Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Cúm A/H5N6, H5N1 có lây từ người sang người như virus corona không?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong khi dịch viêm phổi cấp do virus corona còn đang diễn biến khó lường thì Trung Quốc lại phát hiện thêm ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại tỉnh Hồ Nam, khả năng lây lan vào nước ta là rất cao. Bên cạnh việc lo đối phó với dịch cúm H5N1 xâm nhập, nhiều địa phương đang dốc sức chặn đứng sự lây lan của ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 vừa bùng phát. Vậy cúm gia cầm H5N6 và H5N1 có điều gì giống và khác nhau?
Cúm H5N6 và H5N1 nguy hiểm đều lây sang người
Bệnh cúm gia cầm H5N6 là bệnh truyền nhiễm cấp tinh do virus H5N6 gây ra. Đây là loại dịch bệnh nguy hiểm bởi nó có thể làm cho gia cầm chết đột ngột, hàng loạt và lây lan nhanh. Gà, vịt, ngan, ngỗng, chim nuôi, chim hoang dã... đều có thể mắc bệnh.
Virus cúm gia cầm có thể sống trong phân gia cầm, nước, đất... từ 2 - 4 tuần và chết ở nhiệt độ 70 độ C trở lên. Virus có thể sống trong nhiệt độ lạnh (tủ lạnh, tủ đá) hàng tháng.
Gia cầm bị lây nhiễm cúm qua các con đường: Lây trực tiếp thông qua tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh, chết khi nhốt chung một chuồng hay thả cùng sân; tiếp xúc với chim hoang dã đã bị nhiễm bệnh. Lây gián tiếp qua tiếp xúc trực tiếp với phân, chất độn chuồng (rơm, rạ, trấu...) lông gia cầm bị nhiễm vi rút.
Tiếp xúc với giầy dép, quần áo, dụng cụ (cuốc, xẻng, lồng, sọt đựng trứng...), phương tiện (lốp xe máy, ô tô...) bị nhiễm virus do con người sử dụng mang từ nơi có bệnh về.
Những triệu chứng thường gặp khi gia cầm bị cúm: Chết đột ngột, hàng loạt không có biểu hiện triệu chứng. Gia cầm chảy nước mắt, nước dãi, đứng tụm với nhau, lông xù, uể oải, ít đi lại, đầu gật gù, gục xuống đất biếng ăn; khó thở; mào, tích tím tái, phù và có thể có điểm xuất huyết; xuất huyết ở những chỗ da không có lông, đặc biệt là chân...
 
 Chốt kiểm dịch tại ổ dịch cúm A/H5N6 tại thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Phan.
Tương tự, virus H5N1 có vật chủ chính là quần thể chim hoang dã (chủ yếu là vịt trời) và gia cầm (vịt, gà tây, gà, ngan, ngỗng). Bệnh lây truyền qua tiếp xúc với phân của chim hoặc gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc từ dịch tiết ở mũi, miệng hoặc mắt.
Chợ trời và các địa điểm bán trứng và chim trong điều kiện đông đúc và mất vệ sinh, chính là nơi dễ nhiễm bệnh và có thể truyền bệnh sang cộng đồng đông dân cư.
Thịt hoặc trứng từ những con chim hoặc gia cầm bị nhiễm bệnh nếu chưa được chưa nấu chín hoàn toàn cũng có thể truyền bệnh cúm gia cầm. Do đó, để đảm bảo an toàn, thịt gia cầm cần được nấu chín hoàn toàn ở nhiệt độ ở bên trong gia cầm từ 74 độ C trở lên và trứng cần phải chín cả lòng đỏ và lòng trắng.
Điểm chung của hai loại cúm H5N1 và H5N1 là đều có thể lây sang người.
Cúm H5N6 và H5N1 có lây từ người sang người không?
Câu trả lời là không. Theo Forbes, virus H5N1 cư trú trong những tế bào nằm sâu trong phổi, không thể gây nhiễm ở đường hô hấp trên và không lây lan qua động tác ho hoặc hắt hơi như các loại virus cúm khác.
Điều này lý giải tại sao đường lây truyền người - người của loại virus cúm gia cầm này đến nay vẫn chưa xảy ra.
Đường lây truyền của H5N6 và H5N1 sang người là giống nhau
Virus cúm A H5N1 có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, như ăn phải gia cầm và các sản phẩm gia cầm bị bệnh trong quá trình chế biến, nấu nướng không chín, ăn tiết canh. Vệ sinh cá nhân không tốt, bàn tay không sạch cũng tạo điều kiện cho việc mắc cúm A H5N1.
Virus cúm H5N6 lây từ gia cầm sang người có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Người bị lây nhiễm cúm do tiếp xúc với gia cầm và chất thải gia cầm nhiễm bệnh (trong khi chăn nuôi, vận chuyển, làm thịt gia cầm bị bệnh...) hoặc gia cầm khỏe nhưng đã mang vi rút H5N6.
Do ăn tiết canh, trứng và các sản phẩm khác của gia cầm nhiễm bệnh mà chưa được nấu chín.
 
