Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Công ty chuyển phát nhanh vỡ nợ gần 6 tỉ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều đối tác của Công ty CP Chuyển phát nhanh GNN (GNN Express) đang lo sẽ mất trắng cả trăm triệu đồng khi công ty này nợ 600 khách hàng số tiền 5,5 tỉ đồng, phải dừng hoạt động
Trụ sở Công ty GNN trên đường Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa, TP Hà Nội) chiều 4-9 "cửa đóng then cài", khác với cảnh nhộn nhịp nhân viên giao hàng trước đây. Công ty này tiền thân là Công ty CP Dịch vụ Gió Nam, do ông Hoàng Ngọc cùng 11 cổ đông khác thành lập cuối năm 2006 với vốn điều lệ 100 triệu đồng. Công ty có chi nhánh tại 5 TP lớn gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Tổng giám đốc đi đầu thú?
Chiều 4-9, một số đối tác của GNN tìm đến trụ sở công ty với hy vọng đòi số tiền thu hộ (COD) nhưng doanh nghiệp này không tiếp.
Trước trụ sở của GNN dán thông báo đóng dấu đỏ và chữ ký của ông Hoàng Ngọc, Tổng Giám đốc GNN, với nội dung: Công ty GNN đã không cân đối được thu - chi dẫn đến việc sử dụng và lạm dụng tiền thu hộ của khách hàng. Đáng chú ý, tổng số tiền nợ của GNN Express hiện tại lên đến 5,5 tỉ đồng. Ngoài ra, ông Ngọc thừa nhận đã ra tự thú trước cơ quan pháp luật, xin hứa nhận trách nhiệm về toàn bộ sự việc và thông báo công ty dừng hoạt động từ ngày 1-9.
"Những cá nhân chưa được thanh toán khoản tiền thu hộ và các đối tác khác còn tồn công nợ của GNN có thể gửi yêu cầu khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền" - thông báo của GNN nêu rõ.
Trụ sở Công ty GNN tại Hà Nội đóng cửa chiều 4-9. Ảnh: Minh Chiến
Trụ sở Công ty GNN tại Hà Nội đóng cửa chiều 4-9. Ảnh: Minh Chiến
Nhiều đối tác của GNN bức xúc trước cách xử lý của công ty này sau khi đột ngột thông báo ngừng hoạt động. Chị Ninh Thị Hằng, chủ một cơ sở kinh doanh quần áo ở TP HCM, cho biết GNN chưa thanh toán cho chị số tiền thu hộ gần 40 triệu đồng, các đơn hàng công ty này nhận vào ngày 29, 30-8 đều chưa giao đến khách hàng.
"Công ty chỉ đăng thông tin mập mờ trên Facebook. Số điện thoại tổng đài không có ai nhấc máy, không có bất kỳ người đại diện nào liên hệ với chúng tôi để có hướng giải quyết" - chị Hằng kể.
Nhiều khách hàng tố công ty này thông báo ngừng hoạt động vào ngày 1-9 nhưng những ngày gần kề trước đó vẫn nhận đơn hàng của đối tác. "Khách hàng gọi điện cho cửa hàng chúng tôi phàn nàn đã đặt hàng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được. Chúng tôi gọi cho GNN thì không nhấc máy, không có ai liên hệ để giải quyết, khiến chúng tôi bị khách hàng trách làm ăn không uy tín" - chị Bùi Nguyệt Trang, chủ một cửa hàng kinh doanh giày dép ở TP Hà Nội, nói. Một số đối tác khác hoài nghi GNN đang cố tình tung thông tin mập mờ việc tự thú để xoa dịu sự bức xúc của họ, trong khi không có bất cứ động thái thiện chí nào để giải quyết.
Khách hàng khó đòi tiền
Trao đổi với báo chí về vụ việc, Tổng Giám đốc GNN, ông Hoàng Ngọc, cho biết ban lãnh đạo đang cố gắng để đưa ra phương án giải quyết cho khách hàng, bảo đảm quyền lợi cho các bên. Việc giải quyết có thể phải kéo dài từ 2-3 tháng nhưng công ty tuyệt đối không né tránh trách nhiệm.
Ngày 4-9, trên Facebook được cho là của GNN Express cho biết ông Hoàng Ngọc đã có buổi làm việc thứ hai với một số khách hàng. Đáng chú ý, công ty này nói rằng buổi làm việc có sự tham gia của Công an phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) để bảo đảm trật tự, bởi trước đó có xảy ra xô xát từ phía khách hàng gây nên thương tích và nguy hiểm cho ông Ngọc. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, trung tá Nguyễn Văn Khoát, Trưởng Công an phường Ô Chợ Dừa, khẳng định công an phường không tham gia buổi làm việc như công ty này thông báo. "Không có bất cứ cán bộ nào, kể cả cảnh sát khu vực của phường tham gia buổi làm việc" - trung tá Khoát nhấn mạnh.
Về việc GNN thông báo dừng hoạt động sau khi lạm dụng tiền thu hộ của đối tác, trung tá Khoát cho biết chỉ mới nắm được qua thông tin báo chí, lãnh đạo công ty này cũng chưa đến công an phường để tự thú hay có bất cứ trình báo nào liên quan.
Theo ông Khoát, cũng chưa có khách hàng hay đối tác nào của công ty đến công an phường trình báo, tố cáo về việc này. Ông Khoát giải thích thêm hiện vụ việc đang là tranh chấp dân sự, các bên có thể khởi kiện ra tòa. Trong trường hợp tố cáo có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cơ quan công an sẽ vào cuộc.
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay khi doanh nghiệp dừng hoạt động, tuyên bố phá sản thì phải được thực hiện theo quy định pháp luật để bảo đảm quyền lợi của các bên có liên quan. Theo đó, tài sản của doanh nghiệp sẽ xử lý theo điều 54 Luật Phá sản 2014, ưu tiên thứ tự: Thanh toán chi phí phá sản, khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết.
Trong trường hợp khi thanh toán xong các khoản chi phí nêu trên mà còn tiền thì mới thanh toán cho các chủ nợ (khách hàng, đối tác - PV). Do đó, trong vụ việc này, các đối tác của GNN sẽ gặp rất nhiều rủi ro, có thể sẽ không có cơ hội thu hồi nợ vì tài sản không còn. 
Nợ tiền nhà không trả
Chiều 4-9, chi nhánh công ty trên đường Sầm Sơn, phường 4, quận Tân Bình, TP HCM có bảng hiệu Công ty GNN cũng đóng kín cửa.
Bà D., chủ căn nhà trên, cho biết từ ngày 1-9 đã thấy chi nhánh này đóng cửa, cứ tưởng nghỉ lễ. Tuy nhiên, người nhà đọc thông tin trên mạng biết công ty này tuyên bố giải thể nên mở cửa nhà vào xem thì thấy mọi đồ đạc đã dọn sạch, kể cả 2 máy lạnh của nhà này cũng tháo. Theo bà D., chi nhánh này vẫn chưa đóng tiền thuê nhà của tháng trước.
Trang web của GNN đã giới thiệu Công ty Lazada là đối tác. Chiều cùng ngày, đại diện Lazada cho biết trước đây, công ty cũng có ký hợp động với GNN để thực hiện một số dịch vụ. Tuy nhiên, từ tháng 8-2017, Lazada đã chấm dứt hợp đồng với công ty trên. Hai công ty hiện không còn quan hệ gì.
N.Hải
Minh Chiến (Người lao động)

Có thể bạn quan tâm