ. Người cùng bàn với anh tên Việt, và anh tên Nam. Nhưng bất ngờ hơn, Ondrej trong tiếng Hy Lạp là Andreas - cũng có nghĩa là "đàn ông".

Tròn 1 năm Ondrej Slowik ở Việt Nam, tới 2012, anh vẫn không tìm được một vị hôn thê nào tâm đầu ý hợp, mặc dù trải qua nhiều mối tình. Trở về Séc, anh làm nhiều công việc, trong đó có hỗ trợ tư vấn pháp luật, dạy tiếng Séc cho cộng đồng người Việt Nam, đặc biệt là những người bị lừa đảo qua đó kiếm việc làm, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống...

Năm 2015, lần trở lại Việt Nam này có ý nghĩa định mệnh với thầy giáo người Séc. Anh có khoảng 3 tháng dạy tiếng Séc trong một trường ĐH tại Q.7, TP.HCM và sau đó, gặp tình yêu đích thực đời mình.


 

Tổ ấm của thầy giáo người Séc tại Việt Nam - Ảnh NVCC
Tổ ấm của thầy giáo người Séc tại Việt Nam - Ảnh NVCC


Bạn gái Việt Nam dễ thương, những cuộc phiêu lưu, khám phá nhiều tỉnh thành khiến Ondrej Slowik thêm yêu và gắn bó ở nơi này hơn. Thành thục tiếng Séc, Anh, Việt, Ondrej Slowik còn nói và nghe rất tốt tiếng Nga, Đức. Chàng trai rất có năng lực về ngoại ngữ học lên tiến sĩ ngành ngôn ngữ học tại ĐH Charles, Séc và quyết định chọn đề tài về sự độc đáo của tiếng Việt ở các vùng miền làm luận án.

Trước khi chính thức trở thành giảng viên ngành ngôn ngữ Anh, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng từ tháng 1 năm nay, anh gắn bó với công việc làm phiên dịch cho cộng đồng người Séc sang du lịch ở khắp các danh thắng, địa điểm đẹp của Việt Nam.

“Không chỉ sinh viên mà rất nhiều người Việt yêu mến tôi bởi tôi nói tiếng Việt và biết nhiều về Việt Nam. Nhưng tôi cũng mong sinh viên trong những giờ học sẽ nói nhiều hơn, phản biện nhiều hơn nữa, bởi đó chính là chìa khóa để các bạn có thể giỏi hơn”, thầy giáo được gọi thân mật là Nam chia sẻ.

'Bố Tây không bó tay'

Đó cũng là tên một blog mà Ondrej Slowik lập ra để ghi chép những câu chuyện vui trong cách nuôi dạy con hằng ngày. Vợ anh, nhà thiết kế thời trang Trần Thị Hoàng Mai, cô gái mà Ondrej Slowik vô tình “uống” một ánh mắt ở quán sinh tố bên Q.7, TP.HCM có vài giây, nhưng sau đó thì “say” mất bao ngày. Anh chủ động làm quen và hai người yêu, kết hôn, ước muốn phải cưới vợ Việt của anh Tây trở thành sự thật. Mẹ chồng Mai rất cưng con dâu Việt, không chỉ vì nhìn thấy tình yêu của con trai mình với cô gái mà anh đã đi tìm rất lâu, bà khâm phục sự giỏi giang, trí tuệ của cô gái nhỏ bé.

Họ đón con gái đầu lòng vào năm 2017, và cách đây 2 tuần thì họ có công chúa thứ 2. Là người đàn ông hiện đại, Ondrej Slowik chia sẻ với vợ việc nhà, quán xuyến nhà cửa, nấu nướng, đi chợ, dọn dẹp, nấu cơm, chẳng nề hà việc gì. Có thời gian, em bé đầu tiên cùng với anh về Séc khi còn nhỏ xíu, hai cha con chăm sóc nhau đâu vào đấy.


