Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh Gia Lai: Vì lợi ích của công nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Khu Công nghiệp (KCN) Trà Đa hiện có hơn 1.850 người lao động đang làm việc. Trong số này có hơn 1.000 lao động nữ và 430 lao động người dân tộc thiểu số. Thời gian qua, việc đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động tại đây luôn được chú trọng.
Bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh tại KCN Trà Đa từ năm 2012, Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Gia Khang luôn rất quan tâm đến việc đảm bảo đời sống cho công nhân. Công ty hiện có 150 công nhân (30% là người dân tộc thiểu số). Ông Trương Tấn Công-Chủ tịch Công đoàn Công ty-cho biết: “Công nhân là lực lượng quan trọng nhất, mang tính sống còn của doanh nghiệp. Vì vậy, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho họ là điều chúng tôi rất quan tâm. Người lao động thường xuyên ở đây đều được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Lương bình quân của công nhân mỗi tháng là 3,5 triệu đồng/người sau khi đã trừ tiền ăn. Công ty cũng hỗ trợ công nhân khoản nấu ăn 2 bữa trưa và chiều”.
 Sản xuất gỗ nội thất tại Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Gia Khang. Ảnh: H.D
Sản xuất gỗ nội thất tại Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Gia Khang. Ảnh: H.D
Cũng theo ông Trương Tấn Công, vào dịp lễ, Tết, Công ty đều tổ chức gặp mặt, liên hoan và tặng quà cho người lao động. Bên cạnh đó, đều đặn hàng tháng, Công ty dành ra 10 suất quà trị giá khoảng 500 ngàn đồng/suất để hỗ trợ những công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, Công ty còn vận động công nhân làm ngoài giờ vào buổi tối để tăng thu nhập. “Tất cả các hoạt động hướng về người lao động này của Công ty đều có sự hướng dẫn, tham gia của Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh. Họ còn giúp chúng tôi rất nhiều trong việc kết nối với các đơn vị đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động cũng như các hoạt động khác để Công ty có đủ năng lực mở rộng thị trường, hợp tác với các đối tác lớn”-ông Công cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Văn Nam-Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh: Thời gian qua, Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh đã làm tốt công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. “Chúng tôi đặc biệt chú trọng rà soát thỏa ước lao động tập thể và đề xuất, thương lượng với người sử dụng lao động cam kết để người lao động có quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn. Theo đó, nội dung của thỏa ước lao động tập thể hướng tới thương lượng để có nhiều nội dung có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật. Một số nội dung như: hỗ trợ xăng xe, công tác phí, hỗ trợ mua bảo hiểm và hỗ trợ 50% tiền mua bảo hiểm cho người thân của công nhân, người lao động… đã được đưa vào nội dung của thỏa ước lao động tập thể”-ông Nam cho hay. Cũng theo ông Nam, đến nay đã có 16/22 doanh nghiệp ở KCN Trà Đa tổ chức hội nghị người lao động, ký kết thỏa ước lao động tập thể và đăng ký với cơ quan quản lý địa phương.
Cùng với đó, Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh đã tham gia với doanh nghiệp trong tìm kiếm việc làm, giải quyết các chế độ tiền lương, tiền thưởng cho người lao động trước khi nghỉ Tết kịp thời. Điều này đã động viên, khuyến khích người lao động hăng hái thi đua hoàn thành nhiệm vụ. Theo báo cáo của Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh, kết thúc năm 2018, tất cả doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn đã thanh toán dứt điểm tiền lương cho công nhân, người lao động; 100% Công đoàn cơ sở đã đề xuất với doanh nghiệp chăm lo tốt đời sống, động viên tinh thần người lao động bằng nhiều hình thức như hỗ trợ tiền ăn giữa ca, công bố sớm kế hoạch thưởng Tết cho người lao động; 100% doanh nghiệp đã thực hiện thưởng Tết cho người lao động với mức thưởng từ 500 ngàn đồng đến 120 triệu đồng/người.
Khu Công nghiệp Trà Đa hiện có 48 nhà đầu tư, thực hiện 53 dự án, trong đó có 35 dự án đã đi vào hoạt động với tổng số lao động hơn 1.850 người. Trình độ người lao động không đồng đều và thấp (số lao động phổ thông lên tới 1.320 người, chiếm 71,3%; lao động có tay nghề chỉ 530 người, chiếm 28,6%) nhưng thu nhập tương đối ổn định, lương bình quân 5,2 triệu đồng/người/tháng.
 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm