“Nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau chỉ 30 mét mà thôi xa gì” - cụ ông 92 tuổi vừa nói vừa nhìn cụ bà với ánh mắt âu yếm.
Ngôi nhà nhỏ của 2 cụ luôn đầy ắp tiếng cười. Ảnh: Hoài Anh |
Trong căn nhà nhỏ trên phố Trần Đại Nghĩa (Hai Bà Trưng, Hà Nội), chiếc tivi phát chương trình thời sự đang được để âm lượng ở mức tối đa. Người đang ngồi trước màn hình là cụ ông Bùi Huy Hùng (92 tuổi) và cụ bà Bùi Thị Lợi (84 tuổi).
Đây là 2 nhân vật mà chúng tôi - những phóng viên trẻ của Báo Lao Động - đã có cơ hội được gặp gỡ cách đây gần 2 năm. Khi đó, chúng tôi tìm gặp cụ Hùng để phỏng vấn một số vấn đề liên quan đến sức khoẻ. Nhưng rồi, sự quan tâm của 2 cụ dành cho nhau và câu chuyện tình yêu của 2 cụ lại làm chúng tôi ấn tượng tới mức gần như quên đi mục đích của cuộc gặp mặt.
Vậy nên, chúng tôi quyết định trở lại căn nhà nhỏ này một lần nữa, để tìm hiểu sâu hơn về câu chuyện tình yêu đặc biệt này.
Tình yêu từ những lá thư tay
Trước kia, nhà cụ bà và nhà cụ ông đều ở phố Hàng Bạc, cách nhau khoảng 30 mét. Hai người đều quen biết nhau từ nhỏ nhưng không có ấn tượng nhiều về nhau. Cho đến khi cụ ông đi bộ đội về, mọi thứ mới hoàn toàn thay đổi. “Đi bộ đội về, tôi mới thấy bà này hồi xưa trông nhếch nhác lắm nhưng sao giờ cười trông xinh quá. Tôi nghĩ bụng: “Chấm” cả phố thì bà này nổi bật nhất. Chỉ có một điểm là bà ấy thấp quá, được có 1m49, mà tôi 1m72, hơn nhau hẳn một cái đầu. Thế nên dù tôi “chấm” bà này rồi nhưng chỉ dám để trong bụng thôi” - cụ ông vừa cười vừa kể lại.
1 năm sau, chàng trai Huy Hùng khi đó quyết định thổ lộ tình cảm của mình thì “cô bé hạt tiêu” Lợi đã xung phong đi công trường đắp đê Hồng Quảng. Nhờ sự trợ giúp của anh trai cụ bà, cụ ông bắt đầu kết nối được với “cô bé hạt tiêu” qua những bức thư tay.
Lá thư đầu tiên, cụ ông nói rằng: “Hai đứa đã biết nhau từ rất lâu và có nhiều điểm tương đồng nên rất muốn nên duyên. Sau này có gì khó khăn sẽ cùng nhau vượt qua”. Câu nói trên của cụ ông xuất phát từ việc cụ ông mồ côi cha từ năm 4 tuổi, còn cụ bà mồ côi mẹ từ khi mới 33 ngày tuổi. Cả 2 người đều phải gánh chịu những nỗi khổ riêng khi mà không có đầy đủ sự chăm sóc của cả cha lẫn mẹ.
Suốt 5 tháng trao đổi thư tay, sự chân thật, không bay bổng của cụ ông đã chiếm được trái tim cụ bà. 24 tháng Giêng năm Đinh Dậu (năm 1957), 2 người tổ chức đám cưới.
Bức ảnh được chụp năm 1958, khi 2 cụ có con đầu lòng. Ảnh: Hoài Anh |
Những người cùng khổ
Sau khi cưới nhau, cụ ông được cử đi học y tá, rồi học lên bác sĩ để phục vụ trong quân đội. Cụ bà làm cấp dưỡng của trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Đôi vợ chồng trẻ khi đó được cấp 1 căn nhà lá rộng 9m2, chỉ đủ để kê 1 chiếc giường. Đồ đạc từ xoong nồi, hòm quần áo, chậu được nhét xuống gầm giường. Căn nhà nhỏ trời nắng thì nóng, trời mưa thì dột khắp nơi, nhưng lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười.
Tính cụ ông hài hước, vui vẻ, nên mỗi lần được nghỉ phép về nhà là cả căn nhà như rộn ràng hơn. “Nhớ lại khi tôi sinh thằng đầu, ông ấy vẫn đang ở trong quân đội. Cứ lúc nào được về là lại thấy ông ấy cặm cụi dọn nhà rồi giặt tã cho con, giặt cả quần áo cho tôi” - cụ bà nói.
