TN - Đất & Người

Công viên địa chất Đắk Nông trở thành Công viên địa chất toàn cầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Công viên địa chất Đắk Nông là thành viên mới nhất của hệ thống công viên địa chất toàn cầu; đồng thời là công viên địa chất thứ ba được UNESCO trao tặng danh hiệu này.
 
Miệng hang động núi lửa C7 thuộc Công viên Địa chất Đắk Nông. (Ảnh: TTXVN phát)
Tối 24/11, tại thành phố Gia Nghĩa, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông tổ chức đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu cho Công viên địa chất Đắk Nông và khai mạc Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II năm 2020.
Công viên địa chất Đắk Nông là thành viên mới nhất của hệ thống công viên địa chất toàn cầu; đồng thời là công viên địa chất thứ ba được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu này.
Công viên Địa chất Đắk Nông có diện tích hơn 4.700 km2, chiếm hơn 2/5 diện tích tự nhiên của tỉnh Đắk Nông. Về địa giới hành chính, Công viên địa chất Đắk Nông nằm trải dài trên 6/8 huyện, thành phố của tỉnh, bao gồm: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’Long và thành phố Gia Nghĩa.
Theo đánh giá của các nhà khoa học trong và ngoài nước, toàn bộ Công viên địa chất Đắk Nông hiện có khoảng 65 điểm di sản, địa mạo, bao gồm hệ thống các miệng núi lửa, hệ thống hang động núi lửa và các thác nước.
Nơi đây có hệ thống hang động núi lửa đồ sộ nhất Đông Nam Á với 50 hang động, tổng chiều dài hơn 10.000m. Công viên địa chất Đắk Nông còn có nhiều nét độc đáo về văn hóa của các dân tộc thiểu số bản địa như M’Nông, Mạ, Êđê...
Đến đây, du khách có thể đắm mình trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; không gian sinh hoạt văn hóa của người M’Nông, dân tộc bản địa đông và cư trú lâu đời nhất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; tham quan và chiêm ngưỡng đàn đá Đắk Kar, Đắk Sơn... cùng nhiều lễ hội văn hóa, ẩm thực của các dân tộc thiểu số bản địa.
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam, khẳng định Công viên Địa chất Đắk Nông có nền tảng là sự hùng vĩ của vẻ đẹp thiên nhiên và một nền văn hóa độc đáo của người dân bản địa. Cả hai yếu tố này cần được bảo tồn, gìn giữ và cần được tiếp cận tổng hợp, vừa bảo tồn di sản, vừa kết hợp và các hoạt động kinh tế, du lịch.
Ông Michael Croft nhấn mạnh sự tham gia của người dân địa phương và khẳng định UNESCO sẽ hợp tác chặt chẽ trong việc khai thác tiềm năng du lịch của Công viên địa chất Đắk Nông.
Theo Ban tổ chức, lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II năm 2020 tại tỉnh Đắk Nông được tổ chức quy mô toàn quốc, với sự tham gia của các đoàn nghệ nhân 15 tỉnh, thành phố. Đây là dịp để quảng bá, giới thiệu và khắc họa đậm nét dấu ấn văn hóa thổ cẩm trong lòng du khách trong và ngoài nước; tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên các dân tộc thiểu số trong cả nước có cơ hội giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm cải tiến, nâng cao hiệu quả nghề dệt thổ cẩm.
Lễ hội cũng là dịp để tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm thổ cẩm, định hướng phát triển thị trường thổ cẩm, tăng thu nhập cho người dân, hướng đến tạo sản phẩm du lịch thương hiệu cho thổ cẩm Đắk Nông.
Hưng Thịnh (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm