Thời sự - Bình luận

'Cuộc kiện vĩ đại' vẫn tiếp tục

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hơn 3 năm trước, ngày 26.1.2021, tôi đã viết bài Một cuộc kiện vĩ đại để hưởng ứng cuộc kiện của bà Trần Tố Nga, một nạn nhân của chất độc da cam, khởi kiện các công ty hóa chất lớn đã cung cấp "thuốc diệt cỏ" và thả xuống miền Nam VN cùng hai nước Lào và Campuchia ngày trước.

Sau nhiều năm, cả thế giới đều biết "thuốc diệt cỏ" trên chính là chất độc da cam gây hậu quả kinh khủng. Vậy mà trước cuộc kiện của bà Trần Tố Nga, một nạn nhân đau khổ của chất độc da cam, đứng tên kiện vì công lý vì nỗi đau chất độc da cam của mọi nạn nhân chất độc này ở VN, Tòa án Evry của Pháp năm 2021 đã kết luận một cách hết sức sai lầm là các công ty trên không phải chịu trách nhiệm.

Trước kháng cáo của bà Nga, ngày 7.5 vừa qua, Tòa phúc thẩm Paris đã mở phiên xét xử để xem xét lại vụ việc và đến nay chưa công bố kết quả. Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL), một tổ chức phi chính phủ toàn cầu gồm các chuyên gia luật tiến bộ có tư cách tư vấn tại Hội đồng Kinh tế - Xã hội LHQ và đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ những nạn nhân chất độc da cam người VN, vừa gửi thư ngỏ tới Tòa án phúc thẩm Paris. Bức thư có lời lẽ mạnh mẽ yêu cầu Tòa phúc thẩm xem xét một cách công bằng về kết luận sai trái của Tòa sơ thẩm Evry 3 năm trước.

Thư ngỏ có đoạn: "IADL không hài lòng với quyết định của Tòa án Evry được đưa ra vào ngày 10.5.2021 nói rằng họ không có thẩm quyền xét xử vụ việc với lý do các công ty đang hành động "theo lệnh" của chính phủ Mỹ, vốn đang thực hiện một "hành động có chủ quyền". IADL cho rằng phán quyết này là không thể chấp nhận được, vì các công ty hóa chất trên không bị chính phủ Mỹ ép buộc mà tự nguyện tham gia đấu thầu và sản xuất chất độc, do đó họ phải chịu trách nhiệm về việc sản xuất của mình và tòa án phải có thẩm quyền xét xử".

Bức thư cũng nêu rõ: "Chúng tôi yêu cầu Tòa phúc thẩm Paris xem xét kỹ lưỡng quyết định này và xem xét kỹ lưỡng mọi yếu tố liên quan để đưa ra phán quyết công bằng để nạn nhân chất độc da cam có thể được bồi thường thỏa đáng cho những tổn thương khốn khổ mà họ đã gánh chịu. Đã quá lâu đòi hỏi công lý chính đáng này không được đáp ứng".

Chúng ta hãy chờ xem phán quyết của Tòa phúc thẩm Paris lần này!

Có thể bạn quan tâm