Kinh tế

Doanh nghiệp

Cụm liên kết ngành tạo cơ hội để doanh nghiệp Gia Lai nâng cao năng lực cạnh tranh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc hình thành cụm liên kết ngành (CLKN) sẽ giúp doanh nghiệp Gia Lai tiếp cận các yếu tố đầu vào, thông tin, công nghệ, nguồn nhân lực dễ dàng, nhận được sự hỗ trợ cũng như thụ hưởng các dịch vụ công tốt hơn. 
Tại buổi tọa đàm “Không gian kinh tế Việt Nam: Cụm liên kết ngành cấp quốc gia và cấp tỉnh” diễn ra tháng 4-2022, ông Nguyễn Đức Hiển-Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương-cho rằng: Việc hình thành các CLKN là một xu thế phát triển phổ biến trên thế giới với mục đích nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường tham gia vào mạng lưới sản xuất khu vực cũng như toàn cầu. Tham gia CLKN sẽ tạo nên chuỗi giá trị, đem lại nhiều cơ hội, lợi ích cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp hỗ trợ nhau trong sản xuất, cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm, từ đó tạo chỗ đứng trên thị trường.
Cũng theo ông Hiển, việc tham gia CLKN sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ hội tăng năng suất nhờ vào khả năng tiếp cận các yếu tố đầu vào, thông tin, công nghệ, nguồn nhân lực và nhà cung cấp một cách dễ dàng, nhận được sự hỗ trợ cũng như thụ hưởng các dịch vụ công tốt hơn do hiệu quả tập trung của nhu cầu. Việc hình thành CLKN sẽ thúc đẩy quá trình sáng tạo và đổi mới bởi ngoài việc thúc ép các doanh nghiệp phải gia tăng năng suất thì sức ép cạnh tranh trong cụm buộc họ phải đổi mới liên tục. Mức độ tập trung cao trong một khu vực cũng khiến các doanh nghiệp phải không ngừng học hỏi, thay đổi để nâng cao năng lực, uy tín. Các doanh nghiệp có xu hướng chọn các nhà cung cấp trong cụm để hạn chế rủi ro cũng như tăng cường khả năng kiểm soát đầu vào. Ngoài ra, mức độ tập trung các doanh nghiệp sẽ dẫn đến sự gia tăng các nhu cầu về dịch vụ, các sản phẩm trung gian, thông tin... Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường.
Công ty cổ phần Shinec ký kết hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Sản xuất và xuất nhập khẩu Việt Phúc tại hội thảo giữa Gia Lai và các địa phương Nhật Bản. Ảnh: Hà Duy
Công ty cổ phần Shinec ký kết hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Sản xuất và xuất nhập khẩu Việt Phúc tại hội thảo giữa Gia Lai và các địa phương Nhật Bản. Ảnh: Hà Duy
Gia Lai hoàn toàn có thể xây dựng CLKN nhờ vào các lợi thế sẵn có. Cụ thể, tỉnh đang phát triển đa dạng các loại cây trồng với diện tích khá lớn gồm: 222.780 ha cây công nghiệp dài ngày, 21.375 ha cây ăn quả, 1.958 ha cây dược liệu, hơn 14.000 ha hồ tiêu, 20.000 ha điều, hơn 73.000 ha mì, 34.000 ha mía, hơn 74.000 ha lúa. Gia Lai cũng đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực chế biến. Ông Nguyễn Hữu Nguyên-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: “Gia Lai đã quy hoạch 21 cụm công nghiệp, trong đó có 12 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh thành lập. Nguồn nguyên liệu nông sản phong phú, ổn định sẽ tạo tiền đề cho các nhà đầu tư quan tâm phát triển công nghiệp chế biến và gắn kết lâu dài với tỉnh”. 
Lợi thế thì có sẵn nhưng hiện nay, các nhà đầu tư đến Gia Lai lựa chọn địa điểm đầu tư, xây dựng cơ sở hoạt động, sản xuất khá rải rác. Nguyên nhân là vì các nhà đầu tư thường xây dựng nhà máy chế biến ở gần nguồn nguyên liệu. Điều này trước mắt có thể giúp giảm chi phí vận chuyển, song sẽ tạo ra nhiều hạn chế như: mạnh ai nấy làm, không có tính liên kết, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, không có tính cạnh tranh để phát triển. 
Trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách phát triển không gian kinh tế, trong đó có CLKN. Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22-3-2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh việc hình thành các vùng công nghiệp, CLKN công nghiệp, khu công nghiệp, các mạng sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp, trong đó, CLKN công nghiệp là trọng tâm. Theo đó, định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia nêu rõ việc thực hiện điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại các ngành công nghiệp và phát triển các ngành kinh tế trên từng vùng, từng địa phương theo hướng tập trung, không dàn đều theo địa giới hành chính; triển khai cơ chế, chính sách xây dựng thí điểm CLKN công nghiệp đối với một số sản phẩm trong các ngành công nghiệp ưu tiên theo lợi thế cạnh tranh, chuyên môn hóa và chuỗi giá trị. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phát triển CLKN tập trung vào tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, xây dựng kết cấu hạ tầng, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển các CLKN công nghiệp.
Nhà máy chế biến gỗ của Công ty TNHH Nhất Hưng Gia Lai (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy
Nhà máy chế biến gỗ của Công ty TNHH Nhất Hưng Gia Lai (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy
Tại Gia Lai, ngày 30-7-2019, UBND tỉnh đã có Quyết định số 765/QĐ-UBND phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2019-2023. Đề án có đề cập đến vấn đề thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia CLKN, chuỗi giá trị trong các lĩnh vực sản xuất cà phê, hồ tiêu, các sản phẩm từ gỗ, rau củ quả, các sản phẩm từ thịt bò. Cụ thể: hỗ trợ 50% chi phí đối với các khóa đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất chuyên biệt tại hiện trường; hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về thúc đẩy liên kết trong CLKN, chuỗi giá trị (tối đa không quá 10 triệu đồng/doanh nghiệp/năm); hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về xây dựng các dự án liên kết kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển thị trường, nâng cao giá trị của sản phẩm, hàng hóa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia CLKN sẽ được hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh; 100% chi phí hợp đồng tìm kiếm thông tin, quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu chuỗi giá trị và CLKN; được cung cấp thông tin miễn phí về hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tham gia CLKN, chuỗi giá trị; giảm 50% phí thử nghiệm mẫu phương tiện đo; giảm 50% phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; hỗ trợ 100% chi phí thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa…
Kế hoạch đã được ban hành nhưng đến nay, vấn đề xây dựng CLKN tại Gia Lai để các doanh nghiệp có thể tham gia vẫn còn khá mơ hồ. Do đó, để tạo môi trường phát triển ổn định, bền vững, tỉnh nên tính tới việc xây dựng một CLKN đảm bảo sự quần tụ về địa lý, sự liên kết theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, thậm chí bao gồm cả cơ sở nghiên cứu, đào tạo. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022, ông Hồ Xuân Hiếu-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị-chia sẻ: “Đến Gia Lai lần này, tôi kỳ vọng tìm được các cơ hội hợp tác đầu tư, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến và du lịch. Đây là những lĩnh vực Gia Lai đang rất giàu tiềm năng. Tuy nhiên, tôi nghĩ, Gia Lai cần có quy hoạch vùng trồng cụ thể để nhà đầu tư dễ lựa chọn địa điểm đầu tư, từ đó xây dựng được sự liên kết theo chuỗi giá trị”.
HÀ DUY 

Có thể bạn quan tâm