Phun tiêu độc khử trùng phòng ngừa virus cúm gia cầm. Ảnh: I.T
Triệu chứng
Các triệu chứng cúm H5N6 ở người rất giống với các triệu chứng của bệnh cúm thông thường như: Sốt cao đột ngột, thường sốt liên tục trên 38 độ C, đôi khi rét run, mặt đỏ.
Đau đầu, đau mỏi cơ ở chân, tay, đau tăng lên khi ho, có thể đau quanh hốc mắt, có thể nổi hạch. Ho hoặc ho khan; khó thở...
Bệnh diễn biến nhanh dẫn đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp, suy các phủ tạng và tử vong nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, do đó phòng bệnh là biện pháp quan trọng.
Các dấu hiệu và triệu chứng của cúm gia cầm H5N1 bắt đầu trong vòng 2 - 7 ngày kể từ khi nhiễm bệnh, tùy thuộc vào loại virus cúm gia cầm. Phần lớn các trường hợp, nhìn chung triệu chứng của bệnh cúm gia cầm giống với bệnh cúm thông thường, bao gồm: Ho, sốt, viêm họng, đau cơ, đau đầu, khó thở...
Một số người cũng có thể có triệu chứng buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy. Và trong một vài trường hợp, nhiễm trùng mắt nhẹ (viêm kết mạc) là dấu hiệu duy nhất của bệnh.
Biện pháp phòng bệnh cúm H5N6 và H5N1 sang người
Chỉ ăn thịt, trứng và các sản phẩm khác của gia cầm được nấu chín kỹ. Chỉ mua gia cầm và sản phẩm gia cầm rõ nguồn gốc và đã được kiểm dịch không bị bệnh. Không ăn tiết canh. Không làm thịt và ăn các loại gia cầm ốm, chết.
Rửa tay bằng nước sạch và xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm, trước khi ăn. Rèn luyện thân thể, giữ ấm cơ thể, để nâng cao khả năng phòng bệnh. Nên thay, giặt quần áo, rửa giầy dép hàng ngày.
Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh; hạn chế tiếp xúc gia cầm kể cả khi chúng còn khỏe; chỉ giết mổ gia cầm khỏe; đeo khẩu trang, găng tay khi giết mổ; rửa dao, thớt bằng nước sôi sau khi giết mổ; nên có hai thớt để thái thịt sống và thái thịt chín.
Đeo khẩu trang, găng tay, mặc quần áo bảo hộ khi phải tiếp xúc với gia cầm.
Hãy đến ngay cơ sở y tế khi sốt cao trên 38 độ C, ho, đau ngực, khó thở kèm theo đau đầu, đau cơ mệt mỏi... Khi tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang. 
Theo Cục Thú y, cúm gia cầm là bệnh địa phương, đã được kiểm soát tốt, dịch bệnh không xảy ra ở diện rộng. Các ổ dịch cúm gia cầm xuất hiện rải rác, mỗi tỉnh xuất hiện ở 1- 2 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có gia cầm chưa tiêm phòng vắc xin.

Virus gây bệnh cúm gia cầm tại Việt Nam từ năm 2018 đến nay thuộc nhánh H5N1 2.3.2.1c (chủ yếu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long) và H5N6 2.3.4.4h, 2.3.4.4f, 2.3.4.4g (phân bố tại nhiều vùng trong cả nước). Phân tích các đặc tính sinh học phân tử cho thấy không có sự biến đổi lớn, có tính đặc hiệu với thụ thể bám trên gia cầm.

Khánh Nguyên (Dân Việt)

http://danviet.vn/nha-nong/cum-a-h5n6-h5n1-co-lay-tu-nguoi-sang-nguoi-nhu-virus-corona-khong-1058208.html

Có thể bạn quan tâm