 

Hai công chúa của gia đình - Ảnh NVCC
Hai công chúa của gia đình - Ảnh NVCC


Ondrej Slowik viết trên blog "Bố Tây không bó tay", câu chuyện vui vui mà khiến nhiều người phải suy ngẫm: “Vậy thì bố Nam trở thành bố của con gái thứ 2 rồi. Trâu nái không bằng con gái đầu lòng và cả nhì lòng đấy. Mẹ chắc tròn con vuông rồi. Tuy nhiên, trước khi đẻ, mẹ tròn hơn. Hiện tại bụng mẹ giống lốp xe mới bị thủng. Cái đó không buồn cười hay là đáng sợ mà nó rất tự nhiên, bụng ai chắc cũng như vậy sau khi đẻ. Chủ yếu lúc đó chồng phải thương vợ vô cùng cho vợ đỡ mất tự tin. Chồng nào không chịu thương vợ sau khi đẻ thì hơi ích kỷ thật.

Con thứ 2 thì có vẻ dễ nuôi hơn con đầu nhiều. Nam nghĩ việc có con rất là tuyệt vời khi các bạn thực tâm muốn có con. Nam không thể tưởng tượng được cảm giác mạnh hơn mình nghe thấy con mình cất tiếng khóc đầu tiên khi mới ra đời. Có thể, nếu mình có thể tự đẻ được con thì cảm giác đó còn mạnh mẽ hơn nữa nhưng không may mắn, cái đó Nam không có cách nào trải nghiệm được…”.


 

Thầy giáo người Séc được yêu quý vì giỏi ngoại ngữ và rất vui tính - Ảnh Thúy Hằng
Thầy giáo người Séc được yêu quý vì giỏi ngoại ngữ và rất vui tính - Ảnh Thúy Hằng


Đấy là trên blog, còn thực tế, Ondrej Slowik tranh thủ trong cuộc phỏng vấn, đã “nói xấu” vợ thế này: “Mai thường không xem giá trên nhiều sản phẩm trong siêu thị, cứ thấy hay là mua, đến khi tính tiền khi thốt lên “ôi giá cao nhỉ”, và lại mua tiếp. Mai để tiền ở đâu cũng không nhớ, trong túi áo, túi xách thi thoảng lại thấy một tờ 500.000 đồng. Mai ít khi nghe điện thoại lắm, người ta giao hàng, chủ nhà cho thuê mặt bằng có việc gì gọi Mai không được cũng gọi cho Nam, lúc đó Nam đang dạy học mà, biết trả lời thế nào. Đi đâu ra đường, hai vợ chồng, thì túi của Nam cũng 2 cái bóp, 2 cái điện thoại. Nam hét lên, “Nam là trợ lý cho Mai đó hả?”. Nhưng mà chỉ có thế thôi. Tôi rất khâm phục vợ mình, một sự ngưỡng mộ không nhỏ. Cô ấy giỏi về nghệ thuật, giỏi về kinh doanh. Mai rất tuyệt vời”.

Hiện tại thì hạnh phúc với anh là gì? Thầy giáo người Séc nghĩ một giây và nói: “Nếu đổi thuốc lá, rượu bia để có một niềm vui, hạnh phúc thì đó chỉ là hạnh phúc ngắn hạn. Mình đang đi vay mượn hạnh phúc trong chốc lát, và sau đó phải trả lại bằng sức khỏe, những cơn đau đầu và nỗi buồn. Nhưng để có thứ hạnh phúc đường dài nhất, thì chính là gia đình, những phút giây bên vợ và các con. Đôi lúc bạn sẽ thấy có những nỗi buồn, nhưng để có hạnh phúc bền bỉ nhất và không phải vay mượn, không phải trả lại, đó là làm những gì có ý nghĩa cho gia đình của mình”.

Theo THÚY HẰNG (TNO)

Có thể bạn quan tâm