Hành trình di chuyển của những người mặc áo blouse trắng trong những ngày này là khoảng trống giữa những chiếc giường trong bệnh viện. Họ giành giật sự sống cho người bệnh, mạo hiểm sự sống của chính bản thân mình. Và có những nhân viên y tế đã hy sinh khi làm nhiệm vụ.
"Cái chết đối với từng người vốn dĩ là một hành trình cô đơn không thể chia sẻ cùng ai. Nay điều khủng khiếp nhất của đại dịch Covid-19 không chỉ là chia cách tinh thần, cắt đứt mọi sự giao tiếp trong xã hội mà còn đẩy những người bị nhiễm và người bị chết vào hoàn cảnh đơn độc đến tận cùng. Nữ hộ sinh Dương Nguyễn Thùy Trinh và những bệnh nhân không may đã phải chấm dứt sự sống của mình trong sự tàn nhẫn của đại dịch Covid-19. Chúng tôi rất đau xót nhưng cũng tự hào vì sự hy sinh của một người đồng nghiệp sẽ góp phần mang lại cuộc sống cho rất nhiều người ở lại".
Đó là đoạn trích lấy đi nhiều nước mắt trong lá thư chia buồn Giám đốc Sở Y tế Bình Dương gửi đến gia đình chị Dương Nguyễn Thùy Trinh, nữ hộ sinh Bệnh viện Đa khoa Bình Dương. Chị đã kết thúc cuộc hành trình của mình ở tuổi 32, khi đang mang bầu ở tuần thứ 20, do nhiễm virus trong quá trình chăm sóc các bệnh nhân Covid-19.
Vị giám đốc đã gọi sự ra đi của người nữ đồng nghiệp trẻ là "sự hy sinh" – chính xác là một sự hy sinh, khi những nhân viên y tế là người ở tuyến đầu trong cuộc chiến với đại dịch, họ đối mặt với con virus vô hình nhưng chết chóc, ngày đêm giành giật mạng sống cho người bệnh.
Đến giờ, đã có ít nhất 4 cán bộ y tế ở TP.HCM và Bình Dương tử vong trong cuộc chiến đó, khoảng 2.400 cán bộ y tế nhiễm bệnh. Bộ Y tế cuối tuần qua vừa đề xuất phong liệt sĩ cho chị Dương Nguyễn Thuỳ Trinh và các cán bộ nhân y tế tử vong khi làm nhiệm vụ phòng chống dịch. Khi dịch đang hoành hành tứ phía, nhất là ở các tỉnh phía Nam, sự xả thân của các cán bộ nhân viên y tế xứng đáng được Tổ Quốc ghi công và sự công nhận ấy cần được làm sớm nhất có thể.
Đã có hàng trăm đoàn cán bộ y tế xuất quân, chi viện cho miền Nam chống dịch với hơn 14.500 cán bộ y tế từ trung ương và các bộ, ngành, địa phương. Đến hôm qua (22/8), lại có thêm 3.000 cán bộ nhân viên y tế lên đường chống dịch. Tuy vậy, với cả trăm nghìn bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… tình trạng luôn là quá tải. Các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên làm việc ngày đêm trong môi trường có nồng độ virus cao, có những người ở lại luôn khu điều trị, ăn uống ngủ nghỉ qua loa, có những nơi họ phải ngủ giường bạt hay trải bạt ngay trên mặt đất. Trang thiết bị máy móc, đồ bảo hộ thiếu thốn. Họ lại phải đối mặt với tâm lý nặng nề khi bệnh nhân trở nặng nhanh, tỷ lệ tử vong cao… Vậy nhưng chẳng ai nghĩ đến cá nhân mình.
Hôm 21/8, có thêm 295 cán bộ, bác sĩ, học viên của Học viện Quân y vào TP.HCM và các tỉnh phía nam tăng cường phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Nguyễn Chương |
Vài tuần trước, tôi dự lễ xuất quân của 300 bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Việt Đức từ Hà Nội lên đường vào Nam chống dịch. Đó là chuyến xuất quân lớn nhất của Bệnh viện trong lịch sử.
Giờ thì họ đang làm việc không quản ngày đêm ở Bệnh viện dã chiến số 13, đóng tại huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh, nơi xây dựng khu hồi sức tích cực với 500 giường bệnh. Khu vực này điều trị những bệnh nhân nặng và rất nặng, cần nhân lực lớn, chuyên môn cao. Trước khi đi, họ đều biết sẽ vào nơi tâm dịch đầy rủi ro, nguy hiểm, nhưng họ đã "tranh nhau" đăng ký xung phong lên đường.
Trong cuộc chia tay hôm ấy, tôi đã chứng kiến giọt nước mắt của những người ở lại khi "lãnh đạo không duyệt bởi con còn quá nhỏ"; "em mới sinh phải đi vào đợt sau…". Ở phía ngược lại, trong câu chuyện của người ra đi, không có sự bi quan, mà tràn đầy quyết tâm và khích lệ.
Một bác sĩ nam 34 tuổi chia sẻ với tôi, đã gần 2 tháng hai vợ chồng anh không về tới nhà, con cái đều gửi sang ông bà chăm sóc: "Vợ tôi cũng làm ở một bệnh viện lớn khác tại Hà Nội. Lâu lâu chúng tôi chỉ có thể liên lạc với nhau và với con qua điện thoại, cũng nhớ bọn nó lắm mà không làm khác được. Chúng tôi đều xác định rằng còn dịch còn phải chiến đấu, hết dịch mới có thể sum vầy". Câu chuyện dở dang khi anh phải lên xe, không quên dặn chúng tôi không ghi lại tên, bởi "những điều tôi đang làm đều bình thường cả".
Sự hy sinh có bao giờ là bình thường, dù là hy sinh tính mạng, tình cảm gia đình, công sức, thời gian - tôi nghĩ, nhưng điều đó tôi không kịp nói với anh, bởi bánh xe đã lăn đi.
Trong khi nhiều bộ phim về nghề y thu hút rating khổng lồ và lấy được vô số nước mắt của khán giả trên các trang web trực tuyến, thì ở ngoài đời, chúng ta lại thường quên nói cảm ơn với những người y, bác sĩ. Trong khi phàn nàn về việc chỉ được đi đi lại lại trong nhà, chúng ta đã quên rằng có những người mà hành trình di chuyển của họ chỉ là khoảng trống giữa những chiếc giường trong bệnh viện. Và trong những cuộc cãi vã vô cảm và vô nghĩa trên mạng xã hội về chuyện phân biệt vùng miền, hay lựa chọn vaccine, chúng ta thường lãng quên có những người đã và đang đánh đổi những phút giây đoàn tụ, đánh đổi sự bình yên để chúng ta còn được ở "vùng xanh".
Thật ra, chỉ có chúng ta ở vùng xanh mới có thể nghĩ về sự hy sinh của họ. Còn chính các y, bác sĩ trong kia, có lẽ họ không còn thời gian để nghĩ điều gì khác ngoài người bệnh. Họ tạm gác lại cả nỗi lo về gia đình, nỗi nhớ con, thậm chí phải nén nỗi đau mất mát chính người thân của mình. Cuộc sống của họ hiện tại chỉ xoay vòng với tiếng còi xe cấp cứu, những máy móc, bình oxy, những chỉ số trên màn hình monitor nhấp nháy, và sức khoẻ, tính mạng của bệnh nhân mà họ đã chọn để chăm lo, tận hiến.
https://danviet.vn/cuoc-xa-than-cua-nhung-chien-si-ao-blouse-trang-20210823151707148.htm
Theo Yên Phong (Dân Việt)