Phóng sự - Ký sự

Cuộc chiến bí mật thời đại dịch - Kỳ cuối: Ngày virus gây họa...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 30-4, Văn phòng giám đốc tình báo quốc gia Mỹ phát thông cáo báo chí kết luận virus chủng mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (SARS-CoV-2) không phải do con người tạo ra hoặc do biến đổi di truyền.
Tiến sĩ vi trùng học Bruce Edwards Ivins - Ảnh: fredericknewspost.com
Virus thoát ra khỏi phòng thí nghiệm giống như tia lửa trên mặt đất khô. Nhiều tia lửa bắn ra không gây thiệt hại, nhưng chỉ cần một tia lửa cũng đủ khởi đầu đám cháy.
Tạp chí Spektrum der Wissenschaft
Thông cáo báo chí khẳng định cộng đồng tình báo sẽ tiếp tục nghiên cứu thông tin và tin tình báo để xác định xem dịch COVID-19 khởi đầu do tiếp xúc với các động vật bị nhiễm bệnh hay dịch phát sinh do sự cố xảy ra trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán (Trung Quốc).
Nhiễm khuẩn trong phòng thí nghiệm
Thực tế trên thế giới có hàng ngàn phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu các tác nhân gây bệnh của các trường đại học, cơ quan quân sự và công ty tư nhân. Các phòng thí nghiệm đều có quy định bảo đảm an toàn sinh học song không có nghĩa đã đạt đến mức an toàn tuyệt đối.
Trên thực tế đã từng xảy ra nhiều sự cố từ phòng thí nghiệm.
Năm 1978 tại Birmingham (Anh), nhà nhiếp ảnh y tế Janet Parker đã vô tình bị nhiễm virus bệnh đậu mùa ở phòng thí nghiệm trong khi trường hợp mắc bệnh đậu mùa tự nhiên cuối cùng được ghi nhận trước đó một năm.
Tạp chí khoa học Spektrum der Wissenschaft (Đức) ghi nhận trong giai đoạn từ năm 1981-2016 đã xảy ra 220 vụ nhiễm khuẩn trong phòng thí nghiệm được xác nhận.
Cấp độ an toàn sinh học BSL-3 được áp dụng cho các phòng thí nghiệm nghiên cứu các tác nhân gây bệnh nghiêm trọng hoặc gây chết người qua đường hít như vi khuẩn dịch hạch, virus bệnh sốt vàng, virus SARS và virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có hai ca nhiễm khuẩn ngẫu nhiên trên 1.000 nhân viên phòng thí nghiệm.
Đối với phòng thí nghiệm ở cấp an toàn cao nhất BSL-4 (chuyên nghiên cứu các tác nhân nguy hiểm/lạ thường gây tử vong khi bị lây nhiễm và không có vắcxin phòng ngừa hoặc chưa có phương pháp điều trị như virus Ebola), tối thiểu đã có bốn vụ bị nhiễm virus Ebola và một vụ dẫn đến tử vong.
Nói chung nơi nào có nhiễm khuẩn, nơi đó luôn có khả năng virus lây lan.
Nhà virus học Mỹ Daniel R. Perez giải thích về mức độ an toàn của phòng thí nghiệm: "Một bác sĩ, một nữ y tá hoặc ai đó mua sắm ở chợ động vật sống vẫn có khả năng bị nhiễm cao hơn nhiều so với một nhà khoa học trong phòng thí nghiệm".
Song theo tạp chí Nature (Anh), nhiều vụ nhiễm khuẩn ở phòng thí nghiệm vẫn xảy ra, không phải do thiếu rào cản hay thiếu quy định mà xuất phát từ sai lầm của con người.
Các sự cố gồm tai nạn phổ biến như bị ống tiêm đâm hoặc bị động vật nhiễm bệnh cắn và tai nạn khó lường như vỏ máy ly tâm va chạm làm đổ vật liệu gây nhiễm trong đĩa chứa ra bàn.
Cơ quan Kiểm toán nhà nước Mỹ (GAO) xác định trong năm 2003-2015 đã có tối thiểu 21 trường hợp các tác nhân gây bệnh nghiêm trọng chỉ bị vô hiệu hóa một phần trong phòng thí nghiệm, trong đó có vi khuẩn bệnh than và virus Ebola.
Năm 2016, một cô sinh viên người Ý làm luận án ở Genève (Thụy Sĩ) đã bị nhiễm virus HIV. Cô này nghiên cứu một chủng virus bất hoạt (thiếu một gen quan trọng). Tuy nhiên sau khi cô bị nhiễm, kết quả phân tích di truyền lại cho thấy virus lây nhiễm cho cô cùng loại với virus cô đang nghiên cứu.
Như vậy rõ ràng gen thiếu đã xâm nhập vào chỗ nuôi cấy virus mà không ai phát hiện.
Những tình huống khó tin
Theo tạp chí Science & Vie (Pháp), rủi ro dịch bệnh bùng phát do virus hay vi khuẩn thoát ra từ phòng thí nghiệm chiếm khoảng 0,03%. Một tỉ lệ rất đáng lo ngại!
Cuối tháng 1-2014, tổ kiểm kê hằng năm của Viện Pasteur Pháp đã phát hiện chuyện động trời: 29 hộp đựng 2.349 ống nghiệm trong tủ đông của phòng thí nghiệm biến mất. GS Christian Bréchot - tổng giám đốc Viện Pasteur lúc bấy giờ - sững sờ: "Đây là một tình huống không thể chấp nhận và rất khó tin!".
