Phóng sự - Ký sự

Công cuộc này là của biết bao đồng bào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
'Năm lịch sử 1945 ấy, bố tôi chỉ là một trong nhiều con dân nước Việt hiến tặng tất cả cho Chính phủ mới với niềm tin dân tộc được độc lập, đồng bào được sống đời dân chủ, cơm no áo ấm. Tất cả vì Tổ quốc, chẳng ai màng lợi danh cho riêng mình'.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc tết gia đình cụ Bùi Hưng Gia năm 1960 - Ảnh tư liệu

Tôi tin rằng nếu lịch sử Tổ quốc lặp lại, các cụ vẫn hết lòng tận hiến như thế. Bởi đó là vì đồng bào, vì nước nhà mình, chứ chẳng phải cho riêng ai.

 

Ông TRỊNH ĐÌNH TIẾN

Nhiều năm đã trôi qua ông Trịnh Đình Tiến vẫn xúc động khi nhắc về cha mình như thế.
Cha của ông Tiến chính là cụ Trịnh Đình Kính, sinh năm 1886, người được mệnh danh là "ông hoàng thủy tinh xứ Đông Dương" với cơ nghiệp mà chính người Pháp thuở ấy cũng phải nể phục.
Mỗi khi có dịp ra Hà Nội, tôi hay ghé thăm nhà ông Tiến để được nghe rất nhiều chuyện kể về cha ông và một thời khó quên của đất nước.
Cậu bé mồ côi thành "ông hoàng thủy tinh xứ Đông Dương"
Ông Tiến còn nhiều lần dẫn tôi đi thăm người bạn đặc biệt của mình ở phố Giang Văn Minh. Đó là ông Bùi Công Bội, đã ngoài 80 tuổi, là con trai của cụ Bùi Hưng Gia, một nhân sĩ yêu nước của năm tháng lịch sử.
Sự trùng hợp thật ý nghĩa. Một thuở hai vị doanh gia Trịnh Đình Kính, Bùi Hưng Gia là bạn thân cùng góp phần giúp nước. Rồi đời sau, các người con của họ kết thân với nhau như có mạch nguồn chí hướng từ cha ông để lại.
Trên gác xép nhỏ bé, cũ kỹ phải chừng đã được xây dựng cả trăm năm ở phố Hàng Bồ, ông Tiến kể cho tôi nghe về cha mình.
Cụ Trịnh Đình Kính chính là con trai cụ Trịnh Đình Thành, bậc anh hùng đã nhảy sông tự vẫn để bảo vệ bí mật quân cơ phong trào Cần Vương kháng Pháp. Sau đó, người vợ của cụ Thành cũng lâm trọng bệnh rồi mất. Đời con thiếu cha mẹ, từ năm 10 tuổi cụ Kính đã rời quê nhà ở Thanh Oai để lên Hà Nội tìm kế sinh nhai.
Ban đầu cụ Kính chỉ là đứa trẻ sai vặt cho các ông chủ người Hoa làm lò thủy tinh ở phố Hàng Bồ. Nhưng rồi với sự siêng năng, thật thà, mà đặc biệt là nỗ lực vươn lên của cậu bé mồ côi, một ông chủ đã thương nhận cậu làm con nuôi để truyền nghề.
Năm 1912, lúc còn là chàng trai trẻ, cụ Kính đã ra lập riêng được xưởng thủy tinh Thanh Đức và dần dần trở thành thương hiệu lớn không chỉ ở Hà Nội mà cả xứ Đông Dương.
"Bố tôi chỉ tự học mà nắm được tất cả bí quyết làm thủy tinh, đặc biệt là kỹ thuật làm thủy tinh màu không phải xưởng nào cũng làm được trong những năm đầu thế kỷ 20" - ông Tiến nhắc nhớ với tôi về cha mình.
Về sau cụ Kính được mệnh danh là "ông hoàng thủy tinh xứ Đông Dương" cả về sự giàu có, nhà cửa và cơ xưởng bao la ở Hà Nội, nuôi được thợ thuyền đông đến hàng ngàn người.

