Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 8 (tháng 6.1988), lần đầu tiên có 2 ứng cử viên cho chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) được giới thiệu để Quốc hội bầu.
Cố Tổng bí thư Đỗ Mười và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ẢNH TƯ LIỆU |
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão vẫn nhớ như in cuộc tranh cử chức danh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tại kỳ họp giữa năm 1988 giữa 2 ứng viên ông Đỗ Mười và ông Võ Văn Kiệt và cho rằng, đây là một "dấu son trong lịch sử Quốc hội Việt Nam".
Ông Mão kể: "Tôi nhớ lại kỳ họp giữa năm 1988, khi đó, đồng chí Phạm Hùng vừa từ trần. Theo quy định của Hiến pháp năm 1980, Hội đồng Nhà nước giới thiệu chức danh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng để Quốc hội bầu trên cơ sở kết quả thảo luận và biểu quyết của Hội nghị Ban chấp hành T.Ư Đảng.
Khi đó, đồng chí Đỗ Mười được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Nhưng ra đến Quốc hội, có nhiều đoàn đại biểu quốc hội đề nghị giới thiệu thêm đồng chí Võ Văn Kiệt, đặc biệt là các đại biểu Quốc hội phía Nam thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với việc này".
Theo ông Vũ Mão, khi đó, tại Quốc hội, bà Ba Thi nói: “Nhân dân miền Nam, nhất là nhân dân Sài Gòn, rất kính trọng đồng chí Võ Văn Kiệt. Vì vậy, tôi tha thiết đề nghị Quốc hội bầu đồng chí Kiệt”.
Tuy nhiên, chị Kim Đính, Chủ nhiệm Liên hiệp hợp tác xã Hải Hưng khi đó, không đồng ý cách lập luận chị Ba Thi. Sau đó, đại biểu Lý Chánh Trung đề nghị đưa cả hai ứng cử viên là ông Đỗ Mười và ông Võ Văn Kiệt ra để Quốc hội bầu.
Theo ông Mão, đây là một tình huống bất ngờ vì từ trước tới nay, khi Đảng giới thiệu nhân sự thì các đại biểu Quốc hội dù có ý kiến khác nhau nhưng cuối cùng vẫn nhất trí với sự giới thiệu.
Sau đó, sự việc được báo cáo lên Tổng bí thư khi ấy là ông Nguyễn Văn Linh, và Tổng bí thư đã đồng ý triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị để bàn bạc về vấn đề này. Kết quả, Bộ Chính trị nhất trí đề nghị của Hội đồng Nhà nước giới thiệu 2 ứng viên để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
“Tôi cho là xử lý của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Bộ Chính trị là hợp lý khi chấp nhận ý kiến của các đại biểu Quốc hội là để 2 ứng cử viên”, ông Mão đánh giá và cho biết, kết quả sau đó, ông Đỗ Mười là người trúng cử với tỷ lệ 63% số phiếu ủng hộ, ông Võ Văn Kiệt được 37% số phiếu.
Ông Mão cho biết, cuộc tranh cử đầu tiên và duy nhất cho tới nay khi đó đã tạo thành không khí hồ hởi, phấn khởi trong cả nước, được quốc tế rất ca ngợi. “Đây là phiên tranh luận hấp dẫn, mở đầu cho thời kỳ Quốc hội đổi mới”, ông Mão nói thêm.
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ trong và ngoài nước tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đã từ trần hồi 23 giờ 12 phút ngày 1.10.2018, tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tên thật là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2.2.1917. Năm 19 tuổi, ông đã tham gia hoạt động phong trào Mặt trận bình dân. Tới năm 1939, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa II, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa III, IV; Ủy viên Bộ Chính trị khóa V, VI, VII, VIII. Ông cũng là Đại biểu Quốc hội các khóa II, IV, V, VI, VII, VIII, IX. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII và VIII, ông được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư, Uỷ viên Bộ Chính trị, giữ chức Tổng bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng (từ 6.1991 - 12.1997). Tháng 12.1997, ông được Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng lần thứ 4 (khoá VIII) cử làm Cố vấn Ban Chấp hành T.Ư Đảng. Ông được trao tặng huy hiệu 80 năm tuổi Đảng vào ngày 28.4.2018. |
Lê Hiệp-Vũ Hân (Thanh Niên)