Ủy ban các chuyên gia được thành lập theo yêu cầu của Bộ Y tế Pháp khẳng định nguy cơ lây nhiễm bằng 0 vì các ống nghiệm bị mất chỉ chứa một phần của virus nên vô hại, kể cả trong trường hợp tiếp xúc, truyền trong không khí hoặc nuốt phải.
Viện Pasteur đã mở cuộc điều tra và rà soát tất cả những người làm việc tại viện trong một năm rưỡi, kể cả các thực tập sinh. Giả thiết có kẻ xấu đánh cắp virus khó xảy ra vì nhiều lý do.
Một là theo quy định về vi sinh vật và độc tố gây bệnh cao, người lạ không có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu sẽ không biết ống nghiệm chứa cái gì vì nhãn trên ống nghiệm được ghi theo cách riêng.
Hai là muốn rời khỏi phòng thí nghiệm phải đi qua buồng khử khuẩn và như vậy virus không thể sống. Trong 2.500 người làm việc tại Viện Pasteur, chỉ có 150 người được vào các phòng thí nghiệm P3. Khi vào họ cũng phải thông qua bộ phận nhân sự.
Cuối cùng, Viện Pasteur xác định giả thuyết đáng tin cậy nhất là có nhầm lẫn trong quá trình di chuyển các ống nghiệm qua lại giữa hai tủ đông.
Cuối năm 2012 có 2.349 ống nghiệm nêu trên được chuyển sang tủ đông khác. Đến tháng 3-2013, chúng được đưa về tủ cũ nhưng có thể vô tình virus đã bị hủy nên bị vứt bỏ trong khi nhân viên quên ghi sổ.
Mặc dù các phòng thí nghiệm đều có quy định an toàn sinh học nhưng nhiễm khuẩn vẫn xảy ra - Ảnh: CDC
Nguy cơ khủng bố sinh học
Điều đáng lo ngại là nguy cơ virus thoát ra ngoài. Ngày 16-9-2019, một vụ cháy nổ xảy ra tại Trung tâm Nghiên cứu virus và công nghệ sinh học quốc gia Vektor ở Koltsovo thuộc thành phố Novosibirsk (Nga).
Hãng tin TASS đưa tin bình gas phát nổ trong quá trình sửa chữa phòng kiểm tra vệ sinh làm một công nhân bị bỏng phải nhập viện và một số cửa sổ bị vỡ. May mà lúc đó không có nghiên cứu nào liên quan đến các vật liệu sinh học nguy hiểm.
Trung tâm Vektor là phòng thí nghiệm vũ khí sinh học dưới thời Liên Xô cũ, sau đó đóng cửa rồi được chuyển sang nghiên cứu vắcxin. Trung tâm này và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) ở Mỹ là hai địa điểm lưu trữ các chủng virus đậu mùa sống trên thế giới. Trung tâm Vektor còn nghiên cứu các loại virus Ebola, HIV và bệnh than.
Đáng sợ nhất là nguy cơ khủng bố sinh học. Nguy cơ này được đánh giá khó xảy ra nhưng không phải không thể.
Tại Mỹ, từ ngày 18-9 đến ngày 12-10-2001, nhiều thư nặc danh chứa vi khuẩn bệnh than đã được gửi đến các nghị sĩ và giới truyền thông. 22 người bị nhiễm, trong đó năm người tử vong.
FBI xác định nghi phạm chính là nhà vi trùng học Bruce Edwards Ivins làm việc tại Viện Nghiên cứu y học bệnh truyền nhiễm quân đội Mỹ ở bang Maryland.
Cuối tháng 7-2008, Bruce Ivins tự tử bằng thuốc Tylenol sau khi biết FBI sẽ đề nghị truy tố hình sự. Sau đó, FBI và Bộ Tư pháp Mỹ chính thức kết luận Ivins là người chịu trách nhiệm duy nhất về cái chết của năm nạn nhân và làm bị thương hàng chục người khác bằng thư có chứa vi khuẩn bệnh than.
Tháng 2-2010, FBI công bố hồ sơ bằng chứng dày 92 trang và thông báo kết thúc điều tra.
Nghiên cứu virus hết sức nguy hiểm nhưng các nhà khoa học vẫn phải "đùa với lửa", bởi lẽ họ cần phải nghiên cứu các tác nhân gây bệnh mới hiểu rõ tác nhân đó hoạt động như thế nào để có thể nghiên cứu vắcxin ngăn ngừa hoặc tìm thuốc điều trị.
Trong đại dịch COVID-19, các cơ quan tình báo Mỹ còn có nhiệm vụ đánh giá cách thức các chính phủ nước ngoài xử lý dịch, từ số lượng trang thiết bị y tế tìm mua cho đến thông tin chính xác về dữ liệu dịch bệnh lây nhiễm.
Cựu nhân viên phân tích CIA Cindy Otis - giám đốc về phân tích của Công ty bảo mật không gian mạng Nisos - giải thích: "Các nhà phân tích tình báo xem xét dịch lây lan như thế nào, ảnh hưởng đến các quốc gia ra sao và liệu các chính phủ nước ngoài có che giấu số liệu tử vong hay không".
Theo HOÀNG DUY LONG (TTO)

Có thể bạn quan tâm