Đô thị

Không gian sống

Công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung: Khó khăn từ nhiều phía

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, các huyện phải có ít nhất 1 công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung áp dụng biện pháp phù hợp (tiêu chí 7.4). Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn chưa có địa phương nào xây dựng được công trình này.

Theo kế hoạch, Chư Sê phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào cuối năm 2025. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, huyện gặp khó ở nhiều tiêu chí, trong đó có tiêu chí 7.4 về “Xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung áp dụng biện pháp phù hợp, ít nhất 1 công trình”.

Bà Phùng Thị Hà-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện-cho hay: Qua rà soát quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, quy hoạch nông thôn mới 14 xã, quy hoạch xây dựng thị trấn Chư Sê đến năm 2030, huyện chưa quy hoạch quỹ đất dành cho công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Nguyên nhân là các quy hoạch trên được phê duyệt trước khi các sở, ban, ngành hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư lớn vì bên cạnh xây dựng công trình xử lý nước thải sinh hoạt có công suất 200 m3/ngày đêm trở lên cho cụm dân cư còn phải đầu tư hạ tầng thu gom nước thải sinh hoạt đấu nối hệ thống thu gom nước thải của các hộ dân. Ngoài ra, huyện phải có đơn vị quản lý công trình, vận hành công trình ổn định trong thời gian tối thiểu 1 năm và các hộ dân tham gia đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải phải có cam kết chi trả phí dịch vụ thu gom và xử lý nước thải, song hiện nay chưa có đơn giá phí dịch vụ thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, chưa có địa phương nào trong tỉnh xây dựng được công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Ảnh: N.H

Đến nay, chưa có địa phương nào trong tỉnh xây dựng được công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Ảnh: N.H

Tương tự, huyện Đak Pơ cũng chưa triển khai được tiêu chí số 7.4 vì gặp khó về nguồn vốn đầu tư. Ông An Đỗ Bình Nguyễn-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện-cho biết: Hiện nay, nước thải sinh hoạt của các hộ dân được thải ra hệ thống đường ống, cống thoát chung của khu vực. Qua khảo sát, thị trấn Đak Pơ có hạ tầng phù hợp để triển khai đầu tư công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, đặc biệt là địa bàn cơ bản đã hoàn thiện hệ thống kênh mương thu gom nước thải trong khu dân cư để đấu nối đưa về công trình xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, đây là mô hình mới và trên địa bàn tỉnh chưa có mô hình nào để học tập nên huyện chưa có nhiều kinh nghiệm trong lựa chọn mô hình phù hợp. Ngoài ra, huyện cũng gặp khó khăn về nguồn kinh phí xây dựng công trình này.

Mặc dù đã bố trí được nguồn vốn đầu tư nhưng huyện Ia Grai cũng gặp nhiều khó khăn trong xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thái Anh Tuấn thông tin: Ngày 31-5-2023, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 792/QĐ-UBND về việc giao kế hoạch đầu tư nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, UBND huyện giao kế hoạch đầu tư nguồn vốn thực hiện các nội dung trên là hơn 252 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại thị trấn Ia Kha là 8,792 tỷ đồng, thực hiện trong 2 năm 2024-2025. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng công trình gặp khó khăn do đây là mô hình mới và thực tế hiện nay cơ sở hạ tầng của huyện để đầu tư hệ thống xử lý nước thải chưa đồng bộ giữa hệ thống đường giao thông, mương thoát nước và hệ thống đấu nối từ các hộ gia đình. Do đó, huyện đang tiếp tục tham khảo để chọn mô hình phù hợp; đồng thời, tiếp tục khảo sát thiết kế để từng bước đầu tư xây dựng phù hợp để khi đi vào hoạt động đảm bảo đúng công năng xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn.

Có thể bạn quan tâm