Ông Bùi Công Bội bên bàn thờ cha ông mình - Ảnh: QUỐC VIỆT
Hiến tặng tất cả cho cách mạng
"Năm 1945 lịch sử, tôi mới là đứa trẻ 7 tuổi nhưng đã nhớ rõ cơ nghiệp của bố mình lớn thế nào. Cả khu phố Hàng Bồ này gần như là của bố tôi hết, thậm chí bên Khâm Thiên cũng có nhà đất mênh mông. Ấy vậy mà khi Chính phủ Việt Minh kêu gọi đóng góp, bố tôi đã hiến tặng tất cả, không chút băn khoăn, suy tư thiệt lợi gì" - ngồi trong gác trọ ọp ẹp chỉ vài chục mét vuông, ông Tiến cười sảng khoái kể lại chuyện cha mình.
Tôi gần như phải lom khom lách vào một cái ngách nhỏ xíu, tối lờ mới lên được cái gác xép này.
Thắp lên bàn thờ cha mình nén nhang, ông Tiến chỉ cười không trả lời câu hỏi của tôi rằng cái gác này là bao nhiêu so với gia sản ngày xưa. Mãi sau ông mới trả lời nhẹ như không: "Nói một phần ngàn thì chưa biết thế nào, chứ một phần trăm thì chẳng so được đâu".
Chưa dứt câu, ông lại cười. Còn tôi hiểu cái gác ọp ẹp này chẳng là gì so với dãy phố mặt tiền Hàng Bồ, Khâm Thiên...
Ngay trước Cách mạng Tháng Tám lịch sử ấy bùng lên, nhà tư sản Trịnh Đình Kính đã không tiếc tiền của cứu đói đồng bào. Cụ còn cho nấu cả những nồi cháo to để cứu sống khẩn cấp những đồng bào đang lả đi vì đói. Rồi khi tuần lễ vàng được phát động, cụ đã nhiều lần bê các hòm tiền, vàng đi đóng góp.
Tâm sự với tôi về chuyện này, người con Trịnh Đình Tiến kể mình không biết rõ là bao nhiêu, mà chắc cha ông cũng không đếm. Thuở ấy đóng góp cho dân, cho nước, đâu ai đong đếm, tính toán thiệt hơn.
Bao nhiêu nhà xưởng, nhà phố Hà Nội, thậm chí cả ở nhà quê, cụ Kính cũng nhẹ lòng hiến tặng mà chẳng đòi hỏi gì. Đến cuối đời, dù sống rất chật hẹp, khó khăn, cụ cũng chỉ có nguyện vọng duy nhất là xin lại ngôi nhà thờ tự tổ tiên ở quê.
"Mà năm tháng lịch sử của dân tộc ấy, đâu chỉ có mình nhà tôi, còn biết bao gia đình khác cũng sẵn sàng hiến tặng tất cả cho cách mạng. Kể làm sao cho hết công lao của đồng bào, nên đừng nhắc nhiều về nhà tôi" - những lần tâm sự, ông Tiến hay dặn tôi điều này.
Hãy có lẽ sống lợi cho đồng bào
Hôm cùng ông Tiến đến thăm nhà người bạn Bùi Công Bội ở phố Giang Văn Minh, tôi cũng lại được nghe những sẻ chia từ đáy lòng.
Là con trai nhân sĩ Bùi Hưng Gia, ông Bội nhắc lời bậc thân sinh: "Đừng kể nhiều về bố tôi. Công cuộc này là của biết bao đồng bào, của cả dân tộc, chứ nào phải của riêng ai, của riêng nhóm người nào đâu".
Cũng giống cụ Trịnh Đình Kính, cụ Bùi Hưng Gia từng là một cậu bé nghèo khổ. Vốn là đứa trẻ siêng năng nấu cơm, quét nhà để kiếm miếng ăn cho một gia đình thợ bạc ở làng Đồng Sâm, Thái Bình, cụ Gia dần dần được thương yêu và truyền nghề. 
Không lâu sau, khi còn là thanh niên, cụ đã tạo dựng được cơ nghiệp riêng với tiệm kim hoàn Sư tử bạc nổi tiếng Hà Nội và cả miền Bắc thuở ấy. 
Giàu có, công việc ngày ngày gắn với tiền, với vàng, nhưng cụ rất thương người nghèo khó. Đồng bào bị đói năm Ất Dậu 1945, cụ Gia cho người đặt hàng chum sành trước phố và nấu cháo đổ vào đó để cứu đói đồng bào. 
Cũng giống cụ Kính, cụ Gia còn về quê nhà, lập danh sách người đói khổ để cứu đói khẩn cấp, nên làng quê của hai cụ hầu như rất ít người phải chết đói.
Khi Chính phủ phát động tuần lễ vàng, cụ Gia đã hiến tặng tất cả 1.000 lượng vàng và sau này là nhiều nhà cửa để giúp dân, giúp nước. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời cụ Bùi Hưng Gia ra đảm đương trách nhiệm đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên và tiếp tục kéo dài suốt 4 khóa liền.
Dẫn tôi lên thăm bàn thờ cụ thân sinh, ông Bùi Công Bội kể rằng về sau cụ Gia ăn chay trường và sống như nhà tu hành. Cụ luôn dặn con hãy có lẽ sống lợi cho đất nước, cho đồng bào mình, chứ đừng nặng toan tính cá nhân.
Và cả cuộc đời hai người bạn ở Hà Nội Bùi Hưng Gia, Trịnh Đình Kính đã chọn lẽ sống ấy.
Tận hiến cho dân, cho nước

Cụ Trịnh Đình Kính đã chọn lẽ sống thanh bạch, vì đồng bào - Ảnh tư liệu
Năm tháng bước ngoặt lịch sử 1945, cả nước có rất nhiều doanh nhân cũng tình nguyện đóng góp sức mình như cụ Gia, cụ Kính. Ở miền Bắc có các gia đình nổi tiếng như Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà, Nguyễn Thị Năm, Đỗ Đình Thiện, Vương Thị Lai, Đặng Thị Huyền...
Không chỉ góp tiền vàng, nhiều người còn hiến tặng tất cả nhà cửa và trực tiếp làm cơ sở cách mạng, rồi đi theo kháng chiến.
Một thời đoạn lịch sử, có người bị hiểu lầm, bị xử oan, nhưng cuối cùng đều đã được chứng minh tấm lòng họ đã tận hiến cho dân, cho nước nhà.
QUỐC VIỆT (TTO)

Có thể bạn quan tâm