Ngày đó, lương 2 vợ chồng chỉ được “ba cọc ba đồng”, chẳng đủ để nuôi con. Vậy nên, họ gồng mình làm cả trăm nghề một lúc, từ bán rau, bán giá, nuôi vịt, nuôi thỏ, nuôi lợn...
Vào những dịp cụ ông được nghỉ phép, công việc của cụ bà lại vơi nhẹ đi phân nửa. Việc gánh nước làm giá sẽ do cụ ông làm, việc nhổ rau để mang đi bán, rồi cho lợn, cho thỏ ăn cũng là cụ ông đảm nhiệm. “Làm gì thì làm cũng không thể để chúng nó thất học được” là câu mà 2 vợ chồng thường nói với nhau mỗi khi mệt mỏi vì làm việc quá sức.
“Tôi là đôi tai của ông ấy”
Bây giờ, khi cụ ông 92 tuổi và cụ bà cũng đã 84 tuổi, nhưng cả hai đều khoẻ mạnh và gần như không cần nhờ đến sự trợ giúp của con cái.
Đều đều 4 lần 1 tuần, cụ bà đi bộ đi chợ, rồi về giặt giũ phơi quần áo, nấu cơm... Những ngày còn lại trong tuần, cụ bà dành thời gian để xay sữa đậu nành cho cụ ông uống. Về phần mình, cụ ông sẽ giúp cụ bà làm việc nhà và dành nhiều thời gian để đọc báo. Bài báo nào hay, cụ ông sẽ mang đi photo và phát cho các cụ hưu trí trong phố.
Ngoài làm những công việc thường ngày, cụ bà hiện còn đảm nhận thêm một vai trò mới - là đôi tai của cụ ông. Cụ ông bị nặng tai, câu nghe được câu mất. Mỗi khi có khách đến nhà hay có người gọi điện thoại tới, cụ bà sẽ nói lại thật chậm, thật to để cụ ông nhìn khẩu hình miệng hoặc viết lên chiếc bảng đen cho cụ ông đọc. Sau mỗi lần như vậy, cụ ông lại gật gù và nhoẻn miệng cười thật tươi, khoe hàm răng đã bị khuyết đi “cửa chính”.
Còn với những lúc cụ bà tỏ ra nản lòng vì giải thích nhiều lần không được, cụ ông lại an ủi: “Tai tôi điếc là để tổ tiên gọi, tôi sẽ không nghe thấy gì. Có như vậy, tôi mới được ở với bà lâu hơn chứ”. Thế rồi, cụ bà lại bật cười và tiếp tục hành trình làm phiên dịch viên.
Đây cũng là lí do mà căn nhà nhỏ này luôn rộn ràng và đầy ắp tiếng cười.
Cuộc hôn nhân không hoa, không quà, không nước mắt
63 năm bên nhau, cụ bà chưa một lần được nhận hoa, nhận quà, nhưng cũng chưa một lần phải rơi nước mắt vì cụ ông. Có lẽ, sự sẻ chia đã giúp họ gắn bó cho đến tận bây giờ.
Ngày mới lấy nhau, cụ bà luôn kể cho cụ ông nghe mọi chuyện, từ chuyện chiếc áo bị rách, chuyện cảm thấy tủi thân khi bị bắt nạt ở chỗ làm mới. Cho đến tận bây giờ, sau hàng chục năm, cụ bà vẫn luôn tâm sự với cụ ông, dù là chuyện cỏn con ở chợ sáng hay chuyện lớn trong gia đình.
“Bữa trước, tôi còn bàn với bà ấy là hay thử giận nhau một hôm xem như thế nào. Vì tôi chưa bao giờ thấy bà ấy giận dỗi và bà ấy cũng như vậy” - cụ ông trêu.
Một điều được cụ bà đánh giá là yếu tố quan trọng để không xảy ra mâu thuẫn trong gia đình đó là về kinh tế. “Tiền lương về vợ chồng để chung, không bon chen ích kỷ, không được ăn hoang mặc rộng, mọi thứ vừa đủ. Và tiền lương cũng không được tiêu hết mà phải rút một phần ra để tiết kiệm phòng khi ốm đau bệnh tật có cái mà dùng” - cụ bà nói.
Sau 63 năm bên nhau, hiện tại, 2 cụ đang sở hữu nhiều “báu vật” khi có 3 con, 6 cháu và 1 chắt. Các con, cháu đều đã ăn học thành tài, con lớn là thẩm phán, con thứ 2 là giám đốc ngân hàng liên doanh và con thứ 3 làm trong ngành viễn thông. Mỗi dịp cuối tuần hay lễ Tết, con cháu lại về quây quần nô nức.
Theo HOÀI ANH - THẢO ANH (LĐO)