Dự lễ công bố có ông Lưu Hoàng Long-Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố; các viện, trường, trung tâm nghiên cứu trong và ngoài tỉnh; đại diện các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch đón nhận văn bằng bảo hộ cho các sản phẩm “Mật ong hoa cà phê Gia Lai” và “Thuốc lá lá Krông Pa-Gia Lai”. Ảnh: Trần Dung |
Gia Lai hiện có 96.000 đàn ong với 292 hộ nuôi và 4 cơ sở, doanh nghiệp nuôi ong lấy mật từ hoa cà phê. Tổng sản lượng mật ong khoảng 2.000-3.000 tấn/năm, chiếm 10% sản lượng mật của cả nước; chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ (chiếm khoảng 80% sản lượng mật ong toàn tỉnh), số còn lại tiêu thụ nội địa và xuất sang thị trường EU.
Dự án “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mật ong hoa cà phê Gia Lai” đã góp phần nâng cao danh tiếng, giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Đây cũng là công cụ để chống lại sự cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người nuôi ong và người tiêu dùng. Đồng thời, giúp tăng thu nhập, ổn định sinh kế cho người dân theo hướng bền vững.
Bên cạnh đó, dự án triển khai cũng góp phần bảo vệ hệ sinh thái môi trường rừng và vệ sinh an toàn thực phẩm, thúc đẩy tiềm năng du lịch Gia Lai, củng cố lại hệ thống sản xuất, ổn định, duy trì sự phát triển bền vững nghề nuôi ong lấy mật truyền thống của địa phương.
Ông Lưu Hoàng Long-Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phát biểu tại Lễ công bố. Ảnh: Trần Dung |
Còn sản phẩm thuốc lá lá Krông Pa được đánh giá cao bởi số giờ nắng ở địa phương rất cao. Địa phương đặt mục tiêu đến năm 2025, phát triển ổn định 2.300-2.500 ha thuốc lá. Cùng với việc áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, huyện Krông Pa đang xây dựng chuỗi liên kết sản xuất thuốc lá với các doanh nghiệp. Đồng thời, áp dụng công nghệ lò sấy mới để hạn chế việc sấy bằng củi rừng, hướng đến phát triển bền vững 2.500 ha thuốc lá vào năm 2025.
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện có 12 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng, chăm sóc, sơ chế, thu mua sản phẩm thuốc lá, giải quyết sinh kế cho hàng ngàn hộ dân.
Quang cảnh lễ công bố. Ảnh: Trần Dung |
Tại lễ công bố và trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong hoa cà phê Gia Lai” và “Thuốc lá lá Krông Pa-Gia Lai”, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lưu Hoàng Long cho rằng: Trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện thực trạng phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đồng thời, với mong muốn cung cấp thông tin, kiến thức và đề xuất các giải pháp phát triển thương hiệu cho các đặc sản địa phương trong thời gian đến để giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và vai trò của sở hữu trí tuệ trong định hướng phát triển của các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản địa phương trong thời gian tới.
Việc bảo hộ là bước khởi đầu, chúng ta cần gìn giữ và nâng cao chất lượng cũng như danh tiếng của sản phẩm để từ đó có những thích ứng mạnh mẽ nhằm đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước.
Ban tổ chức trao Chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Gia Lai” cho 11 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ cơ sở. Ảnh: Trần Dung |
Tại lễ công bố, Ban tổ chức đã trao Chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Gia Lai” cho 11 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ cơ sở. Chứng nhận sẽ góp phần giúp người dân, tổ chức, doanh nghiệp quảng bá, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh đối với sản phẩm đặc trưng. Đồng thời, tăng cường mối quan hệ liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư phát triển sản phẩm.