Kinh tế

Công trình thủy lợi Ia Mơr: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Công trình thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông) được đầu tư xây dựng từ năm 2005 nhằm phục vụ nước tưới cho khoảng 12.500 ha cây trồng các loại tại hai tỉnh Gia Lai và Đak Lak. Ngoài ra còn cung cấp nước sinh hoạt cho 50 ngàn dân sinh sống tại một số xã dọc biên giới huyện Chư Prông.

Tổng nguồn vốn phê duyệt xây dựng công trình vào thời điểm năm 2005 trên 1.200 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2010. Tuy nhiên, sau thời gian khởi động rồi bị tạm ngừng do thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, công trình phải kéo giãn thời gian thi công và hoàn thành. Đến năm 2014, công trình mới được tiếp tục thi công trở lại.
 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT kiểm tra khu tưới hồ Plei Pai và đập dâng Ia Lốp (xã Ia Lâu) là một trong những hợp phần của thủy lợi Ia Mơr. Ảnh: N.D

Tổng hợp từ Ban Quản lý dự án Thủy lợi Ia Mơr cho thấy: Đến nay, các đơn vị thi công đã hoàn thành nhiều hạng mục như: đắp đất, đắp cát lọc, tràn xả lũ, đập phụ 1, đập phụ 2 hoàn thành phần đắp đất. Về tràn xả lũ đã hoàn thành bê tông bản đáy kênh dẫn thượng lưu và bê tông ngưỡng tràn. Cơ bản hoàn thành chế tạo, lắp đặt cơ khí cống… nhất là hoàn thành việc chặn dòng đợt 1, dẫn dòng thi công trả nước về lại dòng suối cũ… để chờ chặn dòng đợt 2 vào cuối năm nay. Tổng giá trị và khối lượng thực hiện các hạng mục của công trình từ đầu năm 2015 đến nay đạt trên 107,6 tỷ đồng. Trong đó, các hạng mục đã nghiệm thu và giải ngân cho các đơn vị thi công đạt trên 93,6 tỷ đồng.
 

Ảnh: N.D

Ông Nguyễn Văn Hòa-Phó ban Quản lý dự án Thủy lợi Ia Mơr cho biết: Hiện nay, công trình đã được thi công trở lại là tín hiệu khả quan. Tuy nhiên quá trình thi công hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần có giải pháp tháo gỡ từ Trung ương để hoàn thành đúng lộ trình đã đặt ra, đáp ứng nhu cầu nước tưới và nước sinh hoạt cho người dân nơi đây. Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn được phê duyệt từ năm 2005 với trên 1.200 tỷ đồng, nhưng đến nay sau gần 10 năm đã thay đổi rất nhiều với số vốn cần tới khoảng 4.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó là việc trồng rừng thay thế theo chủ trương của Chính phủ, trong khi trước đây khi lập dự án năm 2005 lại không có hạng mục này. Phát sinh này phải cần tới gần 200 tỷ đồng để trồng rừng. Nếu tích nước chặn dòng vào cuối năm nay thì lòng hồ sẽ ngập. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có quyết định thu hồi diện tích rừng trong lòng hồ…

Cũng theo ông Hòa, dù còn đang gặp nhiều vướng mắc nhưng Ban Quản lý vẫn yêu cầu các đơn vị thi công vẫn tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo các điều kiện kỹ thuật để chặn dòng vào cuối năm nay.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm